Rằm Tháng Bảy Sài Gòn thời Covid

Nghe đọc bài

“Tiết Tháng Bảy mưa dầm sùi sụt,

Toát hơi may lạnh buốt xương khô,

Não người thay buổi chiều thu… ”

(Văn tế thập loại chúng sinh – Nguyễn Du)

Hôm nay 21 Tháng Tám, 2021, nhằm rằm Tháng Bảy, mùa Vu Lan. Dân thường cúng cô hồn. Chiều tối nay, ngẫu nhiên Sài Gòn mưa tầm tã, sấm chớp rung trời, gió lồng lộng rét mướt – như giằng xé tâm can, như cảm thương thân phận con người thời Covid.

Gần trưa nay, thông báo về đợt giãn cách dữ dội nhất ba tháng nay ở Sài Gòn đã công bố: Từ ngày 23 Tháng Tám, người dân phải bảo đảm việc thực hiện quy định về giãn cách xã hội, ai ở đâu ở yên đó, nhà cách ly nhà, tổ dân phố cách ly tổ dân phố, khu phố, ấp cách ly với khu phố, ấp… Đến 6 Tháng Chín.

Thế nhưng không hiểu sao, suốt từ chiều hôm trước 20 Tháng Tám, vô số người Sài Gòn đã biết thông tin này. Từ đó đến chiều nay 22 Tháng Tám, đường phố Sài Gòn tràn ngập người đi – “như chưa hề có (mấy ngàn) cuộc chia ly”, “sinh ly tử biệt” vì Covid.

Nếu vài hôm trước, gia đình nào tạm có chút “của ăn của để” còn tạm yên tâm, cần thì ship hàng tận nhà, thì giờ cũng “lăn ra đường”, xếp hàng, chen lấn ở siêu thị, bất chấp Covid. Coop Mart Cống Quỳnh, quận 1 sáng nay 21 Tháng Tám hàng ngàn người chen lấn, xô đẩy. Và nơi đây không phải là cá biệt, siêu thị nào cũng hàng dài người xếp hàng, chờ hai, ba tiếng mới “qua ải” là bình thường…

Một người bạn của tôi đã thầm run sợ, kêu thầm với tôi: “Như một Ngày hội của… F0” (!).

Đường phố xe cộ như một ngày bình thường. Càng về vùng ngoại ô (Bình Thạnh, Bình Tân, quận 6, 8…) càng đông, phải đi chậm. Chen chúc ở mọi tiệm thuốc tây và siêu thị. Vùng trung tâm khá giả, họ sợ bịnh. Bà con ngoại ô, nhà khó khăn thì sợ đói… Một chị ở chung cư số 5 Cao Thắng, phường 2 quận 3 xếp hàng từ 6g sáng, 11g30 trưa mới tới lượt để mua được những món mình cần – tạm xoay sở trong nửa tháng “ai ở đâu ở yên đó”, còn lại Nhà nước, Quân đội lo.

Đứng xếp hàng chờ mua thuốc. Ảnh: Duyên Phan.

Nhà nước, Quân đội lúc này “trăm công nghìn việc”, thôi thì dân tự lo cho mình trước – đỡ phần nào hay phần nấy, có gì cũng yên tâm phần nào. Covid tính sau (!). Thế là giàu nghèo gì cũng cử “đại biểu” ra đường, có nhà cử hai, ba người: kẻ xếp hàng siêu thị, kẻ vét hàng vỉa hè, cửa hàng mở cửa… he hé. Cứ như đêm trước ba lần đổi tiền hồi thế kỷ trước. Vét túi mà mua. Giá nào cũng phải mua. Hàng lên vùn vụt.

Trên đường Phan Văn Trị, quận Bình Thạnh, tôi thấy một chị đạp xe đạp lượm ve chai, tần ngần mãi mới lận túi được một ít tiền hai ngàn, năm đồng nhăn nhúm mua chục trứng gà nhỏ xíu tới bốn chục ngàn. Bình thường chỉ hai mươi lăm ngàn là cùng. Vậy nên khi tôi ghé xe lại, trả tiền trứng cho chị, thêm cho chị hai ký thịt đùi và thịt xay, gửi chị thêm năm trăm ngàn đồng. Người chị gầy gò, luống cuống nhận quà, khom lưng cảm ơn khiến tôi không chịu nổi, phải quày quả lui xe: “Ngưng lượm rác nha chị, mang thịt về làm cho gia đình, không hư hết…” “Dạ dạ, em về liền. Em cảm ơn anh Hai” – chị nói vậy nhưng vẫn không đi mà cứ nhìn tôi rung rưng. Tôi phải “thúc”: “Chị về nhà, tôi mới đi.”

Cũng vậy, tôi gửi cho chị T. , tổ dân phố 145 phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân khi một ký thịt, nửa ký jambon, chục trứng và một triệu rưỡi. Anh làm ruộng ở quê, chị phụ việc nhà nuôi hai con học đại học, phổ thông. Hai tháng qua, từ 9 Tháng bảy, chỉ thị 16 khiến chị phải nghỉ việc. Không hiểu sao tổ này chỉ một, hai người có “quà phường cho”, dù cũng toàn dân lao động. Mấy anh thợ hồ thất nghiệp mấy tháng nay trong tổ chờ hoài chỉ tặc lưỡi: “Số mình xui” (!).  Quà phường cho là mấy ký gạo, dầu ăn, nước mắm và mì gói.

