Phạm Xuân Thăng bị bắt vì dính vụ Việt Á

Phạm Xuân Thăng
Nghe đọc bài

Phạm Xuân Thăng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, bị bắt với cáo buộc chỉ đạo làm trái quy định đấu thầu trong vụ án liên quan Công ty Việt Á.

Ông Thăng bị cơ quan điều tra cáo buộc chỉ đạo làm trái trong đấu thầu để Công ty Việt Á “thu lợi bất chính số tiền lớn, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho tài sản Nhà nước”.

Ông Thăng bị quy chụp vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy chế làm việc, quy định về những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương.

Luật sư Đặng Đình Mạnh bình luận: “Tin cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng vừa bị bắt đã nối dài thêm danh sách quan chức trong chính quyền lẫn trong CDC cả nước bị tống giam vì liên quan đến vụ tai tiếng Việt Á.

Đến mức, trong hệ thống CDC, công chúng không hỏi quan chức nào đã bị bắt, mà họ phải hỏi quan chức nào chưa bị bắt thì có lẽ câu trả lời sẽ nhanh hơn. Chưa hết, trước đó, ông cựu bộ trưởng y tế và ông cựu chủ tịch thủ đô bị tước đảng tịch, bãi nhiệm tư cách đại biểu quốc hội, cách chức và tống giam đều là hệ quả từ cuộc điều tra vụ đại án Việt Á.

Đương nhiên, Bộ Y Tế, Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường nơi làm việc của ông cựu bộ trưởng y tế và ông cựu chủ tịch thủ đô, các CDC và hầu hết tất cả cơ quan công quyền trong cả nước đều có thành lập đầy đủ các thiết chế gồm thanh tra nhà nước từ hệ thống chính quyền và ủy ban kiểm tra từ hệ thống đảng. Nhưng phát hiện ra tội phạm của họ lại không từ các thiết chế thanh tra, kiểm tra mà là từ kết quả điều tra của cơ quan điều tra hình sự thuộc công an.

Trong trường hợp này, câu hỏi cần đặt ra rằng: Các thiết chế thanh tra, kiểm tra đã ở đâu? Đã làm gì? khi xảy ra sự việc vi phạm pháp luật trong cơ quan mà mình có trách nhiệm và thẩm quyền thanh tra, kiểm tra? Đã tê liệt ư?

Việc tham nhũng trải qua nhiều giai đoạn và đa phần trường hợp, cơ quan công an chỉ có thể hiện diện ở giai đoạn cuối khi hành vi tham nhũng đã hoàn thành. Ở các giai đoạn chuẩn bị phạm tội hoặc đang phạm tội, thì lẽ ra các thiết chế thanh tra, kiểm tra sẽ có tác dụng như những “cái phanh hãm” việc tham nhũng, nhưng hầu như chúng đều vô tác dụng.

Nhìn ra thế giới bên ngoài, họ đã làm gì để hạn chế tham nhũng, điều đang trở thành quốc nạn ở nước ta ? Câu trả lời thật ra không quá khó : Phân chia quyền lực, đối trọng quyền lực, giám sát quyền lực và cạnh tranh quyền lực… đều chính là “cái lồng nhốt quyền lực” mà người đứng đầu đảng tìm kiếm khi nhận ra quyền lực tha hóa đến mức nào khi thiếu sự kiểm soát, kiềm chế.

Rõ là không quá khó khăn tìm giải pháp khắc phục, nhưng vẫn quá khó khăn để giải pháp trở thành chính sách mà vận dụng nếu chưa xác định đúng quan điểm về quản trị quốc gia.

Nếu không, cuộc chiến “đốt lò” sẽ còn tiếp diễn mãi không dứt, xứ sở vẫn bị nạn tham nhũng tàn phá cho tan hoang. Vì lẽ, “đốt lò”, cách ấy chỉ chữa trị triệu chứng đằng ngọn, chúng chưa chạm được phần gốc phát sinh căn bệnh. Các phương cách “hãm phanh” bằng thanh tra, kiểm tra đã kém phát huy chức năng của mình.”