Sea Breeze 2021 : NATO và đồng minh « đọ sức » với Nga ở Biển Đen

Hơn 30 quốc gia tham gia cuộc tập trận Sea Breeze 2021 do Ukraina tổ chức từ ngày 28/06 đến 10/07/2021 tại Biển Đen. Cuộc tập trận năm 2021 có quy mô lớn nhất kể từ khi Sea Breeze được tiến hành hàng năm từ 1997.

Sea Breeze 2021 huy động đến 30 tầu chiến các loại, 40 máy bay và trực thăng, 5.000 người cùng tập trận « đổ bộ, lặn, cơ động trên bộ, phòng không, đánh chặn hàng hải, chống tầu ngầm và tìm kiếm cứu nạn », theo Hải quân Hoa Kỳ và nhằm mục đích « cải thiện khả năng tương tác giữa các nước tham gia », cũng như « duy trì an ninh và an toàn ở Biển Đen ».

Ngoài quy mô lớn nhất, cuộc tập trận lần này còn có ý nghĩa là huy động được các nước từ cả 4 châu lục, trong đó có bốn quốc gia Ả Rập (Tunisia, Maroc và Ai Cập nằm quanh Địa Trung Hải và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, đồng minh thân cận của Mỹ). Dĩ nhiên, Ukraina chiếm đến hơn một nửa số lực lượng : « 24 tầu chiến, 17 máy bay, 12 máy bay trực thăng và 1.500 người », theo phát biểu ngày 23/06 của đại tướng Ruslan Khomchak, chỉ huy các lực lượng vũ trang Ukraina. Hạm đội 6 của Mỹ điều tầu khu trục USS Ross và thủy quân lục chiến.

Thông điệp gửi đến Nga : Nga đơn độc  

Cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Matxcơva và các nước phương Tây đang ở mức rất thấp. Sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimée năm 2014 đã buộc Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ áp dụng hàng loạt biện pháp trừng phạt các cá nhân và doanh nghiệp Nga. Quyết định triển hạn trừng phạt có thể được Bruxelles thông báo ngày 12/07.

Quy mô lớn khác với thông lệ, cũng như số lượng chưa từng có các nước tham gia Sea Breeze 2021, được cả Ukraina và NATO đề cao để cho thấy chính quyền Matxcơva bị « cô lập », cũng như điều mà Nga thiếu chính là « mạng lưới đối tác trong vùng », theo nhận định của nhà nghiên cứu Brent Sadler tại Quỹ Heritage (Washington), được trang Washington Times trích dẫn ngày 30/06.

Về phía chính quyền Kiev, huy động thành công được hơn 30 nước tham gia tập trận còn chứng minh rằng Ukraina được cộng đồng quốc tế ủng hộ, trong bối cảnh Nga dồn quân và khí tài đến gây sức ép ở biên giới cách đây không lâu.

NATO từng bước gia tăng hiện diện tại Biển Đen kể từ khi Matxcơva sáp nhập bán đảo Crimée và « quan ngại những gì Nga đang làm ở Biển Đen và ở Đông Địa Trung Hải », vẫn theo nhận định của nhà nghiên cứu Brent Sadler tại Quỹ Heritage. Vụ bắn cảnh cáo chiến hạm HMS Defender của Anh ở gần Sebastopol ngày 23/06 là một ví dụ mới nhất và được cho là « quyết định từ trước, từ cấp cao nhất tại Matxcơva ». Theo nhà phân tích quân sự Nga Pavel Felgenhauer trên trang Eurasia Daily Monitor, Nga không muốn gây chiến nhưng cố tình cảnh cáo NATO và các đồng minh.

Nga khuếch trương ảnh hưởng 

Đối với Nga, bán đảo Crimée hiện là một vùng lãnh thổ và Biển Đen trở thành vùng biển của Nga. Những hoạt động quân sự của phương Tây ở Biển Đen trở thành lý do chính đáng để tổng thống Putin khẳng định trong buổi đối thoại truyền hình với dân hôm 30/06 là « chiến đấu vì tương lai lãnh thổ chúng ta ». Theo ông Putin, « kẻ tấn công là phương Tây », còn Ukraina là « con rối » trong tay Mỹ.

Matxcơva lên án và yêu cầu hủy cuộc tập trận Sea Breeze ở Biển Đen, nhưng đồng thời cũng thể hiện sức mạnh. Ngày 23/06, quân đội Nga bắn cảnh cáo chiến hạm HMS Defender ở gần Sebastopol vì coi việc chiến hạm Anh hoạt động ở vùng biển mà Nga tự nhận chủ quyền ở Biển Đen là « hành động khiêu khích ». Nhưng đồng thời, cả Hải Quân lẫn Không Quân Nga cũng hoàn thành diễn tập nhiệm vụ « ở những vùng địa lý mới » ở Địa Trung Hải, theo trung tướng không quân Nga Serguei Kobylash.

Ngoài ra, chỉ một ngày sau khi Sea Breeze được khởi động, Matxcơva đã thử hệ thống phòng không ở bán đảo Crimée nhưng không rõ thời điểm chính xác. Hãng thông tấn Nga Interfax ngày 29/06 liệt kê khoảng 20 chiến đấu cơ và trực thăng, trong đó có máy bay ném bom Su-24M, hệ thống tên lửa địa đối không S-400 và Pantsir đã được triển khai.

Matxcơva lên án « sự hiếu chiến » của cuộc tập trận « quy mô » và « không góp phần vào bảo đảm an ninh cho Biển Đen » nhưng chính Nga cũng đang góp phần làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Tình hình sẽ chưa lắng dịu vì Nga và phương Tây vẫn còn bất đồng trên rất nhiều hồ sơ.

Theo RFI