Những phận đời khốn khổ vì chúa nợ tỷ đô Evergrande: Lê lết đòi tiền trên vỉa hè, nuôi hy vọng mong manh lấy được lương cho con đi học

Những người đàn ông tóc hoa râm, mang theo chiếc ghế nhựa và trải xuống đất bản đồ phát triển của dự án bất động sản có thể sẽ không bao giờ trở thành hiện thực. Họ ngồi trước cửa chi nhánh Evergrande đòi quyền lợi.

Những nạn nhân… bị bỏ quên

Những tuần vừa qua, cuộc khủng hoảng Evergrande đã gây tác động tới toàn bộ thị trường tài chính toàn cầu. Trong khi chúa nợ tỷ đô đang tìm cách thoát khỏi khủng hoảng tài chính, những người bình thường lại đang là nạn nhân tuyệt vọng nhất của công ty này. Hôm 23/9, có 10 người trung niên tụ tập bên ngoài lối vào phòng kinh doanh của tập đoàn này tại Taicang, một thành phố nằm cạnh Thượng Hải.

Ngồi trên những chiếc ghế nhựa, trải ra vỉa hè những thứ giống như bản đồ phát triển dự án, những người này đã đến đây ngồi suốt nhiều ngày qua với hy vọng được trả các khoản thanh toán liên quan đến công ty.

Một người đàn ông trong nhóm cho biết: “Lãnh đạo công ty nói rằng Evergrande sắp vỡ nợ và truyền thông nói suốt về điều này rồi. Tuy nhiên, đó là vấn đề của họ. Chúng tôi chỉ muốn những thứ thuộc về mình”.

Những phận đời khốn khổ vì chúa nợ tỷ đô Evergrande: Lê lết đòi tiền trên vỉa hè, nuôi hy vọng mong manh lấy được lương cho con đi học - Ảnh 1.

Người đàn ông mang họ Li nói rằng nhà thầu phụ của dự án trị giá 17 tỷ USD của Evergrande ở Taicang đã bỏ trốn. Họ nợ của ông 15 triệu tệ (khoảng 50 tỷ VNĐ). “Nhà thầu đã biến mất vài tháng trước nên chúng tôi chỉ có thể sang Evergrande đòi tiền bởi đây là chủ đầu tư”, ông Li nói.

Chỉ tay về phía những công nhân của mình, bao gồm cả những bà mẹ đang phải bán sức nuôi con, Li nói rằng đây là cách duy nhất ông ấy có thể làm. Bản thân người đàn ông này cũng đang nợ lương những người lao động, những người phải bỏ công sức của họ ra để kiếm đồng tiền nuôi gia đình.

Những cuộc biểu tình như vậy rất hiếm thấy ở Trung Quốc. Trong trường hợp của Li, anh ta và các nhà thầu phụ khác đang âm thầm biểu tình để đòi tiền. Vài ngày trước, họ căng băng rôn phản đối nhưng đã phải gỡ bỏ sau khi cảnh sát can thiệp. Một chiếc xe cảnh sát đậu gần đó để đảm bảo cuộc biểu tình không vượt tầm kiểm soát.

Evergrande đã thổi phồng dự án ở Taicang vì “vị trí cốt lõi” của nó tại đồng bằng sông Dương Tử, một cụm siêu đô thị lọt vào tầm nhìn của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm thu hút đầu tư công nghệ cao để kéo cả khu vực duyên hải phía đông đất nước phát triển.

Được thiết kế trên diện tích rộng 5km vuông, nơi từng là đất nông nghiệp, dự án Thành phố Du lịch Văn hóa Evergrande gồm các khu căn hộ, trung tâm thương mại, khách sạn và trung tâm chăm sóc sức khỏe. Điểm nổi bật của nó là công viên chủ đề tiêu chuẩn quốc tế sắp sửa được hoàn thành với mục tiêu thu hút khách hàng giàu có từ Thượng Hải.

Tuy nhiên, giống hơn 1 nửa trong số 800 dự án của Evergrande trên khắp đất nước Trung Quốc, đại công trình này bị đình trệ cách đây vài tháng khi công ty phải vật lộn với khoản nợ 300 tỷ USD và các hóa đơn chưa thanh toán cho nhà thầu được chất đống theo đúng nghĩa.

