Pháp phong tỏa chống Covid-19 : Black Friday và trang thương mại điện tử Amazon bị tẩy chay mạnh

Những ngày vừa qua, trong bối cảnh mùa lễ cuối năm đang về, lệnh phong tỏa chống dịch Covid-19 đẩy nhiều tiểu thương Pháp đến nguy cơ phá sản, đóng cửa vĩnh viễn, ngày đại hạ giá Black Friday và trang thương mại điện tử Amazon của Mỹ là một chủ đề được truyền thông Pháp nói tới rất nhiều. Thủ tướng Pháp, nhiều bộ trưởng, quan chức chính phủ, cũng như dân biểu, nghị sĩ, các hội đoàn thương mại … đều có những phát biểu liên quan đến Black Friday và Amazon.

Black Friday là gì ?

Black Friday là ngày hội giảm giá, thường rơi vào ngày thứ Sáu cuối cùng của tháng 11 hàng năm. Ra đời tại Mỹ trong những năm 1960, Black Friday phát triển mạnh vào cuối những năm 1990, lan tỏa ra nhiều nơi trên khắp nước Mỹ, rồi sang Canada, Mêhicô và gần đây mới du nhập vào châu Âu, vào đầu những năm 2010, chủ yếu qua các tập đoàn thương mại điện tử nổi tiếng của Mỹ, nhất là Amazon. Khác với ở Mỹ, khi du nhập vào châu Âu, Black Friday chủ yếu phát triển qua kênh thương mại điện tử.

Vào năm 2019, Black Friday tại Pháp ghi nhận con số kỷ lục 56 triệu lượt mua sắm thanh toán bằng thẻ ngân hàng, tăng 5 triệu so với Black Friday năm 2018, trong khi dân số Pháp là khoảng 67 triệu người. Le Monde ngày 17/11/2020 trích dẫn ông Jacky Rihouet, chủ tịch Intersport, một trong những mạng lưới phân phối sản phẩm thể thao hàng đầu tại Pháp, theo đó năm ngoái tính trên toàn quốc, ở cả cửa hàng và trên mạng, doanh thu chương trình Black Friday lên tới hơn 6 tỉ euro.

Năm nay, tại Pháp, theo dự kiến, Black Friday không chỉ diễn ra trong ngày 27/11 mà kéo dài thành cả tuần Black Week, kể từ ngày 20/11, thậm chí vắt sang đến tận ngày 30/11 – Cyber Monday (Thứ Hai Điện Tử, tức chỉ giảm giá khi mua sắm trên mạng internet). Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 kéo theo lệnh phong tỏa, Black Friday và đặc biệt trang thương mại điện tử Amazon bị đả kích nặng nề chưa từng có tại Pháp.

Cuối cùng, trong cuộc họp với bộ trưởng Kinh Tế Pháp Bruno Le Maire hôm 20/11, Amazon chi nhánh Pháp cùng một số trang thuơng mại điện tử, chuỗi siêu thị lớn khác tuyên bố lùi Black Friday từ ngày 27/11 đến ngày 04/12, nhằm bảo đảm cạnh tranh bình đẳng và tránh tình trạng các cửa hàng, cửa hiệu quá đông người trong những ngày đầu tiên vừa mở cửa trở lại (28/11), trong bối cảnh dịch bệnh.

Tại sao Amazon lại đặc biệt bị chính giới Pháp nhắm tới nhân dịp Black Friday ?

Thực ra, chiến dịch đại hạ giá Black Friday không phải là của riêng trang thương mại điện tử Mỹ Amazon mà liên quan đến mọi trang thương mại điện tử khác của Pháp như Cdiscount, La Fnac, Darty, Boulanger, La Redoute …, các chuỗi siêu thị lớn của Pháp như Carrefour, Leclerc, Auchan, Monoprix, các nhà phân phối lớn của Pháp trong nhiều lĩnh vực như Sephora, Nocibé, Marionnaud (về mỹ phẩm), Micromania (về trò chơi điện tử), cũng như nhiều nhà sản xuất như Dyson, Samsung, Sony, Hoa Vi …

