Phác thảo học thuyết Biden

Trong những tháng đầu nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ Joe Biden, diễn ra một loạt sự kiện, hoạt động quan trọng. Gần đây là quyết định rút quân khỏi Afghanistan. Phải chăng nước Mỹ đang định hình một học thuyết mới?

Nghe đọc bài

Căn nguyên thay đổi

Thông điệp Liên bang ngày 4/2/2021 của Tổng thống Joe Biden khái quát phương châm trong giai đoạn mới là: “Nước Mỹ đã sẵn sàng trở lại, sẵn sàng dẫn dắt trật tự thế giới”. Muốn vậy, Mỹ phải thay đổi tư duy, chính sách, chiến lược và hành động.

Sự thay đổi là không tránh khỏi, như Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken từng nói, “chúng ta đang ở thời điểm khác, do đó chúng ta cần chiến lược và cách tiếp cận khác”.

Cái khác trước hết là Mỹ đối mặt với các thách thức ngày càng tăng, từ nhiều nước như Nga, Trung Quốc, Iran, Triều Tiên…; đồng thời phải giải quyết các cuộc khủng hoảng nghiêm trọng ở nhiều địa bàn chiến lược.

Trước đây, một số nước lớn lao đao vì hậu quả chiến tranh. Nay đến lượt Mỹ sa vào các “vũng lầy” ở Vùng Vịnh, Trung Đông và Afghanistan. Đồng minh có phần suy giảm lòng tin, tỏ ra độc lập hơn với Mỹ, muốn tìm kiếm các quan hệ lợi ích khác.

Trong bối cảnh đó, Mỹ ngày càng thấm nhận xét của cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton từ năm 2010: “Thế giới không thể thiếu Mỹ trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế. Ngược lại, Mỹ không thể tự mình giải quyết các vấn đề quốc tế mà không có thế giới”.

Từng ấy nhân tố là điều kiện cần và đủ cho sự thay đổi. Quan trọng là thay đổi thế nào.

Những dịch chuyển quan trọng

Tổng thống Joe Biden bắt đầu từ nhân sự, “nền tảng của mọi thay đổi”. Sở trường, quan điểm, thành công của các gương mặt chủ chốt trong nội các sẽ là những gam màu mới trong “bức tranh” chính sách mới.

Một loạt quyết định đảo ngược các sáng kiến theo tư tưởng “Nước Mỹ trên hết” thời cựu Tổng thống Donal Trump. Tiếp theo là những hoạt động ngoại giao con thoi, gặp gỡ, hội đàm với đồng minh, đối tác và cả đối thủ.

Tổng thống Joe Biden từng bước đưa Mỹ trở lại, hàn gắn quan hệ với các tổ chức quốc tế như WHO, WTO, Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP-21), thúc đẩy mô hình ngoại giao vaccine với đồng minh, đối tác…

Mỹ ưu tiên thúc đẩy hợp tác, cải thiện quan hệ với đồng minh, đối tác, coi đoàn kết NATO là trung tâm chính sách ngoại giao xuyên Đại Tây Dương; tăng cường phối hợp hành động với các thành viên Bộ tứ (Quad), các đối tác chủ chốt ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Để lôi kéo các nước, Mỹ từ bỏ yêu cầu chia sẻ chi phí quân sự (duy trì mức tiêu chuẩn 2% chi tiêu quốc phòng/GDP), hạn chế lệnh trừng phạt kinh tế với đồng minh, đối tác.

Mỹ thúc đẩy quan hệ với các đối tác vừa, nhỏ, có vị trí địa chiến lược quan trọng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, châu Á (có thể nhượng bộ khi cần); đồng thời, giảm can dự quân sự trực tiếp ở một số nước Trung Đông – Bắc Phi.

