Tại Belarus, tổng thống Nga từng bước tiến các quân cờ

Ngày 14/09/2020, tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp đón đồng nhiệm Belarus tại Sotchi. Chủ nhân điện Kremlin hối thúc tổng thống Loukachenko thực hiện lời hứa cải cách Hiến Pháp. Một sự thay đổi tạo nhiều thuận lợi để Nga can thiệp nhiều hơn vào Belarus.

Sau « hạ nhục » là « ban ân huệ ». Nhật báo Thụy Sĩ Le Temps mỉa mai nhận xét. Vị thế của tổng thống Loukachenko chưa bao giờ bị hạ thấp như lúc này. Đón tiếp ông tại phi trường là một thống đốc bang cùng với một phái đoàn mặt đeo khẩu trang kỹ lưỡng. Loukachenko phải đợi mất ba giờ mới được gặp đồng nhiệm Nga. Lý do an toàn dịch tễ hay là một lời nhắc nhở đến mối tương quan lực lượng giữa hai nhà lãnh đạo ? Nhưng đây chính là cách nguyên thủ Nga tiếp đón đồng nhiệm Belarus, người vừa tái đắc cử với 80% phiếu bầu trong một cuộc bỏ phiếu bị phản đối mạnh mẽ ngày 09/8/2020.

Theo tờ báo Thụy Sĩ, những hình ảnh này cho thấy, « Vladimir Putin đang chiếm lợi thế đối với Loukachenko », một đối tác « khó bảo » đối với Matxcơva từ nhiều năm qua. Từ hơn hai thập niên nay, chủ nhân điện Kremlin đã không đạt được bất kể điều gì từ đồng nhiệm Belarus, từ việc lập một căn cứ không quân tại nước này cho đến việc hội nhập nhiều hơn giữa hai nước, như nhận xét của bà Tatiana Kastouéva-Jean, Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp (IFRI) với kênh truyền hình TV5.

Việc nguyên thủ Nga nhấn mạnh đến lợi ích cải cách Hiến Pháp như ông Loukachenko có nói đến hồi trung tuần tháng 8/2020 nhằm giảm bớt quyền hạn của tổng thống, không hẳn vì lợi ích của người dân Belarus hay là vì nước Nga có cái nhìn cấp tiến. Vậy Matxcơva tính gì ?

Theo phân tích của bà Tatiana Kastouéva-Jean, Vladimir Putin hiểu rằng ông không thể viện cớ có can thiệp nước ngoài, tức ám chỉ đến phương Tây, để hợp pháp hóa quyền nước Nga bảo vệ chính quyền Minks. Hành động này sẽ còn là một thảm họa vì sẽ làm dấy lên cảm giác bài Nga, vốn dĩ hoàn toàn vắng bóng cho đến lúc này.

Do vậy, đối với chủ nhân điện Kremlin, xúc tiến cải cách Hiến Pháp là một giải pháp hữu hiệu nhất vừa có thể thỏa mãn mong đợi của phe đối lập, vừa có thể « cắm rễ các quan điểm của mình ». Ông Yauheni Preiherman, giám đốc Minks Dialogue Council on International Relations, trên tờ Le Temps phân tích như sau :

« Từ 26 năm qua, Alexandre Loukachenko quyết định mọi lĩnh vực trong quan hệ song phương. Thế nên, Matxcơva nghĩ là nhờ vào cải cách Hiến Pháp, Nga có thể tăng cường hiện diện tại Belarus, thông qua một hay nhiều đảng chính trị, để hiện diện ở Nghị Viện và ngay trong nội bộ các chính quyền địa phương. Chính vào lúc một khi các đặc quyền của tổng thống Loukachenko được tái phân bổ cho các định chế khác thì Matxcơva sẽ tìm cách thay thế ông ta. »

Tóm lại, một dạng bản sao của những gì Nga đã từng làm với Ukraina trước khi xảy ra phong trào Maidan 2014.

Một điểm khác cũng rất đáng chú ý trong cuộc gặp này : Nga kêu gọi siết chặt hơn nữa mối hợp tác trong ngành công nghiệp vũ khí. Theo một chuyên gia quân sự xin ẩn danh được Le Temps trích dẫn, Nga thèm muốn các hệ thống gây nhiễu và chiến tranh điện tử của hãng KB Radar cũng như hệ thống quang học của tập đoàn Belomo tại Belarus. Yauheni Preiherman còn nói đến nhà máy MZKT chuyên sản xuất các phương tiện vận chuyển tên lửa đạn đạo của Nga.

Thế nên, trong ván cờ này, để có thể giữ chân người anh em « ngỗ ngược », điện Kremlin đã không đưa hết các quân cờ. Tổng thống Nga chỉ thông báo cấp 1,5 tỷ đô la để hỗ trợ kinh tế và tái cấu trúc nợ, nhưng không một lời nhắc đến việc có lại tiếp tục bán dầu hỏa Nga với giá rẻ cho Minks hay không.

Từ tháng Giêng năm 2019, nhằm trả đũa việc Loukachenko ngăn cản tiến trình hội nhập giữa hai nước, Matxcơva đã tiến hành một chính sách thuế khóa mới bằng cách hủy bỏ dần cơ chế cho phép Belarus mua dầu hỏa của Nga với giá rẻ (không tính thuế), để rồi có thể tinh chế lại trước khi bán lại cho thị trường châu Âu. Nguồn dầu tái xuất khẩu này mỗi năm mang lại cho ngân sách Belarus một nguồn thu quan trọng từ 2-3 tỷ đô la.

Theo RFI