“Trước đó có nhiều nhân viên bảo vệ lắm nhưng họ nghỉ cả rồi. Hết tháng này tôi cũng nghỉ”, một người làm vườn đang tưới cây gần lối vào công viên giải trí cho biết. Người phụ nữ này nói thêm rằng mình đã bị nợ lương suốt 4 tháng qua.

Những phận đời khốn khổ vì chúa nợ tỷ đô Evergrande: Lê lết đòi tiền trên vỉa hè, nuôi hy vọng mong manh lấy được lương cho con đi học - Ảnh 2.

Tương lai mịt mờ

Cách đó khoảng 70km, là một công trường khác của Evergrande có tên Riverside Mansion thuộc thành phố Tô Châu. Ở đây có một bảo vệ làm việc ở lối ra vào. “Không có tiền. Nhà thầu có được Evergrande thanh toán đâu”, người bảo vệ nói khi được hỏi vì sao công trường lại im ắng đến vậy.

Nhận mình họ Zhang, người đàn ông cho biết các nhân viên chỉ nhận lương 100 tệ mỗi ngày vào tháng trước để bảo vệ công trình. Nhiệm vụ của ông là canh gác và làm một số việc lặt vặt. Vào thời hoàng kim, nơi này có 300 công nhân chạy đua với thời gian để xây dựng tổng cộng 19 căn hộ nhiều tầng với mục tiêu bàn giao vào năm 2023. Tuy nhiên, phía sau Zhang bây giờ là một vài tòa tháp nằm im lìm không có dấu hiệu của bất cứ hoạt động xây dựng nào.

Trong quảng cáo bán hàng của mình, Evergrande nói rằng đây sẽ là khu nhà vô cùng thoải mái với chỉ 2 hộ 1 thang máy. Môi trường được bao quanh bởi công viên sinh thái. Nó được ra đời nhằm tạo ra một khu nhà ở sang trọng mới ở ngoại ô Tô Châu, một trong những địa danh nổi tiếng ở Trung Quốc với những dòng kênh có tuổi đời hàng thế kỷ.

Những phận đời khốn khổ vì chúa nợ tỷ đô Evergrande: Lê lết đòi tiền trên vỉa hè, nuôi hy vọng mong manh lấy được lương cho con đi học - Ảnh 3.

Dù công trường đã bị ngừng hoạt động nhưng ông Zhang, công nhân nhập cư từ Hồ Bắc, vẫn quyết định ở lại. Ông vẫn còn hai cậu con trai đang đi học. Con trai lớn là sinh viên năm 2, cần 2.000 tệ/tháng để đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt. Còn con trai bé là sinh viên năm đầu cũng cần tới 1.500 tệ học phí.

Tuy nhiên, công nhân như Zhang chỉ nhận được chi phí hàng tháng là 2.500 tệ. 2/3 số tiền còn lại sẽ được trả 1 cục vào trước Tết Nguyên đán. Dù rất tuyệt vọng nhưng Zhang vẫn phải tự động viên mình rằng sẽ lấy lại được số tiền còn thiếu vào cuối năm.

“Đó là số tiền khó khăn lắm tôi mới kiếm được. Tôi đã gắn bó với công ty 3 năm rồi”, ông Zhang nói trong sự buồn bã.

Trong khi đó, một quản lý nói với Zhang rằng công ty sẽ được cứu và công việc rồi sẽ trở lại. Tại văn phòng của Evergrande gần đó, một thông báo nằm ở lối vào nói với người mua rằng công trình này có thể chậm tiến độ vài tháng và công ty sẽ nghiêm chỉnh chịu phạt như đã quy định trong hợp đồng.

Một nhân viên bán hàng ở dự án này nói rằng: “Công ty đang làm việc với nhà chức trách nhằm khôi phục lại hoạt động”. Tuy nhiên, cô gái này không thể nói rõ khi nào điều này mới trở thành sự thực.

Những điều tương tự đang diễn ra tại công trường của Evergrande trên khắp đất nước Trung Quốc. Tâm lý bất bình bao trùm người mua nhà và các nhà thầu. Họ không ngừng phàn nàn trên mạng xã hội. Tại trụ sở của Evergrande ở Thâm Quyến, các nhà đầu tư đổ xô đến phản đối việc tiền của họ chưa được nhận đúng hạn.

Trong khi đó, những người yếu thế nhất vẫn đang chờ đợi vận may để có thể nhận nốt số tiền lương còn thiếu mà họ đã phải vất vả làm lụng suốt nhiều tháng qua.

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị