Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lên án Trung Quốc bắt nạt ở Biển Đông

Trong bài viết đăng trên trang tin Philippines Star ngày 7/12, ông Christopher Miller cho biết trong chuyến thăm đầu tiên của ông tới khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương với tư cách là quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ông mong muốn “tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.

“Trong 4 năm qua, ngày càng nhiều đồng minh và đối tác cùng với Mỹ bảo vệ các nguyên tắc được nêu trong Chiến lược An ninh Quốc gia của Tổng thống Donald Trump, gồm tôn trọng chủ quyền, thương mại công bằng, có đi có lại và luật lệ, đồng thời lên án mạnh mẽ những hành động gây bất ổn và mang tính cưỡng ép của Trung Quốc trong khu vực, đặc biệt ở Biển Đông”, ông Miller cho biết.

Theo quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, tại hội nghị cấp cao hồi tháng 6, lãnh đạo các nước Đông Nam Á đã ra tuyên bố phản đối các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời nhất trí rằng các tranh chấp ở Biển Đông phải được giải quyết theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

“Các nhà lãnh đạo ASEAN đã tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì tự do hàng hải, đồng thời kêu gọi phi quân sự hóa và tự kiềm chế trước các hoạt động có thể làm leo thang tranh chấp”, ông Miller cho biết thêm.

Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói rằng, tuyên bố hồi tháng 6 của ASEAN đã “bác bỏ yêu sách trên biển phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, bao gồm cái gọi là “đường chín đoạn”, vốn không có cơ sở pháp lý hay lịch sử”.

“Kể từ tháng 1, trong khi các nước trên thế giới chiến đấu với đại dịch Covid-19, Trung Quốc đã tìm cách lợi dụng cuộc khủng hoảng này bằng việc tiến hành hàng loạt hành động khiêu khích ở Biển Đông. Bắc Kinh đã sử dụng lực lượng hải quân, hải cảnh và dân quân biển để củng cố yêu sách trên biển phi pháp và thái quá, đồng thời bắt nạt các nước láng giềng”, ông Miller viết.

Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cáo buộc Trung Quốc “tiến hành các cuộc tập trận bắn đạn thật ở lãnh thổ và vùng biển tranh chấp; quấy rối hoạt động khai thác dầu khí hợp pháp lâu nay của Việt Nam và Malaysia; đưa đội tàu cá được hộ tống vào vùng đặc quyền kinh tế của các nước Đông Nam Á; và tiếp tục quân sự hóa các đảo nhân tạo, vi phạm các cam kết của họ đối với ASEAN”.

Ông Miller cho rằng thông qua các hoạt động với ý đồ xấu, Trung Quốc tìm cách hăm dọa để ngăn các nước ASEAN tiếp cận các nguồn tài nguyên tự nhiên phong phú, bao gồm trữ lượng dầu khí ước tính trị giá 2,5 nghìn tỷ USD ở ngoài khơi, cũng như các ngư trường vốn hỗ trợ kế sinh nhai của hàng triệu người dân trong khu vực. Các hoạt động này của Trung Quốc diễn ra khi đại dịch Covid-19 gây tổn thất chưa từng có về kinh tế cho khu vực.

“Bất chấp những thách thức này, Mỹ vẫn sát cánh với các đồng minh và đối tác ở Đông Nam Á trong việc bảo vệ một trật tự tự do và rộng mở. Nhằm thúc đẩy tầm nhìn chung, chúng ta phải cùng nhau xây dựng một khu vực được kết nối nhiều hơn để đối phó những thách thức an ninh chung và chống lại sự cưỡng ép và hăm dọa”, ông Miller nhấn mạnh.

Ông Miller khẳng định Bộ Quốc phòng Mỹ vẫn sẽ tập trung vào việc tăng cường năng lực để đối phó với các mối đe dọa theo hướng đa phương, đồng thời xây dựng các liên kết cần thiết để đẩy lùi sự cưỡng ép của Trung Quốc.

“Yêu sách của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên trên phần lớn Biển Đông là hoàn toàn phi pháp, cũng giống như chiến dịch bắt nạt của họ nhằm kiểm soát các nguồn tài nguyên đó. Các tuyên bố gần đây từ các đồng minh và đối tác trong khu vực đã cho thấy sự đồng tình của họ với chính sách của chúng tôi”, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết thêm.

Ông Miller cho biết Mỹ ủng hộ giải pháp ngoại giao thông qua việc duy trì hiện diện quân sự ổn định và liên tục trong khu vực.

“Thậm chí trong thời gian đại dịch, Bộ Quốc phòng Mỹ vẫn duy trì các chiến dịch tự do hàng hải thường xuyên, các cuộc tuần tra hàng hải và hàng không thường kỳ, các cuộc tập trận và chiến dịch phối hợp với các đối tác và đồng minh thân cận của Mỹ”, ông Miller viết.

Trong chuyến đi tới khu vực lần này, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết ông sẽ gặp các nhà lãnh đạo trong khu vực, xem xét nỗ lực của Mỹ trong việc thực thi chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và dự cuộc họp trực tuyến với bộ trưởng quốc phòng các nước.

Ông Miller nói rằng trong các cuộc họp sắp tới, ông sẽ tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với việc ủng hộ một trật tự cởi mở, tự do, dựa trên luật lệ. Ông đồng tình với những người bạn thân cận của Mỹ tại ASEAN rằng, luật lệ đóng vai trò quyết định ở Biển Đông, và Mỹ hoan nghênh các nước ủng hộ điều này.

Theo thông báo trên trang web của Bộ Quốc phòng Mỹ, ông Christopher Miller tuần này đã bắt đầu chuyến thăm đầu tiên tới khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trên cương vị quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ. Ông Miller đã tới thăm Indonesia vào ngày 7/12, dự kiến sẽ tiếp tục tới thăm Philippines và trụ sở Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ.

Tại Indonesia và Philippines, ông Miller dự kiến gặp gỡ những người đồng cấp và các quan chức cấp cao để thảo luận về tầm quan trọng của hợp tác quốc phòng song phương và duy trì khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cởi mở và tự do.

Từ trụ sở của Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, ông Miller sẽ dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) được tổ chức trực tuyến.

Ông Miller trở thành quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ từ ngày 9/11, sau khi Tổng thống Donald Trump sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper.

Theo Dân trí