Sóng thần cao 15 m xóa sổ toàn bộ nhà cửa trên đảo Xoài ở Tonga

Chính phủ Tonga hôm 19/1 cho biết toàn bộ nhà cửa trên đảo Mango (Xoài) bị phá hủy trong khi chỉ có 2 ngôi nhà còn trụ lại trên đảo Fonoifua.

Nhiều khu vực của Tonga bị phủ đầy bụi sau đợt sóng thần. Ảnh: Lực lượng Phòng vệ New Zealand.

Chính phủ Tonga nêu quan ngại về các hòn đảo nhỏ Mango và Fonoifua – nằm ở phía đông bắc của đảo chính Tongatapu. Cả hai hòn đảo đều phải chịu thiệt hại thảm khốc do sóng thần và núi lửa phun vào hôm 15/1, theo Guardian.

Trong tuyên bố, chính quyền Tonga cho biết sóng thần cao tới 15 m ập vào nhóm đảo Ha’apai, nơi có hòn đảo Mango và bờ biển phía tây của đảo chính Tongatapu. Cư dân đã được chuyển đến các trung tâm sơ tán sau khi 56 ngôi nhà bị phá hủy hoặc hư hại nghiêm trọng.

Các liên kết điện thoại giữa Tonga và thế giới đã bắt đầu được kết nối lại vào cuối ngày 19/1, mặc dù việc khôi phục kết nối Internet đầy đủ có thể mất một tháng hoặc hơn, Reuters đưa tin ngày 20/1.

“Hôm nay thật nhẹ nhõm khi chúng tôi có thể liên lạc với những người thân yêu của mình ở quê nhà”, John Pulu, một người Tonga sống ở New Zealand, nói.

Đồng thời, anh cho biết đã có thể nói chuyện với mẹ và gia đình ở Nuku’alofa. Họ đều đều an toàn và khỏe mạnh.

Vụ phun trào của núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha’apai và sau đó là sóng thần đã cắt đứt liên lạc của 105.000 người dân Tonga vào ngày 15/1. Cáp thông tin liên lạc dưới biển – chìa khóa cho mạng lưới liên lạc của quốc đảo – đã bị hư hỏng.

Nói với Reuters từ Nuku’alofa, nhà báo địa phương Marian Kupu cho biết Tonga đang trong quá trình dọn dẹp bụi bẩn, nhưng sợ rằng họ có thể hết nước uống.

“Mỗi nhà đều có bể cấp nước riêng, nhưng hầu hết chúng đều chứa đầy bụi nên không an toàn”, Kupu nói. Đồng thời, cô cho biết một số ngôi làng ở phía tây của Tonga bị thiệt hại nặng nề.

Cô cho biết nguồn cung thực phẩm “có thể giúp chúng tôi sống sót trong vài tuần tới, nhưng không chắc về nước”.

Liên Hợp Quốc cho biết khoảng 84.000 người – chiếm hơn 80% dân số – đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi thảm họa này. Người phát ngôn của Liên Hợp Quốc Stephane Dujarric cho biết nhu cầu nhân đạo cấp bách nhất là nước sạch, thực phẩm và nhiều mặt hàng khác.

Australia và New Zealand đã gửi viện trợ đến Tonga giữa những lo ngại rằng nhân viên cứu trợ có thể mang đến “sóng thần Covid-19”.

Theo Zing