Phóng viên Trung Bảo bị bắt với cáo buộc ‘Lợi dụng quyền tự do dân chủ’ 

Ông Trung Bảo được biết đến là cựu phóng viên báo Thanh Niên, Một Thế Giới và điều hành trang Facebook "Báo Sạch". Courtesy of Facebook Trung Bao

Vụ bắt ông Trung Bảo cùng hai phóng viên khác của nhóm Facebook “Báo sạch” trong vụ án Trương Châu Hữu Danh cho thấy nhà cầm quyền mạnh tay trấn áp truyền thông ngoài lề. 

Tối 20/4/2021, làng báo ở Việt Nam rúng động trước tin ông Nguyễn Phước Trung Bảo, 39 tuổi, cựu thư ký tòa soạn báo điện tử Một Thế Giới, bị bắt cùng hai ông Nguyễn Thanh Nhã và Đoàn Kiên Giang.  

Cả ba ông cùng nhóm Facebook “Báo Sạch” bị Công an thành phố Cần Thơ cáo buộc “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331 Bộ Luật hình sự CSVN 2015.

Bị triệu tập liên miên trước khi bị bắt

Tin cho hay, trước khi bị bắt, cả ba ông này đã bị công an triệu tập liên miên từ vài tháng qua, do liên quan đến vụ án của phóng viên Trương Châu Hữu Danh, người cũng thuộc nhóm “Báo Sạch” và đã bị bắt hôm 17/12/2020 với cùng cáo buộc nêu trên.

Các thành viên nhóm Báo Sạch, từ trái qua là ông Trương Châu Hữu Danh, Nguyễn Phước Trung Bảo và ba thành viên còn lại. Courtesy of Facebook Trung Bao

Nhóm “Báo Sạch” được biết đến là tập hợp một số cựu phóng viên của các báo nhà nước, với chủ trương đưa tin về xã hội Việt Nam theo kiểu truyền thông độc lập. Trang Facebook “Báo Sạch” được ghi nhận chính thức dừng hoạt động ngay sau khi ông Danh bị bắt. Tiếp đó, các thành viên nhóm này lần lượt đóng trang cá nhân.

Trong thời gian trang này hoạt động, đã xuất hiện một số cáo buộc họ về việc truyền thông “xử lý khủng hoảng”, tức dùng trang cá nhân của các nhân vật có nhiều lượt follow để “định hướng dư luận” về những vụ việc được công luận chú ý.

Trong số đó, có vụ nhóm “Báo Sạch” đưa tin tích cực về Tập đoàn Asanzo trong lúc doanh nghiệp này bị tờ Tuổi Trẻ cáo buộc là hàng Trung Quốc đội lốt thương hiệu Việt.

Trang cá nhân của ông Bảo cũng được biết là đăng bài “định hướng dư luận” về ông Lê Vinh Danh, cựu hiệu trưởng trường Đại học Tôn Đức Thắng ở Sài Gòn trong vụ ông này bị mất chức.

Báo Nông Nghiệp Việt Nam viết: “Việc khởi tố và tạm giam thêm ba thành viên của nhóm Báo Sạch thực sự gây rúng động giới truyền thông. Bởi lẽ, trong ba đối tượng vừa bị bắt thì Nguyễn Phước Trung Bảo là con trai của một nhân vật khá nổi tiếng trong làng cầm bút và từng giữ chức vụ lãnh đạo một số cơ quan báo chí, xuất bản. Nguyễn Phước Trung Bảo cũng là một doanh nhân có nhiều cơ sở kinh doanh tại Đà Nẵng và Hội An.”

Báo này ám chỉ vụ bố ông Bảo là ông Nguyễn Trung Dân, cựu Phó Tổng biên tập báo Du lịch. Ông Dân bị cách chức và tờ báo bị đình bản vì đăng bài trong số báo xuân 2009 đề cập tới chủ đề biên giới lãnh thổ cũng như chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Blogger Trương Châu Hữu Danh là thành viên đầu tiên của nhóm Báo Sạch bị bắt hồi tháng 12/2020, đến nay chưa rõ thời điểm xét xử. Courtesy of Facebook Truong Chau Huu Danh

Luật sư nói gì về tội danh “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ”?

Điều luật 331 Bộ luật Hình sự hiện hành vốn là hậu thân của điều luật 258 khá nổi tiếng của Bộ Luật Hình sự năm 1999. Theo điều luật 331, mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 7 năm tù.

Luật sư Đặng Đình Mạnh, người nhận bào chữa cho các blogger, nhà hoạt động bị phạt tù với cáo buộc nêu trên, phân tích: “…Đâu là ranh giới giữa một bên là sự hành xử quyền tự do ngôn luận theo Hiến pháp và bên kia là tội hình sự lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước?

Trả lời ngay và luôn: Cơ quan an ninh nói ranh giới ấy ở đâu, thì nó ở đó!

Câu trả lời ngay và luôn đó cũng đã phản ảnh một sự thật đáng buồn mà giới luật sư ít muốn thừa nhận, đó là: Chưa có thân chủ nào bị truy tố với tội danh theo Điều 331 mà được luật sư bào chữa thành công cả! Nói khác, chưa từng có luật sư nào thành công trong việc thuyết phục tòa án rằng hành xử của thân chủ mình vẫn nằm trong ranh giới an toàn, đó là thực hiện quyền tự do ngôn luận mà thôi!

Sự thật phũ phàng! Có buồn, nhưng không hề xấu hổ, không phải vì giới luật sư kém cỏi, mà vì ngành tư pháp xứ sở này vận hành theo cung cách như vậy!

…Khi có dịp tu chính Bộ Luật Hình sự, các nhà làm luật nên ưu tiên biểu quyết bãi bỏ các điều 117, 331. Muốn hòa nhập và làm bạn với thế giới, thì cũng phải tập làm quen lắng nghe những điều nghịch nhĩ từ công chúng.

Toán học gia Ngô Bảo Châu, người từng mang về niềm vinh dự lớn lao cho xứ sở khi đoạt giải Fields danh tiếng thế giới, nhưng cũng là người gây nhiều tranh cãi trong công chúng về các phát biểu của ông. Trong đó, phải kể đến phát biểu được công chúng hoan nghênh nhất như sau “bám theo lề là việc của con cừu, không phải việc của con người tự do”.

Định Tường

Gửi cho báo Đất Việt từ Sài Gòn