Pháp duy trì lễ pháo hoa mừng Quốc Khánh 14/07 tại Tháp Eiffel

Bắn pháo hoa là một sinh hoạt truyền thống nhân Lễ Quốc khánh Pháp. Hầu hết các thành phố ở Pháp nhân ngày 14/07 hàng năm đều tổ chức sự kiện này. Nếu thực sự có một tiết mục không thể bỏ qua, chính là lễ bắn pháo hoa tại Tháp Eiffel. Theo thông cáo hôm qua của Tòa đô chính, năm nay Paris duy trì cùng lúc buổi hòa nhạc cổ điển cũng như lễ bắn pháo hoa ngay tại chân Tháp Eiffel.

Hàng năm, cả hai sự kiện này thu hút hơn nửa triệu người xem tại chỗ cũng như hàng triệu lượt khán giả truyền hình do buổi lễ được phát sóng trực tiếp. Thông thường, khán giả chủ yếu tụ họp trên quảng trường Champ de Mars hay là đứng từ quảng trường ở phía đối diện Trocadéro để có độ nhìn toàn cảnh của Tháp Eiffel, rực rỡ muôn màu lung linh sắc pháo.

Tuy nhiên, do các quy tắc an toàn liên quan đến việc phòng chống dịch Covid-19, cả hai sự kiện này được tổ chức với một số điều kiện ràng buộc. Do lệnh cấm tập hợp đông đảo ở những nơi công cộng vẫn còn có hiệu lực, cho nên mọi thành phần khán giả sẽ không được quyền đến gần khu vực Tháp Eiffel. Cả hai sự kiện sân khấu biểu diễn nhạc cổ điển tại quảng trường Champ de Mars cũng như màn bắn pháo hoa ngay bên chân Tháp Eiffel, chỉ có thể được theo dõi từ xa, xem trên đài truyền hình hay là qua mạng Internet. 

Trong bản thông cáo công bố hôm 08/07 vừa qua, Tòa đô chính Paris cho biết là hầu hết các khu vực xung quanh Tháp Eiffel đều cấm người qua lại. Biện pháp triệt để này là nhằm tránh để cho tái diễn các cuộc tập hợp đông đảo như vào Ngày hội Âm nhạc (La Fête de la Musique) 21/06 vừa qua, vào lúc giới chuyên gia y tế vẫn luôn cảnh báo về nguy cơ của một làn sóng lây nhiễm thứ nhì ở Pháp vào cuối mùa hè năm 2020.

Một cách cụ thể hơn, Sở Cảnh sát Paris đã ra lệnh hạn chế giao thông trong các khu vực xung quanh Tháp Eiffel vào hôm 14/07 ngay từ lúc 11 giờ sáng. Kể từ 4 giờ chiều trở đi, quảng trường Trocadéro và các đại lộ xung quanh cầu Iéna sẽ dần dần bị phong tỏa, do đó là những nơi đám đông thường tập hợp lại để xem bắn pháo hoa. Vào 7 giờ tối, toàn bộ khu vực, đi từ cầu Grenelle cho đến cầu Alma, tức là trên khoảng 2 cây số rưỡi cũng hoàn toàn cấm dân chúng qua lại. Chỉ có các cư dân địa phương, giới nhân viên các hàng quán, khách sạn hay làm việc cho các du thuyền dọc hai bờ sông Seine, có thể vào bên trong các khu vực bị phong tỏa này, nhưng họ phải chứng minh địa chỉ cư trú hay là trình giấy phép của các công ty có cơ sở hoạt động tại chỗ.

Một khi toàn bộ khu vực xung quanh chân Tháp Eiffel vắng hẳn bóng người qua lại, buổi hòa nhạc cổ điển trên quảng trường Champ de Mars sẽ mở màn vào lúc 9 giờ tối dưới sự điều khiển của nhạc trưởng Kim Eun Sun. Nhạc trưởng Hàn Quốc từng nổi danh nhờ chỉ huy dàn nhạc giao hưởng Frankfurt, dàn nhạc của nhà hát lớn Houston và cũng là phụ nữ đầu tiên được bổ nhiệm làm giám đốc âm nhạc của nhà hát opera thành phố San Francisco.

Được mời sang Paris lần này, cô Kim Eun Sun sẽ điều khiển 65 nghệ sĩ thuộc Dàn nhạc giao hưởng Quốc gia Pháp, cùng với dàn hợp xướng của Đài phát thanh Pháp Radio France. Buổi trình diễn này còn có nhiều vị khách mời nổi tiếng, họ đều là những nghệ sĩ chuyên nghiệp của làng kịch opera, trong đó có hai giọng ca soprano Sonya Yoncheva và Fatma Said. Còn về phía nam, có giọng ca baryton Ludovic Tézier và danh ca tenor Benjamin Bernheim. 

Được tổ chức 8 năm liên tiếp nhờ vào sự hợp tác của Tòa Đô chính Paris với nhiều cơ quan văn hóa Pháp, Buổi hòa nhạc cổ điển nhân Lễ Quốc Khánh sẽ được phát sóng trực tiếp trên đài phát thanh France Inter cũng như trên đài truyền hình France 2. Trong năm 2019, buổi hòa nhạc cổ điển này đã lập kỷ lục với hơn 3 triệu người xem chỉ riêng tại Pháp. Bên cạnh đó, hơn 10 quốc gia châu Âu cũng đã mua lại quyền phát sóng sự kiện và cho dù buổi trình diễn năm nay không có khán giả tại chỗ, nhưng lại có khả năng thu bút cả trăm triệu khán giả truyền hình, do được phát sóng cùng lúc tại nhiều quốc gia trên mạng truyền hình châu Âu EBU-Eurovision.

Về phía Hội đồng thành phố Paris, việc duy trì buổi hòa nhạc cũng như lễ bắn pháo hoa nằm trong kế hoạch nối lại từng bước với các sinh hoạt văn hóa trong thời hậu phong tỏa. Quyết định này cũng mang thêm một ý nghĩa kinh tế. Đa số các công ty chuyên sản xuất pháo hoa và tổ chức các ‘‘sự kiện’’ nhân dịp các buổi lễ lớn, đều làm việc với các cơ quan hàng đầu như Sở Du lịch Paris hay là ban quản lý lâu đài Versailles. Phần lớn thu nhập của các công ty phụ thuộc khá nhiều vào các hợp đồng quan trọng này. Duy trì lễ bắn pháo hoa năm nay cũng là một cách để củng cố quan hệ đối tác kinh doanh cho nhiều năm tới.

Theo RFI