Vấn đề Mỹ đặc biệt quan tâm là đối sách với Nga, Trung Quốc. Mỹ xác định Nga là đối thủ chiến lược, cùng đồng minh EU thiết lập vòng vây kinh tế, chiến lược, gia tăng hiện diện quân sự ở Bắc cực. Sử dụng đòn vu hồi: gia hạn hiệp ước New START để kiểm soát kho vũ khí hạt nhân; lôi kéo Nga ký thỏa thuận COP-26 (dự kiến tháng 11/2021) nhằm làm suy yếu ngành công nghiệp dầu khí, chiếm 60% tỷ trọng GDP.

Mỹ thừa nhận Trung Quốc là nước duy nhất có sức mạnh công nghệ, kinh tế, ngoại giao, quân sự (tướng Mỹ cảnh báo nguy cơ khả năng vũ khí hạt nhân vượt Nga), có thể thách thức hệ thống quốc tế, trật tự, quy tắc, giá trị phương Tây.

Nhưng Nhà Trắng coi Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh nghiêm trọng nhất”, với đối sách “hợp tác khi có thể, đối đầu khi cần thiết và đối kháng trong một số lĩnh vực”. Điều đó cho thấy Mỹ vừa lo, vừa ngại sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc.

Phác thảo học thuyết Biden
Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố chấm dứt kỷ nguyên Mỹ “tái thiết các nước khác” sau khi rút quân khỏi Afghanistan. (Nguồn: Reuters)

“Cú hích” Afghanistan

Quyết định rút quân “vội vã”, gây tranh cãi khỏi Afghanistan và phát biểu của Tổng thống Joe Biden ngày 16/8, hé lộ nhiều điều.

Ông chủ Nhà Trắng biện minh “không một lực lượng quân sự nào có thể mang lại cho Afghanistan ổn định, thống nhất, an toàn”. Cho nên, “Mỹ kéo dài thêm 1, 5, 20 năm, cũng không có sự khác biệt”.

Tổng thống Joe Biden thừa nhận Mỹ “đã sai lầm nghiêm trọng trong quá khứ, chiến đấu trong 1 cuộc nội chiến ở một quốc gia khác”. Nhưng quy nguyên nhân thất bại chủ yếu do “chính phủ, quân đội Afghanistan không muốn, không thể kiểm soát đất nước”.

Bài học rút ra là “sứ mệnh của Mỹ ở Afghanistan chưa bao giờ là tái thiết quốc gia, tạo ra một nền dân chủ tập trung, thống nhất”. Điều đó ít nhiều liên quan đến mục tiêu, mục đích của cuộc chiến tranh.

Nhưng điều cơ bản nhất là phương thức can dự của Mỹ. Thay cho “…các đợt triển khai quân sự bất tận” chống lực lượng nổi dậy là kết hợp các công cụ nhằm đạt mục đích tối đa với tổn thất tối thiểu. Mỹ sẵn sàng các đòn tấn công đáp trả, như không kích vào nhóm ISIS-K gây ra vụ khủng bố ở sân bay Kabul, ngày 26/8.

Thất bại trong cuộc chiến 20 năm ở Afghanistan tạo thêm cú hích cho quyết định thay đổi. Nhưng thay đổi ấy không chỉ cho một cuộc chiến cụ thể.

Nhận diện học thuyết mới

Nền tảng của học thuyết mới dựa trên nguyên tắc: “Sự lãnh đạo và can dự của Mỹ là quan trọng” và “Mỹ cần các nước hợp tác (chủ động, tích cực) hơn bao giờ hết”. Vấn đề cơ bản nhất, nhưng thường ít thay đổi và khó xác định nhất là mục đích, mục tiêu chiến lược và lợi ích cốt lõi, thiết yếu của quốc gia.

Tuyên bố “không nhằm tái thiết quốc gia khác” không có nghĩa là Mỹ từ bỏ can dự, truyền bá “mô hình dân chủ phương Tây”. Trái lại, Mỹ càng thúc đẩy hình thành “liên minh các nền dân chủ toàn cầu” nhằm đối phó với “chiến thuật cờ vây” của Trung Quốc và thách thức từ Nga…

Điểm then chốt trong học thuyết mới là tập trung vào lợi ích quốc gia cốt lõi, thiết yếu. Trong đó, cạnh tranh nước lớn và chống bá quyền trỗi dậy, đe dọa vị thế siêu cường số một là lợi ích cốt lõi của Mỹ.

