RCEP : Vùng mậu dịch tự do tại Châu Á hình thành

Mười lăm nước Châu Á và Thái Bình Dương ký kết hiệp định đối tác thương mại do Trung Quốc khởi xướng từ năm 2012, nhân thượng đỉnh ASEAN kết thúc vào Chủ nhật, 15/11/2020, dưới sự chủ tọa của Việt Nam, chủ tịch luân lưu Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á.

Thượng đỉnh ASEAN, qua truyền hình trực tuyến, kết thúc vào Chủ nhật với sự kiện hình thành khối mậu dịch tự do quan trọng nhất thế giới gọi tắt là RCEP – Hiệp Định Đối Tác Toàn Diện Khu Vực.

Hiệp định này thành lập một vùng thương mại tự do giữa 10 nước Đông Nam Á, cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc ở phía bắc xuống tận nam Thái Bình Dương với Úc và New Zealand.

Với tư cách chủ tịch luân lưu ASEAN, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố là ông « hài lòng » đạt được kết quả sau 8 năm đàm phán phức tạp.

Do Bắc Kinh đề xuất, để đáp trả một sáng kiến thành lập Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP của Washington ( đã bị Donald Trump bỏ rơi), RCEP của Trung Quốc bao trùm một vùng kinh tế năng động liên quan đến 2 tỷ người và chiếm 30% tổng sản lượng (GDP) toàn cầu.

RCEP còn phục vụ cho tham vọng địa chính trị của Bắc Kinh trong khu vực, qua một chiến lược phát huy ảnh hưởng bao quát hơn, dưới tên gọi « một vành đai một con đường ».

Theo AFP, các nước khu vực kỳ vọng vào RCEP để tăng cường phát triển kinh tế nhờ vào quy định giảm hàng rào thuế quan, hài hòa thủ tục xuất nhập khẩu, tạo điều kiện sinh hoạt dễ dàng hơn cho xí nghiệp.

Ấn Độ từ chối tham gia

Hiệp định có những quy định bảo vệ sở hữu trí tuệ nhưng thiếu hai lãnh vực quan trọng là « tôn trọng môi trường và quyền lợi người lao động ».

Lo ngại hàng Trung Quốc giá rẻ tràn ngập thị trường, Ấn Độ không tham gia vào RCEP.

Theo RFI