Sự thất bại trong “ngoại giao chiến lang” của Trung Quốc và bài học cho Việt Nam

Sự xuất hiện của đại dịch COVID-19 đã làm chao đảo tình hình kinh tế, chính trị và xã hội của cả thế giới.

Trung Quốc đã phải đối mặt với một thách thức kép: xử lý cuộc khủng hoảng y tế và hình ảnh quốc gia là nguồn gốc của cuộc khủng hoảng. Sự hội nhập sâu rộng của Trung Quốc vào các mạng lưới trao đổi thương mại và con người đã thực sự biến một cuộc khủng hoảng vốn mang tính nội bộ trở thành một vấn đề quốc tế. Trung Quốc đã nhanh chóng có phản ứng ngoại giao trên cả ba mặt trận. Thứ nhất, Trung Quốc rõ ràng đã cố gắng tác động đến các quyết định và lịch trình công bố của Tổ chức y tế thế giới (WHO), nhằm trì hoãn việc tiết lộ về đại dịch, cho phép họ xử lý cuộc khủng hoảng trong nội bộ. Sau đó, Trung Quốc lao vào thực hiện chính sách “ngoại giao khẩu trang” thông qua các khoản viện trợ có mục tiêu trong thời gian đầu, nhằm khôi phục hình ảnh của Trung Quốc ở các nước thụ hưởng. Cuối cùng, Trung Quốc đã chú trọng đến những phương tiện gắn liền với lĩnh vực y tế, trong đại công trình các Con đường tơ lụa mới, nhằm tỏ ra là một đối tác đáng tin cậy trong lĩnh vực y tế vào thời điểm khủng hoảng. Tuy nhiên, nỗ lực viết lại câu chuyện về cuộc khủng hoảng y tế của các nhà ngoại giao Trung Quốc được cho là đáng thất vọng.

Cho dù Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang làm gì thì phương thức “ngoại giao Chiến Lang” chỉ mang lại thảm họa cho lợi ích chiến lược lâu dài của Trung Quốc. Bắc Kinh chưa bao giờ có nhiều bạn thân thực sự trên thế giới, và trong vòng chưa đầy một năm qua, các “chiến binh sói” của nước này đã làm tan biến bất kỳ sự tin tưởng nào mà Bắc Kinh có thể có được với tư cách là một đối tác thương mại, đầu tư và nghiên cứu trên khắp thế giới: Ở một nước Mỹ bị chia rẽ, hai chính đảng Cộng hòa và Dân chủ đã có một chính sách nhất quán chống Trung Quốc. Hành vi xấu xa của Bắc Kinh đã tạo nên sự đồng thuận trong Liên minh châu Âu (EU) và Anh, gắn kết ASEAN vì một mục tiêu chung mạnh mẽ hơn và khơi dậy quyết tâm của Australia trong việc thực hiện chính sách “Bước Tiến Thái Bình Dương” và chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng.

Có thể nêu ra 3 yếu tố chính đang định hình tư duy chiến lược của ông Tập Cận Bình. Hiểu được những yếu tố này sẽ giúp các nước xác định các phản ứng chính sách và dự đoán điều gì xảy ra tiếp theo.