Chủ tịch của nhiều liên đoàn thương mại của Pháp (đại diện của nhiều ngàn doanh nghiệp và thương hiệu trên toàn nước Pháp) đã ký tên trên diễn đàn của tuần báo Chủ Nhật (JDD) để phản đối ngày hội giảm giá Black Friday, kêu gọi thay thế Black Friday bằng Local Friday để ủng hộ giới tiểu thương ở các địa phương, thúc đẩy người Pháp tiêu dùng hàng nội địa “made in France” và nhất là sản phẩm trong vùng. Thậm chí, nhiều chính trị gia, dân biểu, giới tiểu thương còn kêu gọi chính phủ vận dụng các bộ luật có sẵn, hay tạo ra đạo luật mới để cấm, hủy ngày đại hạ giá Black Friday tại Pháp, nhưng bộ trưởng Le Maire đã khẳng định không đủ công cụ pháp lý để làm điều đó.

Có thể nói, Black Friday hiện giờ là sân chơi lớn cho tất cả, thế nhưng không thể phủ nhận Amazon đang chiếm thế thượng phong, là một trong những cái tên nổi bật nhất, là “nhà vô địch” của Black Friday. Khủng hoảng Covid-19, với hai đợt phong tỏa kéo dài, cho dù đẩy giới tiểu thương Pháp vào cảnh điêu đứng, nhưng lại mang lại “cơ hội vàng” cho trang thương mại điện tử Amazon. Chi nhánh Pháp của tập đoàn này ghi nhận hoạt động đạt mức tăng trưởng 30 – 50%. Chính thành công ngoạn mục của Amazon trong bối cảnh nước Pháp đang vật lộn đối phó với Covid-19 như “giọt nước làm tràn ly”, khiến trang thương mại điện tử hàng đầu thế giới hứng chịu “mũi dùi”, không chỉ từ giới tiểu thương Pháp mà cả chính giới và nhiều thành viên trong chính phủ.

Cũng phải nói thêm là ngay từ đợt dịch Covid-19 đầu tiên hồi mùa xuân, Amazon đã làm dấy lên làn sóng giận dữ trong công luận Pháp, chủ yếu là về các giá trị đạo đức, xã hội. Amazon Pháp nhiều lần bị tố cáo để người lao động làm việc trong điều kiện không bảo đảm vệ sinh dịch tễ, thiếu phương tiện bảo vệ, thậm chí không đóng cửa các trung tâm xử lý phân phối hàng cho dù có nhiều ca nhiễm Covid. Trước đó, chi nhánh này thường xuyên bị tố cáo về điều kiện lao động khắc nghiệt, phi nhân tính, với chế độ lương bất công, rô-bốt hóa các trung tâm xử lý hàng hóa và sa thải hàng loạt nhân viên …

Amazon còn bị tố cáo lợi dụng Covid-19 để trục lợi, làm giàu trên đất Pháp nhưng lách luật để không đóng góp nhiều cho kinh tế Pháp như các trang thương mại điện tử của Pháp, chẳng hạn Cdiscount. Đối với một phần công luận Pháp, Amazon gắn với thói cơ hội, ích kỷ, sự bất công, phương thức kinh doanh không trung thực, thiếu đạo đức …

Trang thương mại điện tử Amazon bị gây sức ép thế nào tại Pháp trong đợt phong tỏa chống dịch Covid-19 lần 2 ?

Sau khi tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông báo tái phong tỏa đất nước, buộc các cửa hàng bán các loại mặt hàng không thiết yếu phải đóng cửa, buộc các siêu thị đóng cửa các quầy hàng bán sản phẩm không thiết yếu, chính quyền Pháp bị chỉ trích là đã tiếp tay cho các đại gia thương mại điện tử. Hiệp hội công dân Attac của Pháp còn tố cáo ông Emmanuel Macron, trong 6 năm trên cương vị bộ trưởng Kinh Tế và tổng thống Pháp, đã góp phần vào sự bành trướng của Amazon tại Pháp.

