Những ‘tân binh’ ở tâm dịch

Nghe đọc bài

“Nhóm 29 thiếu cồn”, “nhóm 13 không có điều phối”, “nhóm 3 cần chuyển mẫu”… Tin nhắn liên tục dội về nhóm chat của Đại học kỹ thuật y tế Hải Dương đang ở tâm dịch Núi Hiểu.

Chiều 4/6, đoàn thầy và trò Đại học kỹ thuật y tế Hải Dương tổ chức lấy mẫu lần thứ 5 cho người dân. Từ 14h đến 18h, gần 6.000 mẫu đã được lấy theo mô hình thử nghiệm 2 người một nhóm.

“Theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế, một nhóm lấy mẫu gồm 4 người (2 ghi, 2 lấy), chúng tôi đã rút xuống 3 người (2 ghi, 1 lấy) và nay thử nghiệm nhóm 2 người. Hiệu suất công việc gần như cũ, lại bảo toàn được lực lượng”, thầy Ngụy Đình Hoàn, trưởng đoàn chia sẻ. Theo thạc sĩ Hoàn, đoàn thầy và trò chi viện cho tâm dịch có thể áp dụng được mô hình này vì “quân tinh nhanh, thiện chiến và khỏe, càng chiến đấu càng hăng”.

Ngay từ khi dịch bùng lên ở Bắc Giang, Đại học kỹ thuật y tế Hải Dương có mặt ở đây gần như sớm nhất, với 3 thầy cô và hơn 200 sinh viên.

Hơn 200 sinh viên y khoa ở Hải Dương đã hỗ trợ Bắc Giang chống Covid-19 từ ngày 16/5 và sẽ chiến đấu tới khi hết dịch mới về. Ảnh: Ngô Gia Long.

Hơn 200 sinh viên y khoa ở Hải Dương đã hỗ trợ Bắc Giang chống Covid-19 từ ngày 16/5 và sẽ chiến đấu tới khi hết dịch mới về. Ảnh: Ngô Gia Long.

Khi nhận được tin trường huy động người tình nguyện đi chống dịch sáng 16/5, sinh viên năm thứ 3 khoa Xét nghiệm Nguyễn Quang Huy liền nộp đơn. “Lúc đó trong em có sự thôi thúc y như người lính sắp ra trận”, chàng trai “tân binh” quê Hà Nội, chia sẻ.

Vừa đặt chân tới Bắc Giang, đoàn cất đồ và lập tức tiến về tâm dịch Núi Hiểu, xã Quang Châu, Việt Yên – địa phương bị phong tỏa từ 15/5. Nhiệm vụ của họ là phải lấy mẫu càng nhanh càng tốt để kịp thời “bắt F0”. Hôm đó Huy ở vị trí ghi chép. Cả đoàn chiến đấu xuyên đêm tới 3h sáng, lấy mẫu được cho hơn 9.000 người. Về tới điểm nghỉ, ai cũng mệt nên chỉ tắm gội rồi đi ngủ. Đó là ngày Huy không kịp ăn một chút gì, ngoài vài miếng dưa hấu.

Buổi thứ hai lấy ở Quang Biểu, Huy đứng ở vị trí lấy mẫu. Dù mới chỉ học phương pháp xét nghiệm RT-PCR qua online, chàng trai không hề bỡ ngỡ. “Khó khăn nhất với em là hôm 26/5. Tối trước đó vừa học kỹ thuật test nhanh, hôm sau áp dụng luôn nên tốc độ chậm. Đoàn làm đến 12h, một số bạn bị ngất, may mắn em vẫn trụ được”, Huy kể. Đến giờ đã quen tay, cậu và đồng đội làm hai phương pháp nhanh gần như nhau.

Một khi đã đứng vào hàng ngũ chống dịch, các thành viên đều làm tốt tất cả vị trí. Song là một sinh viên khoa xét nghiệm, Huy thấy mình làm tốt nhất khi lấy mẫu. Cậu khoe nhiều khi lấy người dân không khó chịu, mà còn bảo “Ơ thế thôi à”, “bác sĩ làm mát tay thế”, “bác sĩ này làm thoải mái thế”.

Đoàn tăng cấp độ phòng hộ bằng việc tạo ra một khu an toàn cho các sinh viên thay đồ trước và sau khi lấy mẫu. Ảnh: Ngô Gia Long.

Đoàn tăng cấp độ phòng hộ bằng việc tạo ra một “khu an toàn” cho các sinh viên thay đồ trước và sau khi lấy mẫu. Ảnh: Ngô Gia Long.

Mới là sinh viên năm 2, Phan Thu Quỳnh đã lần thứ hai đứng trên tuyến đầu chống Covid-19, sau lần đầu ở Hải Dương hồi đầu năm. Cô gái kể, thời điểm căng thẳng nhất với cả đoàn rơi vào khoảng ngày thứ 8. Ngày đầu tiên làm test nhanh có hai bạn nam ngất, hai bạn nữ kiệt sức và một bạn nữ bị ngừng thở được cấp cứu kịp thời. Hôm sau đoàn dốc toàn lực đi lấy mẫu, số lượng người kiệt sức còn nhiều hơn. Thu Quỳnh đã trụ được qua thời điểm nắng nóng nhất. “Nhưng hôm lấy mẫu ở My Điền cuối tháng thì em ngất sau khi đã hoàn thành công việc. Có lẽ vì làm trong ngõ nhiều nhà cao bí, lại sau mưa nên rất oi”, cô gái quê Ninh Bình kể.

