Ông Dũng ‘lò vôi’ từng mấp mé lằn ranh hình sự vì thâu tóm đất đai

Giờ thì ít ai nhắc nhớ dường như trước đây, chính trị gia Huỳnh Phi Dũng đã từng giúp doanh nhân Huỳnh Phi Dũng không phải bước qua lằn ranh của hình sự trong các phi vụ thâu tóm đất đai.

Doanh nhân Huỳnh Uy Dũng bước vào con đường chính trị khi ông ‘trúng cử’ là đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa X, thuộc đoàn đại biểu tỉnh Bình Dương.

Vụ án buôn gỗ khởi tố đã chìm vào quên lãng

Lúc mới chân ướt, chân ráo vào tỉnh Sông Bé để lập nghiệp, ông Huỳnh Phi Dũng có khởi đầu thuận lợi khi làm rể của ông Ba Thu (tên thật là Trần Thái An), giám đốc sở nông nghiệp tỉnh Sông Bé.

Một võ sư từng phụ trách huấn luyện võ thuật cho công an tỉnh Sông Bé, kể rằng hồi đó ông Ba Thu đã giới thiệu người rể của mình vào làm việc ở Ban Hậu cần của công an Sông Bé. Ông Huỳnh Phi Dũng được tham gia vào những hợp đồng vận chuyển gỗ rừng khai thác ở Tây nguyên. Về sau, ông Dũng mới chuyển sang phụ trách lò vôi để rồi gắn với tên Dũng ‘lò vôi’ cho đến tận hôm nay.

Nghề buôn gỗ là khởi nghiệp của ông Huỳnh Phi Dũng ít được ai nhắc đến. Khi thành danh với hàng loạt khu công nghiệp, ông Dũng ‘lò vôi’ vẫn không quên ngón nghề cũ, dù đã rời sắc phục của cán bộ hậu cần công an.

Ngày cuối cùng của năm 2014, Công an thị xã Thuận An, Bình Dương công bố với báo chí tin tức khởi tố vụ án liên quan Công ty cổ phần Đại Nam. Theo đó, vào khoảng 16g ngày 2-10-2014, tài xế Nguyễn Thanh Hoàng, 34 tuổi, ngụ quận 7, TP.HCM, lái xe đầu kéo container trên đường ĐT743C, thuộc khu phố Bình Đáng, phường Bình Hòa, thị xã Thuận An, hướng từ Bình Dương về TP.HCM thì bị cảnh sát giao thông dừng xe.

Công an thị xã Thuận An phối hợp cùng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương tiến hành kiểm tra hàng hóa trên xe thì phát hiện 77 hộp gỗ trắc với khối lượng 9,173m3 do Công ty cổ phần Đại Nam xuất bán, có hồ sơ lâm sản không hợp pháp nên đã tạm giữ số hàng để xác minh

Sau khi xác minh, nhận thấy vụ vận chuyển, buôn bán gỗ này có dấu hiệu vi phạm pháp luật nên Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thị xã Thuận An đã khởi tố vụ án để tiếp tục điều tra.

Vụ việc kể trên sau đó được hóa giải khá gọn gàng với giải thích: Hơn 10 năm về trước, ông Dũng làm đền thờ Đại Nam và các công trình nên cần khoảng 10.000 m3 các loại. Sau khi xây dựng Khu du lịch Đại Nam xong, gần 10 m3 gỗ trên thuộc dạng tồn kho, sai quy cách nên không còn dùng đến. Nhân viên quản lý kho của Đại Nam xin ý kiến những đồ vật không còn sử dụng được đang lưu kho, đem đi thanh lý và cho người khác thuê lại kho.

Thời điểm này, ông Dũng đang ở nước ngoài nên có trao đổi với nhân viên Đại Nam qua điện thoại, và đồng ý cho mang đi thanh lý.

Ân oán với Tăng Minh Phụng

Sông Bé (lúc chưa tách tỉnh) trở thành điểm đến hấp dẫn khi ông Nguyễn Minh Triết tuyên bố trải thảm đỏ đón các nhà đấu tư.

Tấm “thảm đỏ” đầu tiên rộng 160 ha ở Sóng Thần, và người được sử dụng nó chính là Huỳnh Phi Dũng. Với 160 ha đất được Uỷ ban nhân dân tỉnh giao cho Công ty Thanh Lễ, Huỳnh Phi Dũng đã ký hợp đồng với Công ty Phi Long xây dựng hạ tầng cơ sở với tỷ lệ ăn chia 50/50.

Người ta nói Huỳnh Phi Dũng ký bằng hai tay: Tay phải đại diện doanh nghiệp nhà nước là Công ty Thanh Lễ,  tay trái đại diên Công ty Phi Long của gia đình mình.

Công ty Phi Long  được hưởng  quyền như Công ty Thanh Lễ là không phải nộp tiền sử dụng đất, mà chỉ góp vốn xây dựng hạ tầng rồi phân lô cho thuê, thực chất là chuyển nhượng bất hợp pháp quyền sử dụng đất.

Thông qua 57 hợp đồng cho 13 đơn vị và cá nhân “thuê”, trong đó có nhiều hợp đồng với công ty Minh Phụng – Epco, Huỳnh Phi Dũng đã thu được 130 tỷ đồng, công ty Phi Long của gia đình Dũng lãi ròng 30 tỷ, tương đương 300 triệu đô la Mỹ thời kỳ đó.

Hồ sơ vụ án “Epco-Minh Phụng” hồi đó có khá nhiều trang nói về những chuyện ‘lót tay’ của ông Tăng Minh Phụng khi làm ăn với ông Huỳnh Phi Dũng.