Phác thảo học thuyết Biden
Lợi ích chiến lược cốt lõi của Mỹ gắn với các đại dương chứ không phải ở những dãy núi…

Chuyên gia Tom Shugart thuộc Trung tâm An ninh mới Mỹ (CNAS) cho rằng lợi ích chiến lược cốt lõi của Mỹ gắn với các đại dương, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương… chứ không phải là ở những dãy núi Trung Á.

Bảo vệ trật tự quốc tế do Mỹ và đồng minh thiết lập từ thời Chiến tranh Lạnh và ngăn chặn nguy cơ tấn công khủng bố nhằm vào lãnh thổ Mỹ là lợi ích thiết yếu.

Việc rút quân ở Iraq, Afghanistan chỉ là điều chỉnh trọng tâm, tập trung hơn cho các khu vực chiến lược trọng điểm. Mỹ hủy quyết định rút 12.000 quân ở Đức, tiếp tục duy trì 50.000 quân ở Nhật Bản, tăng cường hệ thống phòng thủ tên lửa ở Hàn Quốc (THAAD), tiếp tục duy trì căn cứ quân sự ở nhiều địa bàn trọng yếu…

Động thái đó vừa tăng cường hiện diện quân sự, tạo ưu thế ở các “điểm nút chiến lược”, răn đe, sẵn sàng đối phó với nguy cơ tên lửa xuyên lục địa, vũ khí hạt nhân của Nga, Trung Quốc, Triều Tiên. Chiêu rút quân sẽ không ảnh hưởng đến chủ trương của Mỹ đối với eo biển Đài Loan. Bởi đây là “con dao” Mỹ có thể kề bên sườn Trung Quốc.

Để thực hiện mục đích, mục tiêu chiến lược, bảo vệ lợi ích quốc gia cốt lõi, thiết thì, thì Mỹ phải thay đổi phương thức can dự. Mỹ sẽ không tiến hành các chiến dịch, cuộc phiêu lưu quân sự, chính trị triền miên, tốn kém ở các quốc gia, địa bàn ít gắn với lợi ích quốc gia cốt lõi, thiết yếu.

Thay vào đó là sức mạnh tổng hợp của công cụ kinh tế, sức ép ngoại giao, răn đe quân sự; huy động sự tham gia của đồng minh, đối tác và sử dụng lực lượng bản địa.

Mỹ sẽ tận dụng năng lực tầm xa, sẵn sàng sử dụng các đòn tấn công chớp nhoáng, mạnh mẽ, tiêu diệt khủng bố, ngăn chặn các mối đe dọa trực tiếp.

Tổng thống Joe Biden chủ trương đưa nước Mỹ trở lại dẫn dắt kinh tế thế giới bằng những lợi thế, thúc đẩy đàm phán FTA xuyên Đại Tây Dương với EU, Hàn Quốc, Nhật Bản…; xây dựng liên minh công nghệ toàn cầu, chuỗi cung ứng toàn cầu, chuyển đổi sang nền kinh tế số…

Mỗi thời Tổng thống Mỹ thường định danh với một học thuyết. Với tích lũy nhiều chục năm trên trường quốc tế, Tổng thống thứ 46 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ cũng không là ngoại lệ.

“Học thuyết Joe Biden” đang dần hé lộ, định hình. Theo học giả quốc tế, học thuyết mới sẽ đứng trước những cơ hội và thách thức mới. Thách thức đến từ mâu thuẫn, sức cản bên trong và từ các đối thủ lớn.

Chắc chắn, học thuyết mới sẽ tác động mạnh đến chính nước Mỹ và cả thế giới. Nhưng tác động theo chiều hướng nào là điều chưa dễ thấy.

Theo baoquocte