Yếu tố đầu tiên là việc hoạch định chính sách của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ngày càng tập trung vào một người, đó là ông Tập Cận Bình. Thông qua các cuộc thanh trừng thường xuyên trong đảng và Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) kể từ năm 2012, ông Tập Cận Bình đã loại bỏ các đối thủ chính trị, trở thành tổng tư lệnh quân đội và là người ra các quyết sách trên mọi lĩnh vực, từ Biển Đông cho đến Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) và ứng phó với đại dịch COVID-19. Có những nguy hiểm rõ ràng trong cách tiếp cận như vậy. Liệu có nhân vật cấp cao nào trong ĐCSTQ sẽ hoặc có thể tiếp cận ông Tập Cận Bình để nói với ông rằng chiến thuật “Chiến Lang” đang làm tổn hại tới lợi ích toàn cầu của ĐCSTQ hay không? Chắc chắn những người có ý kiến phê bình nội bộ như vậy sẽ bị loại khỏi bất kỳ vị trí nào. Bản năng chính trị của ông Tập Cận Bình được rèn giũa nhờ kinh nghiệm của chính ông khi thấy cha mình – ông Tập Trung Hưng, một nhân vật anh hùng trong lịch sử ban đầu của ĐCSTQ – bị bức hại và bỏ tù trong cuộc Cách mạng Văn hóa vào những năm 1960. Bản thân ông Tập Cận Bình đã bị đày tới một vùng nông thôn hẻo lánh vào thời điểm đó. Ngoài tấm gương của người cha, sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình cũng chịu tác động sâu sắc của hệ tư tưởng Mác-Lenin. Trên thực tế, ông Tập Cận Bình đã đưa “chủ nghĩa độc tài” vào thế giới trí tuệ nhân tạo và giám sát toàn diện của thế kỷ 21. Khi bắt tay vào quá trình tập trung mọi quyền lực cho bản thân, thật khó để thấy ông Tập Cận Bình bằng cách nào có thể thoát khỏi lộ trình hành động hiện tại. Điều này có nghĩa là cách tiếp cận quyết đoán và không khoan nhượng của Trung Quốc trên thế giới sẽ tiếp tục được duy trì chừng nào ông Tập Cận Bình vẫn còn nắm quyền.

Hình minh hoạ. Biểu tình chống Trung Quốc trước lãnh sự quán Anh ở Hong Kong hôm 20/7/2020

Hình minh hoạ. Biểu tình chống Trung Quốc trước lãnh sự quán Anh ở Hong Kong hôm 20/7/2020 Reuters

Yếu tố thứ hai định hình cách tiếp cận của ông Tập Cận Bình là củng cố vị thế của ĐCSTQ ở trong nước. Điều này quan trọng hơn nhiều so với cách thế giới bên ngoài phản ứng như thế nào đối với các hành động của Bắc Kinh. Điều này giúp giải thích tại sao Trung Quốc thực sự không quan tâm đến các phản ứng tiêu cực của quốc tế đối với việc quân sự hóa Biển Đông; hủy bỏ Tuyên bố chung Trung-Anh về Hong Kong; hoặc các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở Tân Cương, Tây Tạng và các nơi khác. Điều quan trọng nhất đối với ĐCSTQ là người dân Trung Quốc nhìn nhận hành động của ĐCSTQ như thế nào? Những luận điệu ngày càng gay gắt của Bắc Kinh về việc đánh bại chủ nghĩa “ly khai” ở Đài Loan, bằng cách sử dụng vũ lực quân sự nếu cần thiết, có thể bị thế giới coi là gây mất ổn định an ninh châu Á, nhưng ở bên trong Trung Quốc, họ lại có thể nhận được sự ủng hộ của dân chúng. Vào thời điểm ĐCSTQ bị chỉ trích ở trong nước vì quản lý yếu kém trong giai đoạn đầu của dịch COVID-19 và không mang lại tăng trưởng kinh tế để đạt được mức sống tốt hơn, việc khơi dậy tình cảm dân tộc sẽ giúp củng cố quyền kiểm soát của Đảng. Bắc Kinh nhận thức được rằng chẳng có thế lực nào ngoài Mỹ có thể ảnh hưởng đến nội bộ Trung Quốc. Những gì Mỹ làm có ý nghĩa sâu sắc đối với Trung Quốc, đặc biệt là vì có lẽ trong 5-10 năm tới, Mỹ vẫn giữ được cán cân quyền lực quân sự. Phần lớn hành vi quốc tế của Trung Quốc được định hình bởi các phán đoán về cách Mỹ sẽ phản ứng. Trong vấn đề Biển Đông, một khi Bắc Kinh thấy rõ rằng chính quyền Mỹ không tích cực phản đối việc xây dựng đảo của họ, thì sự phản đối của Đông Nam Á, Australia và các nước khác là không quan trọng.