Thừa thắng xông lên , tháng 9-1995, ông  Huỳnh Phi Dũng mở tiếp khu Sóng Thần 1 với diện tích 178 ha,  và cho thuê ngay sau đó đạt tỷ lệ 104%.

Có lẽ thấy hình thức liên doanh vừa phải chia chác lợi nhuận vừa phức tạp, nên khi mở khu công nghiệp Sóng Thần 2 diện tích 279 ha và Sóng Thần 3 diện tích 533 ha, cũng như khu du lịch sinh thái diện tích 467 ha, ông Huỳnh Phi Dũng dành trọn quyền đầu tư cho các công ty của mình là Hoàng Gia, Đại Nam. Từng vùng dân cư cũng như đất nông nghiệp đã được “quy hoạch” cho Huỳnh Phi Dũng dễ như trở bàn tay.

Người ta nói đất Sông Bé chỗ nào ngon nhất thì đều về tay Huỳnh Phi Dũng, và biết bao gia đình đã phải lặng lẽ gạt nước mắt ra đi từ bỏ vườn tược ruộng đồng của mình vi “vòi bạch tuộc” ấy.

Và rồi Huỳnh Phi Dũng được bầu làm đại biểu Quốc Hội, khoác lên mình bộ cánh chính khách, và cái quyền bất khả xâm phạm…

Thiên hạ đệ nhất nịnh?

Hồi chưa xảy ra nạn dịch giã như bây giờ, cứ mỗi khi tỉnh Bình Dương làm lễ kỷ niệm ‘ngày tách tỉnh’, giới báo chí được mời về Thủ Dầu Một, lúc ‘ngà ngà’ men rượu, nếu ai đó nhắc về Dũng ‘lò vôi’, không ít nhà báo giờ đã hồi hưu nói rằng nếu có chức “Thiên hạ đệ nhất nịnh” ở đất Bình Dương, chắc chắn phải thuộc về Dũng ‘lò vôi’ – người hiện đã đổi sang tên Huỳnh Uy Dũng.

Số là có ngôi chùa to và dát vàng ở Đại Nam Văn Hiến của Huỳnh Phi Dũng. Chùa có diện tích 3.000 m2, dưới dãy núi Ngũ Hành Sơn đắp bằng xi măng cốt thép cao 75 mét. Trong chùa những cánh cửa gỗ quý nặng hàng tấn, những bức tượng, hoành phi, câu đối và những tác phẩm thơ tâm linh của Huỳnh Phi Dũng đều thiếp vàng.

Chính điện thờ Phật Tổ Như Lai trên cùng, ở giữa Vua Hùng kế đến là ông Hồ Chí Minh, phía tay phải thờ bách gia trăm họ và Mẹ Âu Cơ, phía trái thờ gia tộc Trần – Huỳnh.

Nhiều vị lãnh đạo đã đến thăm chùa và tặng lẵng hoa. Khi hoa héo, Huỳnh Phi Dũng thuê nghệ nhân làm những lẵng hoa giả giống y hệt rồi khắc tên vị lãnh đạo đó để lưu lại lâu dài. Ngoài sân có hàng chục cây cảnh quý cũng được khắc tên từng vị quan chức trên bảng đồng, như một thứ cầu chứng cho địa vị cao sang và phẩm chất tốt đẹp của ông chủ Huỳnh Phi Dũng.

Trích nhật ký của một nhà báo:

Tôi hỏi Sáu Bằng, thượng tá, trước làm việc ở cơ quan an ninh công an Bình Dương, là ân nhân của Huỳnh Phi Dũng, khi nghỉ hưu, được Dũng thuê làm bảo vệ nội bộ:

– Anh có thấy không bình thường trong việc mua bàn cao su này không (vụ án khi ấy Nguyễn Phương Hằng còn mang tên cũ là Nguyễn Thị Thanh Tuyền, cho rằng bị người chồng trước là ông Trần Văn Thìn lừa)?

Sáu Bằng chép miệng:

– Không! Có cao su thật. Tôi đến tận nơi rồi!

– Chuyện khác cơ! Mối quan hệ tình cảm ấy?

Ông Sáu  Bằng suy nghĩ một lát rồi nói:

– Tôi  nghi con nhỏ này muốn chài chú Dũng!

Tôi nói:

– Anh cứu thằng Dũng, tan cửa nát nhà đấy!

Sáu Bằng gặp Hằng Canada nói thẳng: “Cô không nên phá sự nghiệp của chú Dũng”.

Không hiểu Hằng méc Huỳnh Phi Dũng thế nào, Dũng mắng Sáu Bằng te tua, đe đuổi việc. Gặp tôi, mặt Dũng đỏ gay: “Sáu Bằng nói năng tầm bậy, xúc phạm con nhỏ, làm nó khóc hết nước mắt! Tôi sẽ cho cha ấy nghỉ việc!”…

Thay lời kết

Nhiều tình tiết mang tính riêng tư được kể trong bài viết này là từ một nhà báo từng phụ trách địa bàn tỉnh Sông Bé/ Bình Dương.

Ông nói rằng hồi đó chiếc điện thoại di động nào Huỳnh Phi Dũng cũng cài hệ thống báo cuộc gọi đến bằng hình ảnh cô con gái út, gương mặt dễ thương, giọng nói nhõng nhẽo: “Ba ơi có điện thoại!”.

“Tham của cải, của cải bỏ ta mà đi, ví nghĩa nhân trường tồn mãi mãi!”, từng là câu cửa miệng lúc Dũng ‘lò vôi’ còn mang tên cúng cơm Huỳnh Phi Dũng.

Theo VNTB