Ông chủ trọ của người nghèo

Đã hơn 40 năm nay, ngôi nhà của ông Hồ Đề biến thành khu phòng trọ giá rẻ cho sinh viên và người lao động nghèo. 

Căn nhà cấp 4 đã cũ, rộng hơn 120m2 với phần trệt và gác lửng được chia thành 24 phòng, trên đường Nguyễn Công Hoan, quận Phú Nhuận là toàn bộ tài sản của ông Hồ Đề. Nhà rộng như vậy nhưng đêm đêm ông vẫn ngủ trên một một chiếc ghế bố đặt ở hành lang, nhường phòng cho những người thuê trọ nghèo khó.

Lần tay lên bức tường xi măng, bước chậm rãi lên cầu thang tối mờ mờ, chỉ vừa một người đi, ông lão 82 tuổi phân trần: “Tôi muốn sửa lại nhà từ lâu rồi, nhưng mấy chục năm nay lúc nào nhà cũng có hơn 20 người nghèo và sinh viên. Giờ mà sửa, mọi người thuê chỗ khác lại tốn tiền nên cứ lần lữa mãi”.

Căn bếp chung trong nhà là nơi mọi người trong thường vừa nấu ăn, giặt đồ và buôn chuyện cùng ông. Ban ngày nhà vắng người, ông bầu bạn với chú chó đã nuôi 6 năm của mình. Ảnh: Diệp Phan.
Căn bếp chung trong nhà là nơi mọi người trong thường vừa nấu ăn, giặt đồ và buôn chuyện cùng ông. Ban ngày nhà vắng người, ông bầu bạn với chú chó đã nuôi 6 năm của mình. Ảnh: Diệp Phan.

Sinh ra và lớn lên ở một xã nghèo tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Hồ Đề may mắn được học hết cấp 3, rồi học tiếp ngành sư phạm ở Đại học Quy Nhơn, Bình Định. Ra trường, ông làm giáo viên dạy tiếng Anh. Làm hiệu trưởng, hiệu phó của nhiều trường trung học ở Phan Thiết, Kon Tum… Sau năm 1975, ông công tác trong ngành giáo dục và làm phóng viên ở Đài tiếng nói Việt Nam tại Sài Gòn.

Cuộc sống ổn định, ông nhớ lại tâm nguyện của mình khi còn là một cậu bé 8 tuổi trong nạn đói năm 1945 là sau này thành công, phải quay lại giúp người nghèo. Vậy là căn nhà của ông bắt đầu đón nhận những người xa quê vào Sài Gòn lập nghiệp đến ở. Có người ông cho ở miễn phí hoặc chỉ lấy tiền thuê trọ rẻ hơn một nửa so với thị trường.

Năm 1979, ông Đề nghe một người bà con nói ở bệnh viện Ung Bướu có bà Nguyễn Thị Lớn, đồng hương với ông đang điều trị ung thư, gia cảnh khó khăn. Hết giờ làm, ông đến bệnh viện, thấy bà Lớn xanh xao, cùng con gái đang tìm chỗ ngủ ở hành lang vì không có tiền thuê phòng trọ giữa những ngày giáp Tết. Chẳng suy nghĩ cân đo, ông Đề nói: “Mẹ con chị về ở nhà tôi, tôi không lấy tiền”.

Hôm sau, đi làm về, vừa dựng xe đầu ngõ ông Đề nghe tiếng bà khách trọ than thở: “Nóng quá ông ơi”. Hỏi ra mới biết, bà vừa trải qua một ngày xạ trị nên nóng trong người. Thấy vậy, ông đến nhà những người quen hỏi thăm chỗ mua máy lạnh về lắp trong phòng cho bà Lớn. 

Ba năm sau đó, cứ mỗi lần từ Huế vào Sài Gòn chữa bệnh, bà Lớn lại đến ở nhà ông. Căn phòng đó về sau được ông để dành riêng cho những người bệnh đến ở hoàn toàn miễn phí.

Căn nhà 120 m2 trở thành “địa chỉ vàng” của những người khó khăn nên ông cũng được chứng kiến nhiều câu chuyện vật lộn với tiền bạc của mọi người. Ý tưởng về một “Quỹ cứu kẹt” ra đời từ những năm 1990. Gọi là Quỹ nhưng toàn bộ đều là tiền túi của ông và được dùng để cứu trợ khi người thuê trọ nhà ông có chuyện khẩn cấp. Ai khó khăn mở lời, ông cho mượn, không lấy tiền lời, không hẹn ngày trả.

