Tại sao chính phủ CSVN cần đến 4 phó thủ tướng?

Hai trong bốn phó thủ tướng mất ghế hôm 4/1, một trong hai người còn lại đang chữa trị bệnh ở nước ngoài

Nhà quan sát bình luận rằng thủ tướng CSVN “ôm nhiều việc” vì muốn lãnh đạo toàn diện, không muốn san sẻ quyền lực nên mới sinh ra nhiều người phó là khâu giúp việc trung gian. Mô hình này chứa nhiều điểm bất lợi.

Chính phủ Đức chỉ có một phó thủ tướng. Chức vụ phó thủ tướng trong Chính phủ Nhật, lúc có lúc không, tùy theo ý nguyện của thủ tướng; hiện tại Chính phủ Nhật không có phó thủ tướng.

Còn Việt Nam, thông thường có 5, 6 phó thủ tướng. Nhiệm kỳ này, trong cố gắng cắt giảm biên chế, chỉ có bốn phó thủ tướng. Tương tự như vậy, các bộ trưởng Việt nam thông thường có từ 4-6 thứ trưởng, trong khi các nước, số lượng thứ trưởng rất ít.

Các chủ tịch tỉnh cũng có rất nhiều ‘cấp phó’. Các ban ngành rất nhiều ‘cấp phó’. Các Vụ, các Sở, các phòng đều nhiều ‘cấp phó’. ‘Cấp phó’ nhiều không chỉ ở các cơ quan quản lý hành chính, mà “căn bệnh” ‘cấp phó’ còn lây lan sang các cơ quan đảng, đoàn, thanh niên, phụ nữ, các hiệp hội, thậm chí cả các tổ chức tự nguyện. Đâu đâu cũng điệp trùng ‘cấp phó’.

Chính ‘cấp phó’ là một trong những “cụm đinh khó nhổ nhất” của bài toán giảm biên chế. Trên toàn quốc, nếu mỗi vị trí chỉ còn một ‘cấp phó’ thì bài toán giảm biên chế đã được giải quyết. Tại sao ở Việt Nam lại trùng điệp ‘cấp phó’ đến mức thành “thói quen”, “truyền thống”?

Lê Văn Thành đi chữa ung thư ở National Center for Global Health and Medicine (NCGM), Tokyo, Nhật và hiện vẫn đang tiếp tục điều trị

Trước hết, cơ cấu nhà nước của Việt Nam được tổ chức theo mô hình nhà nước Liên Xô. Đó là mô hình nhà nước lãnh đạo tập trung xuyên suốt từ trung ương đến địa phương. Thủ tướng, Bộ trưởng không còn chỉ là chính khách, mà là đại diện chủ sở hữu, không chỉ là lãnh đạo bằng đường lối chính sách, mà còn lãnh đạo trực tiếp qua các quyết định tác nghiệp; nếu làm việc đúng nghĩa, thì “vừa là ông chủ, vừa là đầy tớ”.

Cho nên, thủ tướng, bộ trưởng ở Việt Nam có vai trò và chức năng khác với các vị trí tương ứng ở các nước khối Tư bản Chủ nghĩa. Thủ tướng, bộ trưởng ở Việt Nam phụ trách công việc ở phạm vi rộng hơn, nhiều việc tác nghiệp hơn.

Bộ trưởng Việt Nam có ‘phạm vi công việc rộng hơn’ so với vị trí tương ứng của các nước khối TBCN không có nghĩa là tổ chức Bộ của Việt Nam khoa học hơn, hay các bộ trưởng Việt Nam làm việc nhiều hơn, giỏi hơn. Mà ngược lại phải đặt câu hỏi: “Làm thế nào để có bộ máy tinh giản như các nước khác”?

Chính ‘cấp trưởng’ ở Việt Nam “ôm nhiều việc” vì muốn lãnh đạo toàn diện, không muốn san sẻ quyền lực nên mới sinh ra nhiều ‘cấp phó’ là khâu giúp việc trung gian. Mô hình này chứa nhiều điểm bất lợi.

