Sức mạnh đáng gờm của các loại tên lửa chống hạm

Tên lửa chống hạm RGM-84 Harpoon được phóng đi. Ảnh: Military Today
Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết, quân đội nước này bắt đầu nhận từ Đan Mạch loại tên lửa chống hạm RGM-84 Harpoon, có tầm bắn khoảng 300km.

Tên lửa chống hạm được thiết kế để chống lại các tàu mặt nước của hải quân. Được phóng từ tàu mặt nước, tàu ngầm, máy bay cánh cố định, máy bay trực thăng và các phương tiện cơ giới khác, hầu hết các tên lửa chống hạm là loại bay thấp với tốc độ cận âm hay siêu âm, được dẫn đường và phát hiện mục tiêu bằng hệ dẫn quán tính kết hợp radar-hồng ngoại-quang hình.

Chính thức được viết tắt là ASM (anti-ship missile), nhưng tên lửa chống hạm thường dùng ký hiệu AShM để tránh nhầm lẫn với tên lửa không đối đất ASM (air-to-surface missile). Và mặc dù được thiết kế chủ yếu tấn công tàu chiến, song một số AShM sau này có được cả khả năng tấn công các mục tiêu ven biển cố định.

AShM có thể chia làm 3 hạng. Hạng nhẹ là các loại tên lửa cỡ nhỏ, nặng khoảng 0,5-1 tấn, vận tốc cận âm hoặc siêu âm, tầm bắn dưới 300km, chuyên dùng để tấn công các tàu chỉ có hệ thống phòng không tầm ngắn hoặc tầm trung (như tàu vận tải hoặc tàu chiến cỡ nhỏ và vừa).

Hạng trung gồm các loại tên lửa cỡ vừa, nặng khoảng 2-3 tấn, vận tốc siêu âm hoặc siêu vượt âm, tầm bắn lên tới 600 – 1.000km. Loại này chuyên dùng để tấn công các tàu chiến cỡ lớn có hệ thống phòng không tầm xa (như tàu khu trục, tàu tuần dương).

Hạng nặng là các loại AShM cỡ lớn, nặng khoảng 4-6 tấn, vận tốc siêu âm hoặc siêu vượt âm, tầm bắn lên tới 1.000 – 2.000km hoặc hơn nữa, chuyên dùng để tấn công các nhóm tàu chiến cỡ rất lớn được hộ tống bởi nhiều máy bay và tàu khu trục. Do có tính năng rất cao, AShM hạng nặng chỉ được trang bị cho các lực lượng tấn công chiến lược.

Liên Xô (Nga) là quốc gia đi đầu trong việc nghiên cứu phát triển các loại AShM, với đủ cả 3 hạng vừa, trung và nặng, cả dùng nội địa và xuất khẩu. Trong đó, phải kể đến các tên lửa như P-15 Termit (SS-N-2 Styx), P-80 Zubr (SS-N-20 Sunburn), P-270 Moskit (SS-N-22 Sunburn), P-700 Granit (SS-N-19 Shipwreck), P-800 Oniks (SS-NX-26 Oniks/Yakhont), Kh-35 Uran (SS-N-25 Switchblade), 3M-54E1 (Club)…

Trước năm 2020, Nga là nước duy nhất sở hữu AShM siêu vượt âm như Kh-47 M2 Kinzhal, 3M22 Zircon và Avangard.

Nhiều nước cũng có các hệ thống AShM, nhưng nhìn chung tầm bắn và tốc độ chỉ tương đương các loại AShM hạng nhẹ hoặc hạng trung của Nga. Trong đó, nổi tiếng nhất là tên lửa Harpoon, Penguin, Tomahawk… của Mỹ; Sea Eagle của Anh; Exocet của Pháp; RBS 15 MK3 của Thụy Điển/Đức; C-801 của Trung Quốc; Brahmos của Ấn Độ.

Tên lửa chống hạm Harpoon do hãng Boeing phát triển và được hải quân Mỹ đưa vào sử dụng từ năm 1977. Vốn là một trong những tên lửa uy lực nhất giai đoạn Chiến tranh Lạnh, đến nay, Harpoon chỉ được xem là một tên lửa tầm trung và không thể tích hợp những công nghệ hiện đại mới.

Ảnh: Military Today

Chính vì vậy, hải quân Mỹ đã phát triển loại AShM tầm xa (long-range anti-ship missile/LRASM), là biến thể của tên lửa hành trình JASSM-ER do tập đoàn Lockheed Martin phát triển cho không quân Mỹ. LRASM mang đầu đạn 450kg, phạm vi hoạt động hơn 800km, tự động phát hiện và tấn công mục tiêu dựa trên dữ liệu được cài đặt sẵn.

Tên lửa có thể phóng từ hệ thống phóng thẳng đứng MK41 trên các tàu tuần dương lớp Ticonderoga và tàu khu trục Burke, hoặc phóng từ bệ MK57 trên các tàu khu trục lớp Zumwalt mới.

Năm 1967, hai tàu Komar của Ai Cập đã phóng 4 quả tên lửa P-15 Termit và trúng đích cả 4, đánh chìm tàu khu trục Eilat 2.500 tấn của Israel. Tiếp đó, trong cuộc chiến tranh Ấn Độ-Pakistan năm 1973, 3 tàu tên lửa lớp Osa của hải quân Ấn Độ đã phóng 11 quả tên lửa P-15, trúng đích 10 quả, đánh chìm hoặc đánh hỏng 7 tàu chiến của Pakistan, phá hủy 2 kho chứa nhiên liệu trong cảng Karachi.

Trong cuộc chiến Malvinas năm 1982, 7 quả tên lửa chống hạm Exocet đã được Argentina sử dụng, trong đó 4 quả trúng đích, đánh chìm 1 tàu khu trục và 1 tàu chở trực thăng, đánh hỏng nặng 1 tàu khu trục khác của Anh. Năm 1987, tàu khu trục USS Stark trang bị tên lửa dẫn đường của hải quân Mỹ đã bị một tên lửa Exocet của Iraq bắn hư hỏng nặng…

Ngày nay, AShM vẫn là một mối đe dọa đáng kể đối với các tàu chiến hiện đại, do các phiên bản ra đời sau ngày càng có tầm bắn xa hơn, tốc độ nhanh hơn và sử dụng hệ thống tìm kiếm mục tiêu tinh vi hơn. Ngoài ra, khi tấn công, người ta thường phóng nhiều tên lửa cùng lúc để nâng cao xác suất tiêu diệt mục tiêu.

Để chống tại tên lửa chống hạm, phía phòng thủ thường sử dụng: các loại tên lửa phòng không (như Sea Sparrow, Standard, Sea Wolf, SA-N-6 Grumble, SA-N-9 Gautlet..); các hệ thống vũ khí phòng thủ tầm gần (CIWS), thực chất là các loại pháo phòng không có tốc độ bắn nhanh như Mk-45 hay AK-130; các hệ thống làm nhiễu; và hệ thống phóng mồi bẫy.

Nguyên Phong