Phạm Sanh Châu – khi ‘chiếc mặt nạ’ đã rơi

Trước khi bị dính vụ "bay giải cứu", Phạm Sanh Châu thường được báo đảng ca ngợi là 'đại sứ hết lòng vì sự nghiệp ngoại giao"
Nghe đọc bài

Nhà quan sát bình luận, chiếc mặt nạ nấp sau bóng hoa kim tước của đại sứ Phạm Sanh Châu sau cùng cũng đã rơi, để lộ chân dung thật của một “nhà chính trị, nhà giáo dục và một nhà ngoại giao nổi tiếng người Việt Nam”.

Cuốn sách “Chiến Dịch Hoa Kim Tước” do tác giả, đại sứ Phạm Sanh Châu viết để ca ngợi công việc “giải cứu” công dân Việt Nam bị mắc kẹt ở Ấn Độ do đại dịch cúm Tàu, theo chủ trương của Nhà nước Việt Nam. Đây là trách nhiệm công vụ, mà ông đại sứ và nhân viên Sứ quán Việt Nam ở Ấn Độ phải thực thi, nhưng ông ta lại viết sách ca ngợi cái việc mình phải thực thi vì trách nhiệm công vụ đó.

Mà nếu ông ta làm tốt, vô tư, khách quan thì không sao. Đằng này ông ta và đội ngũ dưới quyền đã thực thi một cách khuất tất, tiêu cực đến mức bị kỷ luật. Thế mà ông ta lại cả gan viết sách để tự ca ngợi mình và team của mình, thì đúng là không ra gì.

Đáng buồn hơn, khi sự việc bung bét, thì Phạm Sanh Châu đóng luôn tài khoản FB cá nhân, nên cộng đồng không còn đọc được “những status có cánh” mà ông ta đăng tải liên tục trong thời gian “giải cứu” năm ngoái.

Xem ra thì ông ấy “chịu nóng” kém quá.

May be an image of 1 person and text that says "CHIẾN DỊCH HOA還 KIM TƯƠC Hàng trăm công dân Việt Nam mắc kẹt Ấn Độ Covid-19 Một chiến dịch giải cứu xuất sắc đưa họ rởvề quê hương. PHẠM SANH CHÂU"
Phạm Sanh Châu viết sách tự ca ngợi công lao của mình

 

Tôi biết ông Phạm Sanh Châu từ năm 1994 – 1995, khi ông là người phiên dịch của Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, hay vào Huế dự các hội thảo, hội nghị do UNESCO và Nhóm công tác Huế – UNESCO tổ chức tại Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế. Hồi đó, tôi, Nguyễn Văn Huệ, Nguyễn Văn Phúc… vừa là những “đầu mối” của phía Huế, vừa là những “đầu sai” trong các hội thảo này, lo việc chuẩn bị tài liệu, văn bản, hỗ trợ dịch thuật tại các hội thảo, hội nghị trên. Chúng tôi nhìn Phạm Sanh Châu với ánh mắt ngưỡng mộ.

Sau đó, tôi có đọc một bài báo viết về Phạm Sanh Châu in trên báo Tuổi Trẻ số Tết một năm nào đó, có trích lời của Thủ tướng Singapore Go Chok Tong nhận xét về ông ta, với tư cách là người phiên dịch của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, trong một chuyến thăm Singapore trước đó. Ông Go Chok Tong hết lời khen ngợi Phạm Sanh Châu, coi ông ta là “tương lai của nước Việt”.

Sau này, tôi thấy ông thăng tiến vù vù: Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam về các vấn đề UNESCO, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam, đại sứ Việt Nam tại UNESCO, rồi là ứng viên tranh chức Tổng Thư ký UNESCO, trước khi trở thành đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ấn Độ, Nepal và Bhutan thì càng thêm cảm phục.

Tuy nhiên, khi theo dõi Phạm Sanh Châu trình bày “chương trình hành động” của mình tại “vòng sát hạch” sau cùng để bầu chọn Tổng Thư ký của UNESCO, thấy ông ta quảng cáo cho nhãn hàng nước giải khát của Dr. Thanh một cách lộ liễu, thì tôi đã “ngưng” sự mến mộ của mình đối với ông ta.

Trong đợt dịch cúm Tàu hoành hành tại Ấn Độ, tôi hay theo dõi những status của Phạm Sanh Châu viết về những khó khăn, mất mát của người Việt, trong đó có nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ. Cứ nghĩ là một người nổi tiếng như ông ta, chắc cũng không đến nỗi phải làm những việc trí trá, tiêu cực như ở nhiều sứ quán khác mà trang “Tôi và Sứ quán” từng ta thán.

Ai dè, chiếc mặt nạ nấp sau bóng hoa kim tước, sau cùng cũng đã rơi, để lộ chân dung thật của một “nhà chính trị, nhà giáo dục và một nhà ngoại giao nổi tiếng người Việt Nam” (từ của Wikipedia).

Thất vọng thay!

Trần Đức Anh Sơn