Taliban van nài giải tỏa tài sản, dọa khủng hoảng di cư tới châu Âu

Chính phủ Taliban cầm quyền ở Afghanistan đang van nài phương Tây chấm dứt việc phong tỏa tài sản của ngân hàng trung ương nước này dự trữ ở nước ngoài giữa lúc đất nước đang đối mặt với nạn đói, tình trạng khan hiếm tiền mặt và nguy cơ bùng phát một cuộc khủng hoảng di cư mới.

Phụ nữ Afghanistan bị cảnh sát Taliban đánh đập công khai ngoài đường. Minh họa: Wikipedia

Trước khi chính phủ Kabul bị đánh bại, Ngân hàng trung ương Afghanistan đã gửi hàng tỷ đô la tài sản ở nước ngoài, ở Ngân hàng Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ và các ngân hàng trung ương khác ở châu Âu. Nhưng toàn bộ số tiền này đã bị đóng băng kể từ khi quân Hồi giáo Taliban lật đổ chính phủ được phương Tây hậu thuẫn vào Tháng Tám.

Việc đóng băng tài sản của Afghanistan thể hiện sự không công nhận tính hợp pháp của Taliban, gây sức ép buộc tổ chức Hồi giáo cực đoan này phải thương thảo và thành lập chính phủ đại diện nhiều thành phần, tôn trọng nhân quyền của người dân Afghanistan.

Để yêu cầu phương Tây chấm dứt việc phong tỏa tài sản, một phát ngôn viên Bộ Tài chính trong chính quyền Taliban, ông Ahmad Wali Haqmal, nói rằng, Taliban sẽ tôn trọng nhân quyền, kể cả quyền được đi học và đi làm của phụ nữ. Dưới sự cai trị của Taliban năm 1996-2001, phụ nữ Taliban không được học hành, không được đi làm việc có hưởng lương và chỉ được ra khỏi nhà khi đeo mạng che mặt và có người đàn ông trong gia đình đi cùng.

Ông Haqmal cho biết Taliban sẽ cho phụ nữ đi học nhưng không ngồi cùng lớp với nam giới. Ông nói, quyền con người sẽ được tôn trọng nhưng trong khuôn khổ luật Hồi giáo.

Ông Haqmal cũng cho rằng viện trợ nhân đạo mà các nước gửi tới Afghanistan chỉ giúp được “một phần nhỏ” và số tài sản bị phong tỏa là thuộc về Afghanistan. “Việc đóng băng số tiền này là phi đạo đức và đi ngược lại mọi luật lệ và giá trị quốc tế,” ông Haqmal nói với hãng tin Reuters.

Trong khi đó ông Shah Mehrabi, một thành viên hội đồng quản trị của ngân hàng trung ương Afghanistan, nói rằng “tình hình đang tuyệt vọng và lượng tiền mặt đang cạn dần”; và ông cảnh báo một sự sụp đổ kinh tế có thể kích hoạt làn sóng người Afghanistan di cư ồ ạt sang châu Âu.

Ông Mehrabi cho biết ông không hy vọng Hoa Kỳ sẽ sớm bãi bỏ việc phong tỏa tài sản của Afghanistan, trị giá khoảng $9 tỷ, nhưng tin rằng các nước châu Âu có thể sẽ hành động khác. Ông nói rằng Đức đang nắm giữ nửa tỷ đôla tiền của Afghanistan và nước này cũng như các nước châu Âu khác nên trả lại những khoản tiền đó. Theo ông Mehrabi, Afghanistan có khoảng $431 triệu dự trữ gửi tại Ngân hàng Commerzbank của Đức, cũng như khoảng $94 triệu khác gửi tại Bundesbank – Ngân hàng trung ương của Đức.

Bộ Tài chính của Taliban nói hiện họ chỉ thu được mỗi ngày 400 triệu đồng Afghani tiền thuế, tương đương với $4,4 triệu trong khi Afghanistan cần ít nhất $150 triệu mỗi tháng để “ngăn chặn cuộc khủng hoảng sắp xảy ra”, giữ cho đồng nội tệ và giá cả ổn định. Việc Mỹ rút quân cùng với nhiều nhà tài trợ quốc tế đã rời khỏi đất nước làm cho Afghanistan mất đi khoảng ba phần tư nguồn tiền tài trợ cho chi tiêu công của chính phủ.

Mặc dù các cường quốc phương Tây muốn ngăn chặn thảm họa nhân đạo ở Afghanistan, nhưng họ không chính thức công nhận chính phủ Taliban. Ông Mehrabi cho biết: “Nếu lượng tiền dự trữ vẫn bị đóng băng, các nhà nhập khẩu Afghanistan sẽ có tiền trả cho các lô hàng của họ, các ngân hàng sẽ sụp đổ, thực phẩm sẽ trở nên khan hiếm, các cửa hàng tạp hóa sẽ trống rỗng”.

“Châu Âu sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất nếu Afghanistan không tiếp cận được với nguồn tiền này”, ông Mehrabi nói.