Phát hiện dấu niêm phong lâu đời nhất Israel

Các nhà khảo cổ tìm thấy một con dấu và hai dấu niêm phong 7.000 năm tuổi trong quá trình khai quật ngôi làng tiền sử Tel Tsaf ở Israel.

Trong báo cáo trên tạp chí Levant, nhóm nghiên cứu từ Đại học Hebrew (HU) ở Jerusalem cho biết con dấu cổ đại được sử dụng để đóng lên vật liệu mềm như đất sét và sáp để niêm phong một vật thể. Nó cũng được dùng để đóng dấu thư, ngăn người khác đọc nội dung bên trong.

Khám phá ở Tel Tsaf đặc biệt có ý nghĩa vì đây là bằng chứng đầu tiên về việc sử dụng con dấu để niêm phong các lô hàng, hầm chứa hoặc nhà kho. Khi cánh cửa nhà kho bị mở ra, dấu niêm phong của nó sẽ vỡ – một dấu hiệu cho biết ai đó đã đi vào và những thứ bên trong có thể đã bị lấy đi.

“Ngay cả ngày nay, các loại niêm phong tương tự vẫn được sử dụng để ngăn chặn hành vi giả mạo và trộm cắp. Phát hiện này chỉ ra rằng việc đóng dấu đã được sử dụng từ ít nhất 7.000 năm trước bởi các chủ sở hữu đất và quản lý địa phương để bảo vệ tài sản của họ”, Giáo sư Yosef Garfinkel tại HU, tác giả chính của nghiên cứu, nhấn mạnh.

Con dấu và các mảnh vỡ của dấu niêm phong được tìm thấy ở Tel Tsaf. Ảnh: Vladimir Nichen/HU.

Con dấu và các mảnh vỡ của dấu niêm phong được tìm thấy ở Tel Tsaf. Ảnh: Vladimir Nichen/HU.

Các mảnh vỡ bằng đất sét của dấu niêm phong – có chiều rộng chưa đầy 1 cm – được bảo quản trong tình trạng rất tốt do khí hậu khô hạn của thung lũng Beit She’an. Việc tìm thấy hai mẫu tem dấu khác nhau tại cùng một địa điểm tiết lộ rằng có thể đã có hai người khác nhau tham gia vào hoạt động giao dịch.

Dựa trên các phân tích khoa học chi tiết, các nhà nghiên cứu nhận thấy con dấu không có nguồn gốc địa phương mà đến từ một địa điểm cách xa ít nhất 10 km. Các phát hiện khảo cổ khác tại thung lũng Beit She’an còn tiết lộ cư dân Tel Tsaf cổ đại đã tiếp xúc và giao lưu với những người ở phương xa.

“Tại chính địa điểm này, chúng tôi có bằng chứng về sự tiếp xúc với các dân tộc từ Lưỡng Hà, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập và Caucasia. Không có địa điểm tiền sử nào ở Trung Đông cung cấp bằng chứng về việc buôn bán các mặt hàng trên đường dài như những gì chúng tôi tìm thấy tại Tel Tsaf”, Garfinkel nói thêm.

Nhóm nghiên cứu tin rằng khu vực này là nơi sinh sống của tầng lớp giàu có, những người đã xây dựng các cửa hàng nguyên liệu và vật liệu lớn, cho thấy sự phát triển xã hội đáng kể và vị trí quan trọng của Tel Tsaf trong khu vực.

“Chúng tôi hy vọng việc tiếp tục khai quật làng Tel Tsaf và những địa điểm khác trong cùng khoảng thời gian sẽ giúp hiểu rõ hơn về ảnh hưởng của người Tel Tsaf ở khu vực Levant (vùng đất rộng lớn ở phía đông Địa Trung Hải)”, Garfinkel kết luận.

Đoàn Dương (Theo Live Science/EurekAlert)