Được thuê căn phòng với giá 1 triệu mỗi tháng, miễn phí điện nước, được sử dụng chung chiếc tủ lạnh lớn trong nhà nên mẹ con chị Trúc Phương, quê Trà Vinh đã ở nhà ông được 3 năm. Lúc mới đến, chị còn được ông Đề trích từ “Quỹ cứu kẹt” cho mượn 4 triệu đồng để trả dứt khoản vay nặng lãi ở quê. Hàng tháng, chị đi làm, góp trả dần cho ông. Tháng nào khó khăn quá, chị mới xin khất lại.

Covid-19 khiến quán ăn đóng cửa, chị Phương mất việc. Thấy chị và con gái muốn về quê, ông Đề lại xuất quỹ cho 1 triệu đồng để đón xe về. “Vì dịch nên không có thu nhập, tui còn nợ ông hai tháng tiền nhà. Đã ở nhiều nơi nhưng chưa thấy ai tốt như ông”, chị Phương kể. Không chỉ có chị Phương mà những người đến ở trọ nhà ông Đề đều không muốn rời đi. 

Không chỉ quan tâm những người lao động nghèo, đám sinh viên ở trọ cũng được ông Đề chăm chút. Hồi những năm 2000, thấy sinh viên trong nhà yếu tiếng Anh, ông tập trung 20 em đang ở nhà mình lại, dẫn đi mua sách và từ điển về lập câu lạc bộ tiếng Anh. Sách lúc bấy giờ có kèm đĩa CD để luyện nghe, ông đầu tư thêm chục cái đầu đĩa để các em chia nhau học.

Bây giờ lớn tuổi, câu lạc bộ không còn nữa, nhưng thói quen gieo mầm, khuyến khích học ngoại ngữ của ông với sinh viên vẫn còn. “Hễ thấy mặt là ông giao tiếp với em bằng tiếng Anh. Tháng trước, ông đố em một câu, nếu trả lời đúng ông miễn phí một năm tiền nhà nhưng em không trả lời được”, Kiều Nhi, sinh viên năm 2 trường Cao đẳng Kinh tế đối ngoại chia sẻ.

Ông Đề có hai người con đều là tiến sĩ. Cả hai đều có sự nghiệp riêng, con gái ở Ninh Thuận, con trai ở cùng vợ ông ở Bình Dương. Năm ngoái, sau khi hỗ trợ các con mua đất xây nhà ổn định cuộc sống, ông lập di chúc với nguyện vọng tặng một nửa căn nhà đang ở để UBND phường làm chỗ ở miễn phí cho học sinh, sinh viên, người nghèo.

“Ban đầu chưa hiểu nên gia đình phản đối lắm, nghĩ ông không quan tâm đến con cái. Giờ hiểu ra, đứa nào cũng ủng hộ việc làm của ổng. Các con thỉnh thoảng còn cho thêm tiền để ông làm việc thiện”, bà Lê Thị Thuyền, 65 tuổi, vợ ông Đề nói.

Bà Nguyễn Thị Kim Nhung, chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường 7, quận Phú Nhuận nhận định: “Bác Đề là người rất có tâm, sống giản dị, hòa đồng. Bác tham gia đóng góp tích cực cho nhiều hoạt động thường niên của phường. Đối với những việc đột xuất thiếu kinh phí, chỉ cần nói rõ mục đích là bác giúp ngay. Năm năm trở lại đây, mỗi năm ông tặng hơn 100 triệu, đóng góp cho quỹ khuyến học của phường”.

Hơn 40 năm qua, có hàng ngàn người nghèo, sinh viên được ông hỗ trợ một chỗ ở miễn phí, hoặc thuê giá rẻ. Có gia đình ở với ông đến 28 năm, mãi đến 2015 mới chuyển ra ở riêng. Không mong sự đền đáp, những gì ông nhận lại được là niềm vui, có khi là chai dầu gió, lọ thuốc bổ từ những sinh viên giờ đã thành đạt ở trong và ngoài nước gửi tặng.

Giữa trưa, ông Đề vào bếp, múc cơm và thức ăn được một người thuê nhà nấu giúp. Ông bưng tô cơm, ngồi ăn ngay bậc tam cấp dẫn lên gác cạnh bếp, xong bữa cũng là lúc mồ hôi ướt đẫm lưng.

Theo vnexpress