Phòng dịch vô nhân đạo ở Trung Quốc: ‘Ai ra ngoài đánh chết người đó’

Các biện pháp phòng dịch cực đoan của chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) luôn khiến ngoại giới phải kinh ngạc. Gần đây, một bí thư thôn ở tỉnh Liêu Ninh đã cảnh báo những người dân không tuân thủ chính sách phòng dịch rằng, “ai ra ngoài đánh chết người đó” hay tuyên truyền chống dịch nực cười như “các cặp vợ chồng phải ngủ riêng, ăn riêng, không được hôn, không được ôm”, v.v.

Nghe đọc bài

Mặc dù luận điệu tuyên truyền phòng dịch của các tỉnh ở Trung Quốc khác nhau, nhưng họ đều đang làm một việc giống nhau, đó là chấp hành thực thi “Zero Covid” (Không Covid) – chính sách phòng dịch cực đoan của chính quyền Bắc Kinh.

Phòng dịch vô nhân đạo ở Tây An

Theo Dushi kuaibao của Thiểm Tây đưa tin, Ban chỉ huy Phòng chống và Kiểm soát Dịch bệnh quận Nhạn Tháp của thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây đã đưa ra thông báo hôm 8/1 rằng: 196 khu dân cư và 6 điểm trong khu vực của chúng ta đã được điều chỉnh thành vùng bị kiểm soát. Vui lòng lập tức thực hiện các biện pháp kiểm soát đối với các khu vực nêu trên: Cấm người dân không ra khỏi nhà và dán giấy niêm phong trước từng cửa nhà.

Mới đây, đoạn video tuyên truyền chống dịch tại khu dân cư Thái Bạch Hinh Uyển, quận Nhạn Tháp, thành phố Tây An, đã thu hút đông đảo sự chú ý của cư dân mạng.

Một nhân viên phòng dịch cầm trên tay một chiếc loa lớn truyền đạt thông tin phòng dịch do cấp trên quy định cho người dân của khu dân cư rằng:

“Chỉ cần còn một hạt gạo, thì không đến nơi đông người. Chỉ cần còn một giọt dầu, hãy ở nhà không lộ mặt”.

“Chỉ cần còn một cọng hành, thì không lao ra chợ. Chỉ cần còn một hơi thở, hãy ở nhà thủ trận địa (chống Covid)”.

Mặc dù đoạn tuyên truyền chống dịch của chính quyền nghe rất vần điệu, nhưng những lời cảnh báo này lại khiến cư dân mạng không khỏi lo lắng và cho là “không có chút nhân đạo nào”.

Một đoạn video khác cho thấy, một người dân Tây An định đi ra ngoài ăn nhưng bị nhân viên phòng dịch của khu dân cư ngăn cấm.

Cư dân này hỏi: Đến cơm cũng không cho ăn sao? 

Nhân viên phòng dịch trả lời: Không cho ăn. 

Người dân: Tôi chết đói thì sao? 

Nhân viên phòng dịch: Ông chết không liên quan đến tôi, ông không có (giấy) thông hành thì không bao giờ được đi ra ngoài.

Tây An – thành phố 13 triệu dân, đã tuyên bố “phong thành” vào ngày 23/12/2021. Dưới sự giám sát chỉ đạo của Phó Thủ tướng ĐCSTQ Tôn Xuân Lan, hôm 4/1, chính quyền Thiểm Tây thông báo Tây An “về cơ bản đã đạt được mục tiêu xóa sổ (dịch bệnh)”.

Không chỉ hàng chục nghìn người dân Tây An bị chuyển đến các điểm cách ly phải chịu đói, mà ngay cả những người bị mắc kẹt ở nhà cũng gặp phải không ít bi kịch như thiếu thực phẩm, không được khám chữa bệnh, v.v.

Theo báo cáo của chính quyền, tính đến ngày 12/1, thành phố Tây An có 3 khu vực nguy cơ cao và 37 khu vực có nguy cơ.

