‘Sắp tới sẽ có một quan chức cao cấp khác bị nạn vụ Việt Á’

Công luận tin rằng ngoài Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long còn có giới chức "tứ trụ" dính vụ Việt Á
Nghe đọc bài

Một nhà quan sát suy đoán rằng các vụ bắt bớ giới chức liên quan Việt Á vẫn chưa chấm dứt, và sắp tới sẽ có một quan chức cao cấp khác bị nạn. 

Mấy người trong đảng thì quan tâm đến kỷ luật, cách chức, làm hao hụt ngân sách… Nhưng họ không chú ý đến tổn hại đến người dân: đó là những cái chết oan.

Xét nghiệm thì có vấn đề dương tính giả, tức là kết quả dương tính nhưng người ta không bị Covid. Thế nhưng bởi vì dương tính nên nhà chức trách bèn cách ly tập trung. Vào trại tập trung thì bị nhiễm và có thể chết. Câu hỏi, do đó, là bao nhiêu người đã chết oan vì cái test kit của Việt Á? Đây là câu hỏi quan trọng mà mấy quan chức trong đảng không quan tâm.

Vụ Việt Á phản ảnh những khuất tất trong quản lý khoa học. Cái đề tài nghiên cứu sáng chế ra test kit, nếu nhìn khách quan, chỉ là một cách tái chế cái mà người khác đã làm và hoàn thiện. Thuật ngữ khoa học là “tái chế cái bánh xe”. Ấy vậy mà một đề tài như thế trở thành ‘nhiệm vụ quốc gia’ thì thật là khó hiểu nổi khoa học Việt Nam đang ở đâu.

Nhưng thời gian mới là cái làm tôi kinh ngạc. Thử điểm qua các mốc thời gian quan trọng theo thông tin từ Bộ Khoa học – Công nghệ CSVN:

Đề tài nghiên cứu được phê chuẩn vào tháng 2/2020, và dự tính đến tháng 10/2021 thì xong.

Cuối tháng 2/2020, tức chỉ 8 tháng sau khi đề tài được phê duyệt, thì nhóm nghiên cứu đã có dữ liệu nộp cho một tập san y khoa!

Ngày 3/3/2020, 100% thành viên (8/8) Hội đồng Khoa học và Công nghệ cấp Quốc gia đồng ý thông qua kết quả nghiên cứu, và “nhất trí kiến nghị Bộ Y tế cấp phép sử dụng bộ kit real-time RT-PCR do Học viện Quân y và Công ty Việt Á phối hợp nghiên cứu, sản xuất.”

Ngày 5/3/2020 Bộ Khoa học – Công nghệ họp báo công bố kết quả nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm Real-time RT-PCR one step phát hiện virus corona chủng mới.

Trương Quang Việt là giám đốc CDC mới nhất bị bắt trong vụ Việt Á

“Nổ” rằng kit ‘Made in Vietnam’ được WHO và Bộ Y tế Anh chấp nhận

Làm nghiên cứu để sáng chế ra một cái test kit mới mà nhanh như vậy thì quả là xưa nay hiếm. Làm nghiên cứu loại này đòi hỏi phải làm ra các chất liệu như primers, probe, beads, và tốn rất nhiều thời gian.

Tôi không thể hiểu nổi làm sao mà họ có thể làm nhanh thế. Hay là người ta đã có sẵn một cái assay nào đó, rồi chỉ ‘pha chế’ cho ra cái assay mới?

Tuy chưa biết làm nghiên cứu ra sao, nhưng có nhiều vấn đề rất sơ đẳng mà đáng lý ra bất cứ nhà khoa học có kinh nghiệm nào cũng biết, nên nói ra thì kỳ quá. Ví dụ như họ làm nghiên cứu trên vài chục người mà trong đó một số là ‘nghi ngờ’ bị Covid. Nhóm chứng mà bao gồm những người ‘nghi ngờ’ nhiễm thì ‘chứng’ cái gì. Một sai lầm rất cơ bản trong thiết kế thí nghiệm.

Theo một thông tin từ báo chí thì ‘sản phẩm’ của đề tài nghiên cứu là 6 bài báo khoa học. Trong số này, có một bài trên tập san quốc tế (ý nói J Med Virol), một bài tiếng Anh trên một tập san nào đó ở Á châu, và còn lại là đăng trong nước. Học viện Quân y tự đánh giá là “hoàn thành xuất sắc”!

Vũ Đức Đam và Phạm Minh Chính bị công luận cho rằng không vô can trong vụ bê bối Việt Á

Thật khó tưởng tượng khi ngân sách cho một công trình như thế lên đến gần 20 tỉ đồng! Chưa thấy một bài báo khoa học nào trên tập san có uy tín. Nếu là nghiên cứu quan trọng và có kết quả tốt thì chẳng ai công bố trên mấy tập san làng nhàng cả.

Lại thêm một nguồn tin khác, kết quả nghiên cứu đã được gởi đến tập san Virology, và “Tạp chí này đã gửi nghiên cứu đến WHO, tổ chức này lập tức liên hệ với Học viện Quân y xin phép chia sẻ nghiên cứu tới các phòng thí nghiệm khác.”

Nếu đúng thế thì tập san này làm việc không đúng với qui ước ethics khoa học. Tập san khoa học không có quyền gởi bản thảo bài báo đến bất cứ tổ chức hay cá nhân nào, vì đó là qui định về bảo mật và tác quyền.

Vậy mà theo sau đó là những ‘tung hứng’ quá đà nhưng rất tiêu biểu Việt Nam. Báo chí tung hứng thì còn hiểu được vì họ bán báo nhưng giới khoa học mà dùng những cách nói thậm xưng là rất kỳ cục. Cái thông báo rằng cái kit ‘Made in Vietnam’ đã được WHO và Bộ Y tế Anh chấp nhận. Những giải thích về ‘hiểu lầm’ sau đó của Bộ Khoa học – Công nghệ chỉ càng làm cho công chúng không thuyết phục.

Tôi nghĩ nếu nhà chức trách có thật tâm làm một cái gì đó để tạo tiền đề cho cải cách khoa học, thì họ nên có một uỷ ban độc lập được trao quyền thẩm định lại qui trình tài trợ, nghiên cứu, sản phẩm chuyển giao, và công bố khoa học.

Ở Úc, tôi xin tài trợ được 1 triệu USD như vụ Việt Á này là mừng húm rồi. Khó xin tài trợ lắm: 100 đơn xin thì chỉ có 9 là được, mà được thì ngân sách trung bình cũng chỉ 300-400 ngàn AUD trong 3 năm mà thôi. Ở Việt Nam, xin một cái là được 19 tỉ đồng (hơn 1 triệu AUD) làm tôi bên này… ngậm ngùi.

Nguyễn Văn Tuấn

Bài liên quan

Phạm Minh Chính không vô can trong vụ Việt Á

Vũ Đức Đam sẽ là người tiếp theo dính vụ Việt Á?

Chu Ngọc Anh sở hữu dinh thự hơn $3.4 triệu