Rộ tin Sri Lanka gia hạn cho Trung Quốc thuê cảng biển lên gần 200 năm

Trả lời phỏng vấn truyền thông trong nước ngày 20/2, Ngoại trưởng Sri Lanka Dinesh Gunawardena nói rằng, chính quyền cựu tổng thống Maithripala Sirisena đã “mắc sai lầm” khi ký hợp đồng cho Trung Quốc thuê cảng Hambantota trong vòng 99 năm và thậm chí sau đó thêm điều khoản cho phép gia hạn thêm 99 năm nữa.

“Có điều khoản gia hạn cho thuê thêm 99 năm nữa. Chính quyền cũ đã mắc một sai lầm với thỏa thuận cho thuê cảng Hambantota khi hủy bỏ điều khoản ban đầu cho thuê 99 năm, thay vào đó là điều khoản cho phép gia hạn cho thuê thêm 99 năm nữa”, Ngoại trưởng Gunawardena trả lời phỏng vấn báo Ceylon Today.

Thỏa thuận cho thuê cảng trên được chính phủ tiền nhiệm của Sri Lanka ký kết với Trung Quốc năm 2017 nhằm trả các khoản nợ Trung Quốc. Thỏa thuận này gây nhiều tranh cãi khi dư luận quốc tế cáo buộc Trung Quốc dùng “ngoại giao bẫy nợ” để giành các ưu thế địa chính trị trong khu vực.

Tọa lạc ở vị trí có tầm quan trọng chiến lược, cảng Hambantota nằm gần trung tâm tuyến vận tải biển nhộn nhịp thuộc miền Nam Sri Lanka, nhìn ra Ấn Độ Dương. Đây cũng là nơi hơn 80% lượng dầu mỏ nhập khẩu của Trung Quốc phải đi qua.

Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa, em trai cựu tổng thống Mahinda Rajapaksa nói rằng ông muốn đàm phán lại thỏa thuận với Trung Quốc ngay sau khi ông nhậm chức vào cuối năm 2019. Ông Rajapaksa sau đó phủ nhận có ý định như vậy.

Tuy nhiên, nhật báo Ceylon Today hôm 6/2 dẫn lời tướng Daya Ratnayake, Chủ tịch Cơ quan quản lý cảng biển Sri Lanka, nói rằng Tổng thống Rajapaksa đã đàm phán lại thỏa thuận và sau nhiều cuộc thương lượng gần đây với giới chức Trung Quốc, Sri Lanka đã đồng ý di dời một căn cứ hải quân khỏi khu vực cảng mà Trung Quốc đang khai thác.

“Theo thỏa thuận, căn cứ hải quân này nằm trên khu đất mà phía Trung Quốc đã thuê. Tổng thống đã trao đổi với phía Trung Quốc và quyết định di dời căn cứ đến vị trí do Sri Lanka kiểm soát”, ông Ratnayake nói và cho biết thêm hải quân Sri Lanka sẽ kiểm soát toàn bộ vùng biển.

Về phía Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân ngày 24/2 bác bỏ thông tin hai bên đàm phán lại thỏa thuận. Ông Uông nói rằng thỏa thuận này vốn được đàm phán trên cơ sở “công bằng và tự nguyện” giữa hai quốc gia, và đây là dự án hợp tác nhằm giúp Sri Lanka tạo dựng một động cơ mới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong tương lai.

Trung Quốc là một trong những nhà đầu tư lớn nhất vào các dự án hạ tầng ở Sri Lanka. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến lo ngại cả trong nước và quốc tế rằng Trung Quốc đưa Sri Lanka vào “bẫy nợ”. Hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng của Trung Quốc tại Sri Lanka đã trở thành một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh. Điều này khiến Ấn Độ lo ngại Trung Quốc sử dụng cảng gần bờ biển phía nam cho các mục đích chiến lược hoặc quân sự trong tương lai. Các nước như Mỹ, Ấn Độ cũng lo ngại Bắc Kinh sẽ mở rộng sự hiện diện cả về kinh tế và quân sự ở Ấn Độ Dương.

Theo Dân trí