Phật Giáo Hòa Hảo ở Little Saigon mong đức Huỳnh Giáo Chủ ‘trở về’

Lễ kỷ niệm lần thứ 75 Ngày đức Huỳnh Giáo Chủ vắng mặt

 “Các tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo đến đây hôm nay với niềm thương mến Đức Thầy, và mong ngài sớm trở về với các tín đồ. Vì Đức Thầy là một vị Phật, thành ra, ngài vắng mặt cũng là do sứ mệnh, và khi ngài trở lại, thì cũng là sứ mệnh của ngài. Vì vậy, tất cả tín đồ rất tin tưởng và lo tu hành để theo đúng giáo lý của ngài đã chỉ dạy.”

Đạo hữu Nguyễn Huỳnh Mai, thành viên trong ban tổ chức lễ kỷ niệm ngày đức Huỳnh Giáo Chủ Vắng Mặt lần thứ 75, chia sẻ như vậy với phóng viên nhật báo Người Việt.

Lễ kỷ niệm do Ban Trị Sự Phật Giáo Hòa Hảo Miền Nam California tổ chức long trọng vào sáng Chủ Nhật, 27 Tháng Ba, tại Hội Quán Phật Giáo Hòa Hảo, Santa Ana, với đông đảo quan khách, tín đồ và đồng hương tham dự.

Theo ban tổ chức, trong tinh thần thương thầy mến đạo, cùng hòa mình với tất cả tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo trên thế giới, Ban Trị Sự Miền Nam California thành kính tổ chức đại lễ này để tưởng nhớ đến công đức vô lượng của Đức Thầy đã dày công khai sáng nền đạo Phật Giáo Hòa Hảo, hoằng hóa chúng sanh vào ngày 18/5, năm Kỷ Mão (1939), tại làng Hòa Hảo, quận Tân Châu, Châu Đốc.

Vì thế hằng năm, cứ đến ngày 25/2 Âm Lịch, từ trong quốc nội cho đến hải ngoại, bất cứ nơi nào có nhiều tín đồ PGHH cư ngụ thì đều có tổ chức lễ kỷ niệm Ngày đức Huỳnh Giáo Chủ Vắng Mặt.

Trong diễn văn khai mạc, đạo hữu Nguyễn Thành, trưởng ban tổ chức, kể lại nguyên do sự vắng mặt của đức yhầy: “Kể từ ngày khai sáng nền đạo Phật Giáo Hòa Hảo, với thuyết Học Phật Tu Nhân, hành xử Tứ Đại Trọng Ân, rất phù hợp với đồng bào Nam Bộ, nên số tín đồ quy ngưỡng theo đạo lên đến gần 2 triệu người. Thấy sự ảnh hưởng quá lớn mạnh của Đức Huỳnh Giáo Chủ với quần chúng, và nhất là sau ngày thành lập tổ chức Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng, để cùng toàn dân kháng chiến chống Pháp trở lại lần hai, Việt Minh sanh tâm lo sợ nên đã âm mưu ám hại ngài. Chúng đã tạo ra biến cố vào ngày 8/9, 1945, tại Cần Thơ để sát hại hàng trăm tín đồ PGHH; tại Sài Gòn đêm 9/9, 1945, để bắt cóc Đức Huỳnh Giáo Chủ, nhưng không thành.”

Trần Văn Giàu ra lệnh bí mật sát hại các đồng đạo

Cũng theo ông Thành, tổ chức Quốc Gia Tự Vệ của Việt Minh, do ông Trần Văn Giàu đứng đầu ra lệnh bí mật sát hại các đồng đạo có uy tín đã xảy ra cuộc xô xát giữa Việt Minh và Dân Xã ở các tỉnh miền Tây. Việt Minh Cộng Sản quyết tâm thực hiện quỷ kế ám hại Đức Huỳnh Giáo Chủ. Ông Trần Văn Nguyên, thanh tra chính trị miền Tây Nam Bộ, và ông Bửu Vinh, chi đội trưởng Vệ Quốc Quân kiêm ủy viên quân sự tỉnh Long Xuyên, mời Đức Thầy họp tại Đốc Vàng Hạ, xã Tân Phú, để định liệu kế hoạch hòa giải sự xô xát giữa Việt Minh và Hòa Hảo Dân Xã đang xảy ra ở các vùng lân cận.

“Bọn chúng hẹn đức thầy tại văn phòng Bửu Vinh (nhà ông Mười Đủ) để cùng đi hòa giải ở Lấp Vò. Thừa lúc tối trời, chúng ra tay sát hại ba người cận vệ của Đức Thầy, còn người thứ tư là ông Mười Tỷ vượt thoát được về báo tin cho các chi đội đang đóng quân tại Phú Thành. Sau đó, hai đồng đạo phi ngựa đến nơi đóng quân khác để trao lại bức thư tay do chính tay Đức Thầy viết và ký tên, nội dung thư là yêu cầu tất cả án binh bất động chờ lệnh Đức Thầy. Kể từ đêm 16 Tháng Tư, 1947, Đức Thầy đã vắng mặt để lại biết bao nhiêu thương nhớ, đau xót trong lòng hàng triệu con tim tín đồ,” ông Thành kể tiếp.

Nghi thức tôn giáo được long trọng diễn ra với các vị trưởng lão trước chánh điện và bàn thờ lộ thiên.

Bài thơ “Từ Giã Bổn Đạo Khắp Nơi” của đức Huỳnh Giáo Chủ qua giọng diễn ngâm của hai đồng đạo Phan Lâm và Mỹ Hạnh đã làm cho nhiều người xúc động.

Sau đó, đồng đạo Ngô Văn Ẩn kể lại lược sử của Đức Huỳnh Giáo Chủ trên đường hành đạo, và vì ngài muốn đánh đuổi giặc ngoại xâm nên bị những người Việt gian đã ám hại ngài.

Bà góa phụ Phan Thanh Nhản, cư dân Westminster, kể chồng của bà đã theo bảo vệ đức thầy từ lúc ngài khai sáng nền đạo Phật Giáo Hòa Hảo. Vì thế, gia đình của bà là tín đồ trên 70 năm qua. “Đức Huỳnh Giáo Chủ với tấm lòng từ bi bác ái, vị tha của đấng giáo chủ một tôn giáo, với tinh thần muốn bảo vệ sự đoàn kết dân tộc của một nhà cách mạng, để giải phóng dân tộc ra khỏi ách thống trị của thực dân Pháp. Thế nên theo tôi, đức thầy là một vị Phật xuống thế gian để khai đạo cứu thế,” bà chia sẻ.

(Theo Người Việt)