Tại sao CSVN ‘không phiền’ nếu Trump thua Biden?

Tổng bí thư CSVN Nguyễn Phú Trọng nâng ly với ông Joe Biden, thời điểm ông này còn làm phó tổng thống Mỹ, hôm 7/7/2015 tại Washington, DC. Courtesy of AFP

Có ý kiến lý giải Hà Nội đã được hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại của Trump nhưng lời đe dọa trừng phạt tiền tệ của ông ấy khiến việc đặt cược vào Biden trở nên “an toàn” hơn, và điều này được biểu hiện qua việc giới chức CSVN công khai bày tỏ hy vọng Biden đắc cử.

Biden đem đến hiệp định thương mại tự do cho Việt Nam? 

Hồi trung tuần tháng 9/2020, tờ Tuổi Trẻ gây tranh cãi kịch liệt khi dẫn phát ngôn của ông Ngô Chung Khanh, vụ phó Chính sách Thương mại Đa biên, Bộ Công thương CSVN: “Việt Nam có thể đàm phán ký kết một hiệp định thương mại tự do với Mỹ nếu ứng cử viên tổng thống Mỹ là ông Joe Biden thắng cử, tạo ra sự cộng hưởng lớn về thương mại và đầu tư.”
Ông Khanh công khai đưa ra ý kiến nêu trên tại Diễn đàn Thương mại và Công nghiệp với các đối tác châu Mỹ 2020.

Facebooker Mai Quốc Ấn bình luận trên trang cá nhân: “Là cán bộ thuộc Bộ Công thương thì hẳn vị công chức liên quan đến đàm phán hiệp định thương mại với Mỹ, nghĩa là bộ mặt của quốc gia về lĩnh vực thương mại.

Có câu: ‘Nghĩ mình phương diện quốc gia. Quan trên trông xuống, người ta trông vào’. Vì trông vào, nên thấy sợ hãi với trình độ nhận thức của cán bộ. Những phát ngôn như thế này thể hiện tính định kiến quá cao.”

“Giả sử ứng viên Biden thất bại và ông Trump lần nữa làm tổng thống Mỹ thì câu nói hôm nay không khác gì một hành vi phá hoại quan hệ ngoại giao.”

Thủ tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc chạy lại tiếp cận Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Thượng đỉnh G20 ở Nhật hồi cuối tháng 6/2019. Courtesy of Asia Times

Một số Facebooker khác thì cho rằng, phát ngôn của giới chức Bộ Công thương CSVN “chơi khó” Bộ Ngoại giao vì đang yên đang lành, tự dưng VN “coi thường” Tổng thống Trump quá. Nhưng cũng có suy đoán vị đại diện Bộ Công thương CSVN phát ngôn theo chỉ đạo, chứ đến cấp Bộ chẳng ai dại gì nói trái quan điểm trước một hội thảo quốc tế.

Sau khi dân mạng bàn tán, tờ báo của Thành đoàn TNCS đã vội vàng cắt bỏ phát ngôn của ông Khanh mà không hề giải thích hay xin lỗi bạn đọc.

“Trump thắng ok, Biden thắng cũng tốt”

Tác giả David Hutt, nhà quan sát chính trị Đông Nam Á, viết trên trang Asia Times: “Thủ tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc mới đây đã van xin Tổng thống Mỹ Donald Trump không trừng phạt Việt Nam vì cáo buộc thao túng tiền tệ. Lời cầu xin của ông Phúc được đưa ra sau khi đại diện Thương mại Hoa Kỳ loan báo việc Việt Nam sẽ bị điều tra về hành vi thao túng tiền tệ. Việt Nam đã được hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại của Trump với Trung Quốc, khiến nhiều nhà sản xuất đa quốc gia đã bỏ Trung Quốc sang Việt Nam để tránh thuế quan cao hơn của Washington áp cho hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc.”