Còn đem dầu ăn, nước mắm nấu với cái gì, thì dân tự mà lo. Chị nói với tôi như tự an ủi mình: “Mấy tổ kia nghe nói có hết, có thể do bên đó có người bịnh Covid nên ưu tiên; có thể do tổ trưởng bên em không năng động. Mấy hôm nay, thịt thà, cá mắm mua khó lắm. Mà có dễ mua thì cũng cạn tiền rồi.” Nghe mà xót lòng xót dạ.

Như khi nghe chị Lý, anh Út nhận thịt và tám trăm ngàn đồng xong, hai tiếng sau, nhắn tin khoe với tôi: “Con bé nhà em cả tuần nay không có miếng thịt. Anh cho, tụi em chia bốn, năm phần nấu cháo cho nó cả tuần”. Hai anh chị vốn bán cà phê vỉa hè khá nhếch nhác, góc Cách Mạng Tháng Tám – Nguyễn Thị Minh Khai. Hai vợ chồng, hai đứa con, đứa 12 tuổi, đứa một tuổi rưỡi. Cả nhà dựa vô quán cà phê mà sống. Dịch nghỉ mấy tháng nay rồi. Tơi tả cả nhà. Nói chuyện với tôi, anh Út cười như méo miệng: “Không hiểu sao ở chung cư em phường chỉ mới hỗ trợ một nửa số hộ. Nhà em chưa có…”.

Rồi chị L., nhà gần chùa Hiển Quang (Tân Bình). Có lúc bán bánh mì đầu hẻm Vinh Sơn, mẹ chị với mẹ tôi xưa thân thiết nhau. Giờ hai bà đều không còn, chị dạt về nhà em gái ruột trong một con hẻm đường Nguyễn Hồng Đào, đầu dịch tới giờ được ít ký gạo, vài gói mì, chai dầu ăn. Rồi anh D. bảo vệ trên đường Bành Văn Trân, Tân Bình. Hôm trước kiếm thịt không ra, hôm nay có thịt rồi, tôi vội chạy lại anh gửi kèm năm trăm ngàn đồng để anh mua. Rồi chị Quý Đông, chút thịt tôi gửi xong, chị nhắn tin xúc động: “Thịt ngon lắm anh. Em mới ăn một nửa thôi, còn để dành ạ. Em cảm ơn anh nhiều lắm”.

Chị vui ít, còn tôi lại vui nhiều khi chị khoe thêm: “Trưa qua, em có nhận được của bạn Hải là em của luật sư Hà năm trăm ngàn đồng và Hằng là hàng xóm của Hà gửi năm trăm ngàn đồng để em mua thịt hay cá để dành ăn ạ. Sáng nay 21 Tháng Tám, em nhận được quà của anh Vĩnh ở nhà thờ Mẫu Tâm gửi cho hai thùng cháo ăn liền và nước mắm, nước tương, dầu ăn với đường anh ơi. Em mừng lắm ạ. Lòng thật biết ơn các anh chị gửi cho em trong những lúc này không lời nào diễn tả được hết…”. “Miếng khi đói bằng gói khi no”. Khi chưa Covid, dù khó khăn, Quý Đông bán khoai vỉa hè cũng tạm đủ sống. Giờ thì thật sự cùng đường. Bạn bè khu Ông Tạ xung quanh không quên cô nữ sinh lớp 9P1 Trường Ngô Sĩ Liên năm xưa này…

Rồi cả những phận người ngoại quốc tơi bời, không nơi bám víu khi bị vướng lại ở Sài Gòn. Trưa 21 Tháng Tám, đi qua Bệnh viện Đại học Y Dược trên đường Hồng Bàng, góc cổng bệnh viện, tôi gặp một chị ngoại quốc lớn tuổi đứng cầm một tấm bảng các-tông: “I need food”. Chị gầy gò trong nắng trưa Sài Gòn. Chị không nói được tiếng Việt, còn tôi vốn sinh ngữ Pháp nên cố vận dụng hết vốn liếng tiếng Anh ít ỏi mình học trên đại học hỏi tên tuổi, quốc tịch… Chị bảo: tên Marie, người Mỹ, 62 tuổi…

Gửi hết 30 ký thịt rồi, trong xe còn một cây jambon mua dự trữ cho nhà mình, tôi lấy ra gửi chị luôn kèm năm trăm ngàn đồng. Người chị cũng gầy gò, ngỡ gió thổi, run giọng: “Thank you very much”. “Thanks Vietnam” và quay đi gạt giọt nước mắt…

Trưa về tôi ngủ không được với hình ảnh của chị. Suy nghĩ lung tung về thân phận con người, thân phân dân mình, dân xứ người trong Covid và không hiểu sao chị không liên hệ với lãnh sự quán Mỹ?

Mai 22 Tháng Tám là buổi chót tôi đi tiếp tế trước “thiết quân luật” 23 Tháng Tám, 2021. Thú thật có lẽ như tôi, ít ai rõ chuyện gì sẽ diễn ra. Tôi đã có vài chục ký thịt rồi, bạn tôi nghe chuyện đã gửi cho tôi…

Theo SGN