Phát hiện cua tiền sử với đôi mắt khổng lồ

Một nghiên cứu dựa trên hóa thạch phát hiện ở Colombia cho thấy từng tồn tại loại cua biển với đôi mắt to bất thường giúp chúng trở thành thợ săn đáng sợ.

Trong thế giới động vật hiện đại, cua không được biết đến như một loài với tầm nhìn tốt hay khả năng bơi lội mạnh mẽ. Chúng thường di chuyển dưới đáy biển và ăn các loài động vật nhỏ hơn như rong, tảo, giáp xác hay xác chết.

Nhưng cách đây 95 triệu năm, vào Kỷ Phấn trắng, ở khu vực nay là vùng biển ngoài khơi Colombia, từng tồn tại một loài cua biển với khả năng săn mồi đáng nể. Mặc dù chỉ chỉ có kích thước tí hon (2,5 cm), Callichimaera perplexa nhìn giống một con nhện hơn là cua biển, với các chi bẹt như mái chèo giúp chúng có khả năng bơi nhanh hơn trong môi trường nước.

Đặc biệt, đôi mắt của Callichimaera to bất thường so với kích thước cơ thể của chúng, điều khác biệt hoàn toàn so với các loài động vật giáp xác hiện đại.

loai cua tien su anh 1
Hóa thạch Callichimaera được tìm thấy vào năm 2005 ở Colombia. Ảnh: New York Times.

Trong nghiên cứu được công bố vào tháng trước trên tạp chí iScience, một nhóm các nhà cổ sinh vật học đã nhận định rằng đôi mắt lớn này giúp Callichimaera có thị giác sắc sảo, và giúp chúng hoạt động như một loài động vật săn mồi.

Hóa thạch đầu tiên của loài này được phát hiện vào năm 2005 bởi Javier Luque, một nhà cổ sinh vật học từ Colombia và hiện làm công tác nghiên cứu tại Đại học Harvard. Khi đó còn đang là sinh viên, ông Luque tham gia khai quật tại vùng Boyaca của Colombia, nơi có rất nhiều hóa thạch của động vật cổ đại.

Trong dự án đó, ông Luque và các đồng nghiệp phát hiện tới hơn 100 mẫu hóa thạch của một loài giáp xác nhỏ nhìn giống như cua. Đây là điều hiếm gặp vì rất ít khi bạn phát hiện một loài mới với tận hơn 100 mẫu hóa thạch.

Bảy trong số các mẫu hóa thạch này gần như hoàn toàn nguyên vẹn. Nhưng đó cũng là lúc ông Luque phát hiện ra điều kỳ lạ. Nếu những loài cua ngày nay thường có mắt kép nhỏ, thì mắt của Callichimaera lớn hơn rất nhiều so với kích thước cơ thể.

Cua trải qua nhiều giai đoạn phát triển, bắt đầu vòng đời như một sinh vật thân mềm nhỏ bé giống tôm trước khi biến hình thành loài vật có áo giáp cứng. Trong giai đoạn ấu trùng cuối cùng, có tên khoa học là megalopa, cua non có đôi mắt tương đối to và bơi tự do để săn các con mồi nhỏ hơn.

Khi ông Luque và các đồng nghiệp mô tả hóa thạch của Callichimaera, họ cho ràng đây là có thể là một con cua ở giai đoạn megalopa, và khi trưởng thành nó sẽ lớn hơn nhiều.

“Nếu bạn có đôi mắt lớn như thế này, chắc chắn bạn phải sử dụng nó để làm gì đó, đặc biệt là khi không loài cua nào khác giống như vậy”, bà Kelsey Jenkins, nhà cổ sinh vật học tại Đại học Yale và cũng đồng tác giả nghiên cứu, nhận định.

Hai nhà khoa học kết luận rằng Callichimaera sử dụng đôi mắt tương đương 16% kích thước cơ thể kết hợp với các chi giống mái chèo như là cách để quan sát và săn mồi một cách hiệu quả.

Như vậy, thay vì biến hình sang một trạng thái “hiền lành” hơn như các loài cua hiện đại, Callichimaera khi trưởng thành vẫn giữ hình dạng như khi chúng ở giai đoạn ấu trùng cuối cùng. Và chúng là loài săn mồi chủ động chứ không giống như những loài cua hiện nay.

Theo Zing