Yếu tố thứ ba khiến Trung Quốc chuyển sang cách tiếp cận “Chiến Lang” là ông Tập Cận Bình đã kết luận rằng các hành vi cưỡng ép sẽ mang lại hiệu quả. Các hành động mà Trung Quốc đang tìm cách trừng phạt hoặc răn đe bao gồm: hợp tác với Đài Loan theo những cách không được Bắc Kinh chấp thuận, tổ chức các cuộc gặp với lãnh tụ tinh thần Tây Tạng Dalai Lama, ngăn chặn công nghệ 5G của Huawei và kêu gọi điều tra về nguồn gốc của COVID-19. Trong nhiều trường hợp, và đặc biệt là trong những trường hợp khi Bắc Kinh đe dọa giới doanh nghiệp, thực tế là các biện pháp cưỡng ép đã phát huy tác dụng. Bài học mà Bắc Kinh rút ra cho mình là khả năng tiếp cận nền kinh tế của nước này là một đòn bẩy mạnh mẽ đối với các quốc gia cũng như doanh nghiệp và các đe dọa hạn chế khả năng tiếp cận thị trường Trung Quốc thực sự có thể buộc các bên liên quan phải thay đổi hành vi có lợi cho Trung Quốc.

Hình minh hoạ. Tấm biển đề dòng chữ cảm ơn Chủ tịch TQ Tập Cận Bình ở Belgrade, Serbia hôm 1/4/2020

Hình minh hoạ. Tấm biển đề dòng chữ cảm ơn Chủ tịch TQ Tập Cận Bình ở Belgrade, Serbia hôm 1/4/2020 Reuters

Đông Nam Á và Việt Nam đã trải qua hơn 40 năm chiến tranh và xung đột nên hòa bình và ổn định là nhu cầu sống còn để phát triển. Hơn lúc nào hết, hiện nay Việt Nam luôn muốn có mối quan hệ thật tốt, hữu nghị, hợp tác với Trung Quốc trên cơ sở 5 nguyên tắc của Hiến chương LHQ nhưng với tham vọng của Trung Quốc khi tiến về phương Nam, Trung Quốc đã 3 lần đe doạ khiến Việt Nam phải rút các giàn thăm dò và khai thác dầu khí ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào các năm 2017, 2018 và hồi giữa năm 2020.

Chính vì vậy, bài học cho Việt Nam và tất cả các quốc gia khác là việc nhượng bộ các hành vi “Chiến Lang” của Bắc Kinh sẽ chỉ khuyến khích thêm các hành vi ép buộc khác. Cách tiếp cận quyết đoán hiện nay của Bắc Kinh khiến các quốc gia khó có thể đi theo một lộ trình hành động khác mà trái với mong muốn của Trung Quốc. Cách tiếp cận này của Bắc Kinh sẽ còn tiếp diễn chừng nào ông Tập Cận Bình vẫn tại vị.

Đối với Việt Nam, biện pháp giảm thiểu ảnh hưởng của Trung Quốc duy nhất hiện nay là giảm sự phụ thuộc cả về kinh tế và chính trị vào Trung Quốc.

Nếu hơn 30 năm trước đây lợi ích lớn nhất của Mỹ là kiềm chế Liên Xô và sau đó là Nga, thì bây giờ việc ngăn Trung Quốc trở thành đối thủ soán ngôi số 1 của Mỹ là chiến lược được ưu tiên hàng đầu của Mỹ. Quan hệ Mỹ – Trung về bản chất là đối trọng với nhau nhưng đối tác vẫn không bị cả hai phía triệt tiêu dù trong trước mắt chưa có tín hiệu nào cho thấy có sự nhượng bộ và nếu có thì thời gian phải tính bằng thập niên. Điều cực kỳ quan trọng là cho dù ai lên nắm quyền tổng thống Mỹ sau tháng 11/2020, Mỹ cũng sẽ phải đặt ra các ranh giới đỏ rõ ràng hơn đối với hành vi của Trung Quốc đối với Đài Loan và an ninh châu Á. Vì vậy, Việt Nam cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các kế hoạch kinh tế và quân sự của riêng mình, đặc biệt là tăng cường năng lực quốc phòng răn đe, đủ sức tấn công để làm tổn hại đối với bất kỳ kẻ xâm lược tiềm tàng nào muốn xâm lược biển đảo của Việt Nam.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Theo RFA