Home Thế Giới Tấn công bằng dao ở Nice: Pháp nâng báo động khủng bố...

Tấn công bằng dao ở Nice: Pháp nâng báo động khủng bố lên cấp cao nhất

Nghe đọc bài

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vào hôm nay 30/10/2020 đã triệu tập một cuộc họp của Hội Đồng Quốc Phòng, một hôm sau vụ tấn công bằng dao do một phẩn tử Hồi Giáo cực đoan tiến hành tại một nhà thờ Công Giáo ở thành phố Nice, miền nam nước Pháp, sát hại ba người, trước khi bị bắt. Vụ việc đã đặt nước Pháp trong tình trạng báo đông khủng bố cao nhất.

Ngay sau vụ khủng bố, tổng thống Pháp đã đến tận nơi để xem xét tình hình, trong lúc thủ tướng Jean Castex đã loan báo quyết định nâng kế hoạch chống khủng bố Vigipirate lên mức cao nhất là “Khẩn cấp chống khủng bố”.

Theo kết quả điều tra sơ bộ, kẻ sát nhân là một thanh niên 21 tuổi người Tunisia, mới từ Ý sang Pháp. Thủ phạm vụ tấn công đã bị cảnh sát vô hiệu hóa, sau khi đâm và giết một người đàn ông và hai phụ nữ trong nhà thờ Đức Bà ở Nice, vào sáng hôm qua. Bị thương nặng, kẻ sát nhân này đã được đưa vào bệnh viện.

Cuộc điều tra sơ khởi đã cho phép bắt giữ một nghi can 47 tuổi, bị tình nghi có liên hệ với kẻ tấn công, trong một vụ đã được chính tổng thống Pháp gọi là một vụ “khủng bố của Hồi Giáo cưc đoan”. Theo công tố viên đặc trách khủng bố, gần nơi bắt được thủ phạm, các nhà điều tra tìm thấy một quyển kinh Koran, hai chiếc điện thoại và hung khí giết người, “một con dao dài 30 cm với lưỡi dao dài 17 cm“.

Vụ khủng bố gây bàng hoàng. Đặc phái viên RFI Stéphane Burgatt đã đến Nhà Thờ Sainte Réparade ở Nice để tìm hiểu thêm về phản ứng của người dân:

“Súng tự động trên tay, cả một hàng rào cảnh sát đứng canh giữ ngay cửa vào ngôi nhà thờ nằm khuất trong khu đi bộ của khu phố cổ thành phố Nice. Cha Michel Angela phụ trách nhà thờ kiên quyết dành một buổi cầu nguyện cho các nạn nhân vụ khủng bố.

Bên trong giáo đường, có khoảng 20 tín đồ đang cầu nguyện. Họ có vẻ rất lo âu, vì đều nhớ lại vụ khủng bố kinh hoàng ngày 14/07/2016, khi một kẻ khủng bố lái xe tải đâm vào khách bộ hành đông đảo trên con đường ven biển nổi tiếng của thành phố. Đối với nhiều người, đây là một vết thương chưa lành.

Do việc phải mở rộng pham vị bảo đảm an ninh quanh các nhà thờ, do tình trạng giới nghiêm và lệnh phong tỏa chống Covid-19 đã được ban hành, nhiều giáo dân đã không thể vào nhà thờ dự lễ cầu nguyện, như mong muốn.

Tuy nhiên, một số người đã cố đến gần giáo đường, đặt vài bó bông và cây nến để tưởng nhớ các nạn nhân.”

Theo RFI

Exit mobile version