Sài Gòn bùng phát dịch Covid-19: Nhà nghèo nín thở ‘nhịn’ chạy thận, nhà giàu khóc vì lỗ

Từ 0 giờ ngày 15.6, TP.HCM tiếp tục giãn cách thêm 2 tuần để phòng dịch Covid-19. Khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, nhiều người lao động nghèo ở TP.HCM đã bấm bụng nhịn ăn để cầm cự, nhà giàu cũng khóc khi phải cầm cố nhà cửa, đất đai duy trì kinh doanh.

Gần kết thúc 15 ngày giãn cách xã hội, TP.HCM lại phát hiện liên tiếp nhiều ca nhiễm Covid-19 mới. Đánh giá dịch bệnh vẫn phức tạp, xuất hiện nhiều ổ dịch mới trong cộng đồng, Chủ tịch UBND TP.HCM quyết định giãn cách xã hội toàn TP thêm 2 tuần.
Người dân TP.HCM đa phần ủng hộ quyết định của chính quyền và hy vọng tình hình dịch sớm được kiểm soát để mọi thứ về lại bình thường. Sau nhiều đợt trầy trật vì dịch, những người lao động “nhà nghèo” phải thắt lưng buộc bụng từng cắc bạc, những người làm kinh doanh “nhà giàu” cũng khóc, chỉ biết trông chờ ngày mai tươi sáng hơn.

Chấp nhận lỗ để tồn tại

Là chủ chuỗi 16 quán ăn chuyên về gà đang trên đà phát triển, định hướng mở rộng thị trường, anh Trần Quốc Thịnh (40 tuổi, TP.HCM) lại phải đóng 6 quán vì dịch Covid-19. Mỗi quán đóng cửa, anh gần như mất trắng chi phí đầu tư, tiền cọc khoảng 4 tỉ đồng. Sau đó anh cầm nhà, đất của mình để bù lỗ cho những quán đang hoạt động.
Cuối tháng 5.2021, TP.HCM giãn cách xã hội, hàng quán chỉ bán mang về, anh phải cắt giảm toàn bộ nhân sự làm bán thời gian, chỉ giữ lại người làm chính thức, cho nhân viên ở lại, nấu ăn, ngủ tại nhà hàng, tránh lây nhiễm và giảm chi phí ăn, ở trọ.
TP.HCM bùng phát dịch Covid-19: Nhà nghèo nín thở 'nhịn' chạy thận, nhà giàu khóc vì lỗ - ảnh 1

Ông chủ chuỗi quán ăn chuyên về gà phải đóng cửa 6/16 quán ăn để tiếp tục hoạt động. Chưa đủ bù lỗ, anh phải cầm cố cả nhà của mình và cha mẹ để duy trì

ẢNH: VŨ PHƯỢNG

Để thu hút khách đặt mua qua các app, anh liên tục đưa ra các chương trình khuyến mãi như giảm giá bán, miễn phí giao hàng và thường xuyên livestream trên mạng xã hội.
Ông chủ chuỗi quán ăn nói: “Mùa dịch ai cũng bị ảnh hưởng đến túi tiền, quán khuyến mãi trên app để khách được ăn ngon mà không cần đắn đo. Bên cạnh đó, bán qua app quán sẽ phải trích % doanh thu cho app nhưng thay vì lỗ 10 đồng để đóng cửa, thì mình chọn lỗ 3 đồng để tồn tại”.
Anh Thịnh cho rằng, khi không được phục vụ tại chỗ thì bán qua app là con đường duy nhất để có doanh thu và xoay vòng đồng vốn duy trì hoạt động. Kể từ khi giãn cách xã hội đến nay, số khách mua qua app chiếm đến 75% số đơn hàng của chuỗi quán ăn. Dù vậy, doanh thu vẫn bị giảm khoảng 70% so với khi không có dịch.
TP.HCM bùng phát dịch Covid-19: Nhà nghèo nín thở 'nhịn' chạy thận, nhà giàu khóc vì lỗ - ảnh 2

Dù gặp nhiều bất cập, khó khăn nhưng người dân TP ủng hộ tiếp tục giãn cách xã hội

ẢNH: ĐỘC LẬP

Kinh doanh quán ăn, những mặt bằng mà anh chọn để mở quán đều rộng rãi, thoáng mát, ở vị trí tiện đi lại, do đó, giá mặt bằng cũng từ 100 đến vài trăm triệu mỗi tháng. Đợt dịch này, anh thương lượng được với các chủ nhà giảm 30%, tuy nhiên, số tiền chi trả mặt bằng vẫn là con số “khá ngán”. Đợt dịch này, anh vừa phải cầm thêm nhà của ba mẹ để cầm cự quán ăn.
“Tôi từng cầm nhà ba mẹ khi khởi nghiệp lần đầu tiên năm 2003, sau đó thất bại lo làm lấy lại nhà cho ông bà, chắc vậy nên ba mẹ rất tin tưởng cho tôi cầm tiếp. Chi phí hoạt động đến giờ tôi vẫn bù nhưng cũng khả quan hơn rất nhiều rồi, đủ đảm bảo vượt qua mùa bão giông này. Tôi nghĩ lạc quan, giai đoạn này tôi gồng qua cơn khó, sau đó thị trường ổn lại tôi phát triển nhanh và mạnh hơn. Sáng nay, ra đường tôi thấy đường đông tí mừng mừng ai ngờ lại giãn cách tiếp, nhà giàu nhà nghèo gì cũng khóc”, anh bộc bạch.
Theo Thanh Niên