Startup tung giải pháp đặt món không tiếp xúc mùa giãn cách

Khi ngành F&B đang đối mặt với khủng hoảng vì đại dịch, một startup ở TP HCM ra tính năng đặt món không tiếp xúc.

Giữa diễn biến phức tạp của Covid-19 và chỉ thị về giãn cách xã hội, Savyu – một startup tại TP HCM quyết định tìm cách thích ứng với tình hình. Jerome Ly, Đồng sáng lập kiêm CEO Savyu cho biết vừa triển khai giải pháp đặt món không tiếp xúc trên nền tảng của công ty.

Cụ thể, khi đến các địa chỉ có trong danh sách của ứng dụng Savyu, khách hàng có thể bật xem menu trên điện thoại để đặt món và thanh toán bằng nhiều hình thức trực tuyến khác nhau như ví điện tử, thẻ ATM, thẻ tín dụng hoặc đổi điểm thưởng đã tích lũy trên ứng dụng.

Sau đó, nhân viên nhà nhà hàng sẽ quét mã QR trên điện thoại của khách và chuẩn bị món. Cả quá trình hoàn toàn không tiếp xúc, không dùng tiền mặt hay thẻ. Bằng cách này, khách hàng và nhân viên tránh chạm vào thực đơn của nhà hàng, và hạn chế trao đổi tiền mặt. Quá trình giao nhận món sẽ thực hiện trao đổi gián tiếp.

“Việc tiếp xúc gián tiếp với nhân viên là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, tỷ lệ tiếp xúc đã giảm đáng kể ở 2 bước đặt hàng và thanh toán. Khách hàng có thể đeo găng tay khi nhận hàng và khử trùng tay, túi đồ ăn trước khi sử dụng”, ông Jerome Ly, cho biết với VnExpress.

Theo ông Jerome, ngành F&B đang đối mặt với khủng hoảng nghiêm trọng giữa đại dịch. “Rất nhiều bạn bè, đối tác xung quanh tôi là chủ nhà hàng và quán bar nay đã phải đóng cửa vì không chịu nổi áp lực. Một số khác thì cố gắng trụ lại với lượng khách hàng ít ỏi. Nhiều nhân viên nhà hàng cũng bị giảm lương”, ông cho biết đó là lý do họ cố gắng tìm các giáp pháp cùng đối tác trong ngành vượt khó.

Savyu là một startup khá non trẻ, được thành lập cách đây 2,5 năm dưới sự dẫn dắt của các nhà đồng sáng lập: Jerome Ly (cựu Managing Director của Alibaba.com Brazil, Timothy Leung (Global Head tại Alibaba và là Executive Director tại Alibaba HKAI Lab), và Douglas Li (Board Director tại Citibank HK, cựu CEO tại SmarTone).

Tuy nhiên, phiên bản ứng dụng dùng thử đầu tiên của họ chỉ vừa vận hành vào tháng 6/2020. Đây là một nền tảng tích điểm mua sắm với nhóm ngành đầu tiên là ẩm thực. Khi đặt hàng từ Savyu, khách hàng sẽ được hoàn tiền thưởng vào tài khoản Savyu Dollar (1 Savyu Dollar = 1 VND) tối đa 50% cho đơn hàng.

Với mô hình này, Savyu thu hút được người dùng nhờ tiết kiệm được chi tiêu; trong khi có thể tìm kiếm doanh thu từ các nhà hàng tham gia vào hệ sinh thái với mong muốn tìm kiếm kênh tiếp thị, gia tăng doanh số và thu nhập được nhiều thông tin về hành vi mua sắm của khách hàng.

Ông Jerome Ly cho biết, sau một năm phát triển, ứng dụng bắt tay với hơn 100 nhà hàng và hướng tới 2.000 đối tác vào cuối năm 2021. Họ đã có gần 30.000 người dùng tại TP HCM, với hơn 16 tỷ đồng tổng giao dịch. Hơn 3 tỷ điểm thưởng Savyu Dollars, tương đương 3 tỷ đồng, đã được khách hàng quy đổi sử dụng.

Ông Jerome Ly, Nhà đồng sáng lập kiêm CEO Savyu. Ảnh: Savyu.

Ông Jerome Ly, Nhà đồng sáng lập kiêm CEO Savyu. Ảnh: Savyu.

Nói về giải pháp đặt món không tiếp xúc mới tung ra, ông Jerome Ly tỏ ra lạc quan vì cho rằng nó giải quyết được 3 vấn đề chính. Thứ nhất là hạn chế rủi ro lây nhiễm khi thánh toán bằng tiền mặt và thẻ. Ông dẫn chứng một nghiên cứu từ Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Australia cho biết nCoV có thể tồn tại đến 28 ngày trên tiền giấy. Đó là tiền đề để startup nghĩ đến giải pháp này.

Thứ hai nhờ vào đặc tính của một ứng dụng tích điểm nên nó có nhiều cơ hội được tìm đến khi người tiêu dùng đang có xu hướng tiết kiệm và cắt giảm chi tiêu như hiện nay. Và thứ ba, vị CEO cho rằng phía nhà hàng cũng sẽ quan tâm đến họ nhờ giảm được phần chiết khấu cao ngất ngưỡng phải trả cho các nền tảng giao hàng.

Theo ông, nhiều khách hàng đang lựa chọn giao hàng tận nơi. Tuy nhiên, ít người biết rằng, hầu hết nền tảng giao hàng đều đang thu phí dịch vụ của nhà hàng một mức hoa hồng khá cao, từ 25-30% trên mỗi đơn hàng. Do đó, startup đang miễn phí dịch vụ với đối tác nhà hàng cho các đơn đặt món không tiếp xúc, cùng như tài trợ chi phí khuyến mại cho khách hàng đặt món thông qua hình thức này.

Theo ông Jerome Ly, đây là lựa chọn chia sẻ áp lực một cách bền vững các đối tác doanh nghiệp để cùng vượt qua giai đoạn khó khăn. “Về phía khách hàng, họ có thể đặt món bằng hệ thống không tiếp xúc và chọn giao hàng tại nhà mà chỉ trả thêm tiền ship. Hoàn toàn là một giải pháp lợi cả đôi đường”, vị CEO tự tin.

Nói về kế hoạch xa hơn, ông Jerome cho biết họ có kế hoạch mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp trong lĩnh vực làm đẹp như spa, nails, tiệm làm tóc, các thương hiệu thời trang, các cửa hàng tiện lợi, siêu thị. “Điều này nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của khách hàng và đa dạng hóa ngành nghề trong hệ sinh thái”, ông nói.

Viễn Thông

Theo Vnexpress