Chính trong khó khăn những sáng kiến được hình thành. Để đối phó với tình trạng nắng nóng mà phải mặc đồ bảo hộ, cả đoàn nghĩ ra cách bỏ đá vào túi zip buộc quanh người. Những khi tay không bận rộn thì chườm túi đá lên đầu, gáy, cổ, nách để nhanh chóng hạ nhiệt cho cơ thể. Bên cạnh đó, đoàn cũng chuyển từ làm ca sáng – chiều, sang tối – đêm vẫn đáp ứng tiến độ công việc, quan trọng đảm bảo sức khỏe.

Từ khi áp dụng mô hình lấy mẫu 2 người tới nay, các sinh viên có nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn. Nay đã quen địa bàn, nhóm linh hoạt mượn mọi phương tiện của người dân để di chuyển nhanh và đỡ mất sức, đảm bảo đến từng ngõ, gõ từng nhà để lấy mẫu.

Cả đoàn tạo một nhóm để liên hệ với “trung tâm chỉ huy” khi cần. Các đội hiện trường báo cáo thiếu gì, cần hỗ trợ gì và liền nhận được giải đáp, cũng hỗ trợ gần như ngay lập tức từ đội ở vòng ngoài. “Từ tin báo đến phản hồi tính bằng giây. Từ lúc nhận phản hồi tới khi điều quân đi chỉ trong vài phút. Nhờ đó mọi vấn đề phát sinh đều nhận được giải quyết nhanh chóng”, thầy Hoàn cho hay. Theo anh, nhờ có nhóm Zalo mà tiến độ của đoàn nhanh gấp nhiều lần, bởi rất dễ dàng nhắn tin, kết bạn, gửi hình ảnh và định vị…

Xác định đây là một cuộc chiến thực sự của những người làm ngành y nên ngay từ đầu, đoàn Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương đã có quy định nghiêm ngặt như quân đội.

Đoàn chia ca trực 24/24h để nhận mệnh lệnh bất kỳ lúc nào. Lệnh thường đến qua tin nhắn từ 1 đến 3h đêm. Ngay khi có lệnh, trưởng đoàn lập kế hoạch điều tiết người và vật tư đưa xuống các nhóm trưởng. Các nhóm trưởng sẽ hỏi ai đủ sức khỏe để đi và báo cáo ngược trở lại.

“Thi thoảng tôi phải tạo báo động giả. Ví như 0h30 ngày 5/6, tôi nhắn vào group cần 100 người đi lấy mẫu ngay trong đêm. Chỉ sau mươi phút đã gom đủ quân số nhận nhiệm vụ”, anh Hoàn cho biết.

Đội không chỉ tuân thủ quy tắc phòng hộ của Bộ Y tế, mà còn có thêm các quy tắc của mình. Đến bất cứ một địa điểm lấy mẫu nào, thầy cô cũng xuống xe trước, khử trùng một “khu an toàn” và có ba chốt canh không người ngoài được vào. Đây chính là phòng cho các sinh viên thay đồ bảo hộ trước khi vào hiện trường và sau khi lấy mẫu xong lên xe đi về.

Sáng tạo ra cách đeo túi đá quanh người giúp làm mát nhanh chóng và mượn phương tiện của người dân di chuyển khi lấy mẫu tại nhà. Ảnh: Đoàn cung cấp.

Sáng tạo ra cách đeo túi đá quanh người giúp làm mát nhanh chóng và mượn phương tiện của người dân di chuyển khi lấy mẫu tại nhà. Ảnh: Đoàn cung cấp.

Chuyến đi này, 200 “chiến binh áo trắng” đều biết rằng dù họ có vất vả thế nào cũng không bằng sự vất vả, hy sinh của thầy cô. Những ngày qua, sinh viên có thể luân phiên nhau nghỉ, nhưng thầy cô không có ngày nghỉ nào. Trong lúc sinh viên đi hiện trường, thầy cô vẫn lo làm báo cáo, điều hành từ xa và dạy online cho bạn ở trường. Cơm trưa lúc 1h, cơm tối lúc 12h đêm và giấc ngủ 4 tiếng là quá nhiều.

Sinh viên năm 3 Đồng Hải An chia sẻ: “Hôm nhiều bạn bị kiệt sức nhất, cô Hằng đã vô cùng mệt vẫn cố gắng dìu cho đến những bạn cuối cùng, sắp xếp ổn thỏa tất cả mới dám ngồi xuống bậc thềm. Lúc đó em vừa quay ra thì thấy cô thều thào: ‘An ơi, chân cô tê quá’, rồi cô gục xuống. Hoàn cảnh cô còn đặc biệt hơn nữa vì chồng cô là công an cũng đang trên tuyến đầu chống dịch. Ba con nhỏ ở nhà, trong đó có bé mới hơn một tuổi”.

Tính đến nay đoàn Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương đã lấy được hơn 170.000 lượt người dân trong cộng đồng, khu phong tỏa và cách ly để làm mẫu xét nghiệm RT-PCR, và test nhanh tại nhà cho hơn 15.000 người.

Ngày thứ 7 mát trời, lần đầu tiên cả đoàn được nghỉ một hôm sau 18 ngày chống dịch liên tiếp. Thầy Hoàn biết, dù có dặn nghỉ ngơi nhiều, “lũ học trò” của mình vẫn sẽ nô đùa, bởi “chúng đang ở tuổi trẻ, lúc làm việc thì rất hăng, lúc chơi cũng vui hết mình”…

Phan Dương

Theo Vnexpress