Thiên Tân: “Đừng gây thêm rắc rối cho đất nước”

Ngày 12/1, chính quyền Thiên Tân phát đi thông báo dự kiến sẽ ​​tiến hành đợt xét nghiệm PCR thứ hai cho toàn bộ người dân.

Sau khi phát hiện ca nhiễm Omicron cộng đồng đầu tiên vào đầu tháng này, Thiên Tân đã tiến hành xét nghiệm PCR quy mô lớn trên khắp thành phố từ ngày 8 đến ngày 9/1, đồng thời kiểm soát nghiêm ngặt các tuyến giao thông.

Theo một đoạn video cho thấy, trong khi người dân Thiên Tân đang xếp hàng để xét nghiệm PCR vào ngày 9/1, chiếc loa phát thanh tuyên truyền phòng dịch của chính quyền đã khiến mọi người thảo luận sôi nổi.

Loa phát thanh nói rằng: “Thà nằm ngủ giẹt đầu, cũng không mạo hiểm ra ngoài. Thà tự mình uống say, cũng không ra ngoài tụ tập. Thà ở nhà bí đến ra mồ hôi, cũng không gây thêm rắc rối cho đất nước”.

Cô Vương, một người dân của quận Tân Nam, thành phố Thiên Tân nói với The Epoch Times rằng: “Thực ra, họ (chính quyền) coi đó là một nhiệm vụ chính trị, có thể là để bảo vệ Bắc Kinh và Thế vận hội Mùa đông”.

Hà Nam: “Có người mặt dày không biết xấu hổ”

Trái ngược với những tuyên truyền phòng dịch vần điệu ở thành phố, thì tuyên truyền ở một số vùng nông thôn của Trung Quốc lại khá “thô bạo”.

Mới đây, một bí thư thôn làm công tác tuyên truyền phòng dịch ở Hà Nam đã dùng một chiếc loa lớn mắng những người dân “không nghe lời” rằng:

“Có những người mặt dày không biết xấu hổ”, ông ta cảnh báo, “Nếu ngày mai ra đường mà còn thấy các người tụm năm tụm ba thì tôi sẽ không khách khí đâu!”.

Hiện tại, thành phố An Dương là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh của tỉnh Hà Nam.

So với các cán bộ thôn ở Hà Nam, thì các quan chức ở phía đông bắc Trung Quốc dường như còn giống “thổ phỉ” hơn.

Theo đoạn video được cư dân mạng đăng tải, trong thời gian dịch bệnh, một bí thư thôn ở Liêu Ninh đã cảnh báo những người dân địa phương “không nghe lời” qua chiếc loa lớn rằng: “Cán bộ thôn hãy mang theo cán rìu và bố trí tình nguyện viên ở mỗi ngã tư, ai ra ngoài đánh chết người đó”.

Hiện tại, biến chủng Omicron ở Thiên Tân đã lan sang một số nơi như Liêu Ninh, Hà Nam, v.v.

Gần đây, tỉnh Quảng Đông liên tiếp báo cáo các ca nhiễm mới, và Thâm Quyến hiện là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong tỉnh.

Loa phát thanh tại một điểm xét nghiệm PCR ở khu dân cư Liêu Hà, Hà Nam yêu cầu rằng: “Bắt đầu từ tối nay, các cặp vợ chồng phải ngủ riêng, ăn riêng, không được hôn, không được ôm. Hy vọng mọi người tuân thủ, kiên trì một chút, cảm ơn đã phối hợp”.

Hiện tại, ĐCSTQ đã thúc đẩy “Dự án loa phát thanh nông thôn mới” tại hơn 200 quận, huyện, thành phố trên cả nước như ở các tỉnh Hà Bắc, Hà Nam, Liêu Ninh, Hắc Long Giang, v.v., đồng thời dựng các cột tuyên truyền như “Tiếng nói tốt của Đảng”, nhằm tẩy não người dân thông qua hình thức tinh vi nhưng vô cùng dễ tiếp cận đến tư tưởng, cuộc sống của người dân.

Theo The Epoch Times