“Dường như ông Phúc đang chuẩn bị tinh thần cho cuộc đàm phán mới với Washington nếu Trump thắng cử nhiệm kỳ thứ hai trong lúc cũng có thể đã ra tín hiệu cho chiến dịch của Biden rằng Hà Nội muốn chấm dứt việc trở tới trở lui cáo buộc thao túng tiền tệ kéo dài từ năm 2017.”

Theo tác giả Hutt, vì nhiều lý do, lãnh đạo CSVN “đương nhiên vẫn kín tiếng về việc họ nghĩ ai giành chiến thắng hôm 3/11/2020”.

“Hà Nội có ít lý do để lo lắng về kết quả bầu cử của Mỹ hơn hầu hết các quốc gia khác ở châu Á. Có lý do để tin rằng một nhiệm kỳ tổng thống của Biden về cơ bản sẽ không làm chệch hướng chính sách hiện tại của Hoa Kỳ trong khu vực. Điều đó bao gồm lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc và cam kết đảm bảo các liên minh với các quốc gia thân thiện, cả hai chiến lược đều phù hợp với Hà Nội,” ông Hutt phân tích.

Theo nhà quan sát, mối quan hệ chặt chẽ Việt – Mỹ vẫn là “bất khả xâm phạm” ở Washington vì Hà Nội là đối thủ ồn ào nhất của Bắc Kinh trong tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, do đó cung cấp cho Mỹ nguyên cớ để thách thức các động thái bành trướng của Bắc Kinh và thể hiện mình là cường quốc giúp bảo vệ các nước nhỏ trong khu vực.

Người dân Hà Nội chào đón Tổng thống Donald Trump hồi ông qua dự thượng đỉnh với ông Kim Jong-un tháng 2/2019. Courtesy of Getty

Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng cấp cao tại RAND Corporation, viện nghiên cứu đặt trụ sở tại Washington, cho rằng các chính sách châu Á của Trump và Biden “sẽ gần như giống hệt nhau” trong việc duy trì một chương trình nghị sự chống Trung Quốc – hiện có vẻ là một sự đồng thuận song phương ở Washington – và củng cố quan hệ đồng minh với Hà Nội, ngay cả khi Biden, nếu đắc cử, sẽ đưa ra một số những thay đổi mang tính hình thức đối với Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của chính quyền Trump.

“Nếu Biden giữ chính sách của Hoa Kỳ đi theo hướng ổn định, thì chắc chắn Hà Nội sẽ coi ông là ứng cử viên được yêu thích hơn, và dặt kỳ vọng ông sẽ là một tổng thống có năng lực và dễ đoán so với Trump thất thường và lập dị. Hà Nội có thể tìm thấy một nhà lãnh đạo “ổn định và đáng tin cậy hơn” trong trường hợp Biden đắc cử,” ông Hutt bình luận.

Một vấn đề đáng quan tâm khác là trong trường hợp là ông chủ mới của  Nhà Trắng, liệu Biden có tìm cách gây áp lực mạnh hơn với Hà Nội về hồ sơ nhân quyền tồi tệ vốn đã trở nên càng tồi tệ hơn trong thời gian Trump nắm quyền. Trong những tháng đầu tiên sau khi Trump nhậm chức vào năm 2017, rõ ràng là chính quyền ông này không nhấn mạnh đến việc thúc đẩy nhân quyền và xây dựng dân chủ ở Đông Nam Á.

Tuy nhiên, ngay cả khi chính quyền Biden đặt vấn đề nhân quyền trở thành ưu tiên hơn trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, hầu hết các nhà phân tích suy đoán rằng Hà Nội sẽ thoát khỏi cơn thịnh nộ của Washington.

Bởi lẽ, dưới thời Obama và George W. Bush, và kể Trump, chính quyền Mỹ đã ngó lơ những hành vi vi phạm nhân quyền của Hà Nội, qua việc nêu vấn đề trước ống kính truyền thông nhưng ngầm chấp nhận sự đàn áp giới bất đồng nghiêm trọng của CSVN, tác giả David Hutt cho biết thêm.

Định Tường

Gửi cho báo Đất Việt từ Sài Gòn