Thủ tướng Pháp Jean Castex kêu gọi người tiêu dùng trong nước trì hoãn mua sắm thay vì đặt hàng trên trang thương mại điện tử của nước ngoài. Trong bối cảnh công luận phản đối mạnh mẽ việc đóng cửa các hiệu sách, chế phẩm văn hóa, bộ trưởng Văn Hóa Pháp, Roselyne Bachelot, kêu gọi người dân không mua sách truyện trên các trang thương mại điện tử, thậm chí bà còn chỉ đích danh Amazon là đã hưởng lợi nhiều từ nước Pháp và kêu gọi người tiêu dùng Pháp ngưng “vỗ béo” cho tập đoàn Mỹ.

Trong khi đó, theo ý tưởng của dân biểu Matthieu Orphelin, với sự ủng hộ của nhiều tổ chức phi chính phủ và dân biểu Pháp, một đơn kiến nghị phản đối Amazon với khẩu hiệu “Giáng Sinh không Amazon” đã được tung lên mạng ngày 17/11. Chỉ trong vòng 2 ngày đầu, đơn kiến nghị đã thu được chữ ký của 25.000 ngàn người. Thị trưởng thành phố Grenoble, Eric Piolle, cũng đích thân kêu gọi dân chúng tẩy chay Amazon trong mùa lễ Giáng Sinh, bởi theo ông, trang thương mại điện tử này đã cướp đi việc làm của nhiều người Pháp.

Trên các mạng xã hội, tràn ngập khẩu hiệu “Tôi mua hàng trong vùng của tôi, chứ không mua trên Amazon”. Không chỉ có những lời kêu gọi bài xích, tẩy chay, trên mạng còn có plug-in (phần bổ trợ trên trình duyệt) giúp người tiêu dùng có thể tìm một cuốn sách trên Amazon nhưng mua của một hiệu sách hay hướng người tiêu dùng đến những trang mua sắm khác bán cùng sản phẩm như Amazon nhưng với giá phải chăng hơn.

Liệu có quá vô lý khi nước Pháp “đổ hết tội” cho Amazon ?

Từ khi du nhập vào Pháp năm 2013, Amazon vẫn thường bị chỉ trích là gây hại cho giới kinh doanh truyền thống, nhỏ lẻ. Nhưng chiến dịch tẩy chay Amazon lần này thì có quy mô lớn chưa từng có. Cũng có nhiều ý kiến cho rằng coi Amazon là vật tế thần là phi lý và Amazon đang bị nước Pháp trút giận quá đà. Cédric O, quốc vụ khanh chuyên trách chuyển đổi kỹ thuật số, thuộc bộ Kinh Tế, ví chiến dịch bài Amazon của người Pháp với chứng loạn tâm thần và cho rằng phong trào tẩy chay không mang lại nhiều ý nghĩa, bởi Amazon chỉ chiếm có 20% thị phần thương mại điện tử tại Pháp, thấp nhất trong Liên Hiệp Châu Âu.

Ông Cédric O cũng nhấn mạnh đến thiện chí của Amazon chi nhánh Pháp khi trang thương mại điện tử này đã ngưng chương trình quảng cáo Black Friday sau khi có thông báo tái phong tỏa đất nước. Không chỉ vậy, trang thương mại điện tử Amazon còn lập thêm mục “Chúng ta hãy ủng hộ các doanh nghiệp Pháp” và các mục chuyên về sản phẩm của Pháp như “đồ chơi của Pháp”, “các công ty khởi nghiệp của Pháp”, “công ty vừa và nhỏ của Pháp” …

Christian Poiret, thị trưởng Lauwin-Planque, vùng Nord-Pas-de-Calais, thì nhấn mạnh nên ngưng việc đặt thương mại truyền thống và thương mại điện tử vào thế đối đầu, bởi hai phương thức này hoàn toàn có thể đồng hành, các cơ sở kinh doanh buôn bán nhỏ lẻ hoàn toàn có thể kết nối với thương mại điện tử. Hiện giờ, mới chỉ có khoảng 1/3 tiểu thương Pháp có trang web bán hàng trên mạng, trong khi tỉ lệ này ở Đức là 2/3.

(Tổng hợp từ L’Opinion, Business Insider France, Actu Economie, France Info, The Conversation, RTL)

Theo RFI