Phạm Bình Minh ngã ngựa vì dính vụ “chuyến bay giải cứu”

Một mặt, ‘cấp phó’ chỉ là giúp việc, phải trình ‘cấp trưởng’ phê duyệt, nên bản thân ‘cấp Phó’ không thực quyền, không chịu trách nhiệm, nên không toàn tâm suy nghĩ, không toàn sức hành động. Ở mặt khác, ‘cấp trưởng’ dành quyền quyết định, nhưng lại dựa vào trí tuệ và sức lực ‘cấp phó’, nên ý tưởng không phải của mình, biện pháp không phải của mình. Tổng hợp hai mặt lại, hiệu quả công việc kém đã đành, mà tài sản có nguy cơ bị thất thoát lớn. ‘Cấp phó’ đang là một khâu trung gian, không có lợi cho cả cấp trên lẫn cấp dưới.

Bởi vậy, phải bỏ khâu trung gian ‘cấp phó’ mà tự mình chịu trách nhiệm và đồng thời giao bớt quyền cho ‘cấp Trưởng’ bậc dưới tiếp theo. Bắt ‘cấp trưởng’ bậc dưới tiếp theo phải trực tiếp suy nghĩ, trực tiếp hành động, trực tiếp chịu trách nhiệm thì bộ máy sẽ tinh giản và hiệu quả công việc sẽ được nâng lên ở một mặt bằng khác. Khắp mọi nơi, nếu giảm ‘cấp phó’ chỉ còn một vị trí, thì đó là cuộc cách mạng đích thực về tổ chức và nhân sự.

Nhưng sẽ có lớp lớp làn sóng điệp trùng trùng phản đối giảm ‘cấp phó’. Phản đối đầu tiên đến từ ‘cấp trưởng” chứ không phải từ ‘cấp phó’. Vì nhiều ‘cấp trưởng’ không đủ năng lực để gánh vác công việc, đã quen chỉ tay, chỉ biết nhờ vào cấp dưới. Chẳng ai dại gì, bớt đi người giúp việc mà không phải trả lương. Nếu mỗi ‘cấp phó’ đều do ‘cấp trưởng’ trả lương từ túi tiền do mình làm ra thì đã không có nhiều ‘cấp phó’ đến như vậy; lại càng không phải là các ‘cấp phó’ đang tại nhiệm, mà là các nhân sự khác.
Nhưng còn một lý do quan trọng không kém để ‘cấp trưởng’ trở thành lực cản trong cắt giảm ‘cấp phó’. ‘Cấp trưởng’ bám vào mô hình hiện hành, không chỉ dựa vào trí tuệ và sức lực cấp dưới, mà còn có mục đích rũ bỏ trách nhiệm. Đã bao nhiêu ‘cấp phó’ thừa lệnh ‘cấp trưởng” ký văn bản rồi ngậm đắng nuốt cay chịu kỷ luật, trong khi ‘cấp trưởng’ thì vẫn vô can? Nhìn xa thêm nữa, là trách nhiệm của người bổ nhiệm.
Vũ Đức Đam dù được dư luận viên tung hô nhưng cuối cùng mất ghế vì vụ Việt Á
Rất nhiều cán bộ cấp cao đã bị kỷ luật, nhưng chưa nhìn thấy trách nhiệm pháp lý của người bổ nhiệm!
Hiển nhiên là trùng điệp đội ngũ ‘cấp Phó’ sẽ phản đối. Họ phản đối không chỉ vì mất chức, sụt giảm bổng lộc, đóng cửa đường thăng tiến, mà quan trọng nữa, là ‘cấp Trưởng’ không bố trí được công ăn việc làm thích hợp cho họ.
Công cuộc giảm biên chế sẽ thêm thuận lợi khi ‘cấp trưởng’ nhìn rõ các mục tiêu của giảm biên chế. Giảm biên chế không phải loại bỏ nhân sự khỏi biên chế, mà là tìm thêm việc mới cho nhân sự, sao cho mang lại được nhiều lợi ích hơn cho xã hội, cho cá nhân và gia đình nhân sự.
Cắt giảm ‘cấp phó’ còn liên quan đến một chính sách lớn quan trọng khác của Chính phủ. Đó là chính sách sáp nhập bộ ngành, tỉnh thành, quận huyện, xã phường. Trong mong muốn cắt giảm biên chế, Chính phủ đang giao cho Bộ Nội vụ đưa ra các biện pháp cắt giảm biên chế, mà ‘vũ khí’ mang vai trò “chiến lược” là sáp nhập. Hiện chưa sáp nhập các tỉnh, nhưng sáp nhập các xã thì đang được triển khai trong thực tiễn.
Chúng ta đã có những bài học thất bại đau xót của sách lược sáp nhập trong quá khứ. Nhưng chúng ta không thức tỉnh. Ấy là vì mỗi người khi được ngồi vào bàn cờ, không đủ tầm để nhìn thấy sai lầm của người tiền nhiệm.
Đợt sáp nhập quy mô lớn trên toàn quốc sau năm 1975 với bao nhiêu tốn kém đã phải kết thúc bằng chiến dịch tách tỉnh ở thập niên 1990. TP.HCM đang phát triển chưa đến mức lớn quá, nhưng đã phải thiết lập “thành phố Thủ Đức trong TP.HCM”. Thế thì tại sao lại sáp nhập xã, huyện, tỉnh?
Tiêu chí, chẳng hạn như 8.000 dân để có quyền trở thành một xã là tiêu chí không có căn cứ khoa học. Vì vài chục năm sau dân số tăng lên 16 000 dân thì lại tách xã chăng? Cũng như tiêu chí, ví dụ như phải lớn đến 5.000km2 mới được thành lập tỉnh, hay 1 tỉnh không rộng quá 20.000 km2… cũng không có căn cứ khoa học. Bởi vì nếu chiếu theo như vậy, thì Trung Quốc hay Nga phải băm nát đất nước của họ ra.
Các tiêu chí về khoảng cách cũng không bền vững về khoa học. Cho nên đừng bàn về các tiêu chí đó trong sáp nhập hành chính. Đừng nghĩ cứ dựa trên số liệu số học là ‘có tính khoa học’.
Thành ủy Hà Nội đã phải đau đầu, khi bắt một số cán bộ Thành ủy, rời trụ sở bên Hồ Hoàn Kiếm để xuống Hà Đông làm việc cho trụ sở Thành ủy Hà Đông ‘có hơi người’. Việc sáp nhập xã, huyện, tỉnh sẽ gây ra xáo trộn và tốn kém, phí phạm tài sản khổng lồ, mà không giải quyết căn bản bài toán giảm biên chế và nâng cao hiệu quả công việc. Cắt giảm biên chế bằng con đường khác, chứ không phải là sáp nhập.
Thời đại ngày nay dựa vào công nghệ để giải quyết công việc. Nếu ‘cấp trưởng’ nhìn thấy được mỗi xã chỉ cần từ 3-5 nhân sự, thì họ tất đã không nghĩ đến sáp nhập xã. Tại sao chỉ 3-5 nhân sự? Là chỉ một bí thư kiêm chủ tịch. Là chỉ một phó chủ tịch giúp việc mọi vấn đề. Chỉ một nhân sự cho an ninh. Chỉ một nhân sự giúp việc văn phòng kiêm công tác đoàn thể. Tất cả cũng chỉ bốn người. Càng gộp lớn càng khó quản lý, càng không hiệu quả, nhất là đối với các quốc gia có mức độ điện tử hóa và số hóa thấp.

Nguyễn Ngọc Chu

Bài liên quan

Đức Đam, Bình Minh ‘sáng láng hơn các đồng chí còn trong đống rơm’