Những lô đất vàng bỏ hoang ở Hà Nội: chính quyền ngại không thu hồi?

Công tác quy hoạch và thu hồi các dự án chậm tiến độ tại những khu đất công là nội dung được đặc biệt quan tâm trong kỳ họp thứ 15 Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội khóa XV diễn ra trong 2 ngày 6-7/7 vừa qua.

Theo đó, tại Hà Nội hiện có 383 dự án chậm triển khai, trong đó có những dự án nằm ở vị trí tốt mà người dân hay gọi là ‘khu đất vàng’ với giá trị lớn.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, kết quả thanh tra, kiểm tra chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến dự án chậm triển khai bao gồm: một số lĩnh vực, cơ chế chính sách của Nhà nước liên quan lĩnh vực đất đai, đầu tư, xây dựng còn chồng chéo, không thống nhất; văn bản hướng dẫn ban hành chậm, nhiều thay đổi, nội dung khó triển khai trong điều kiện thực tiễn dẫn đến tình trạng các thủ tục về đầu tư xây dựng thường kéo dài.

Phát biểu tại buổi họp, Bí thư quận ủy Nam Từ Liêm Nguyễn Văn Hải cho biết chỉ riêng ở quận Nam Từ Liêm còn 132 dự án đang nằm chờ công tác giải phóng mặt bằng, các thủ tục liên quan đến quy hoạch…

Trao đổi với RFA tối 7/9, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết chủ trương sử dụng đất của chính phủ Hà Nội hiện nay:

Về mặt chủ trương thì cũng đang dồn lại việc sử dụng các đất công, bất động sản công sao cho hợp lý để theo hướng tiết kiệm sử dụng đất, có những khu đất sử dụng vào mục đích thương mại, kinh doanh sẽ hợp lý hơn. Hà Nội đặc biệt còn khác những nơi khác vì có phần của cơ quan Hà Nội và có phần của các cơ quan trung ương thành ra diện tích đất công ở Hà Nội khá lớn nếu thu xếp, sắp xếp lại được sẽ dư ra khá nhiều.”

Vẫn theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, ông cho rằng Hà Nội cũng quyết tâm chấn chỉnh vấn nạn đất công này rất nhiều lần. Tuy vậy, dù đã có chủ trương chung của chính phủ nhưng khi thực hiện lại có những hạn chế vì những lý do sau:

“Tôi cho chủ trương hoàn toàn đúng nhưng khi thực hiện do không có những quy định cụ thể, trình tự, thủ tục, phương thức, cách thức làm dẫn đến câu chuyện có thể đất vàng đó giao cho doanh nghiệp mà người Việt Nam gọi là sân sau của một vị lãnh đạo cấp tỉnh nào đó. Họ chỉ cần giữ đất hoặc để đấy được giá thì chuyển nhượng cho người khác, nhưng đất vàng có khi làm chuyện đó lại lộ liễu thành ra lại cứ ngâm để đấy chứ không thực hiện dự án mình đề xuất. Rồi nhiều đất vàng các bộ chuyển đi rồi nhưng vẫn cứ giữ lại mà không chuyển trả khu vực công để có thể sử dụng nó vào mục đích hữu hiệu.”

Với những tình trạng mà Giáo sư Đặng Hùng Võ nêu trên, ông cho rằng việc này đã tạo ra biểu hiện tiêu cực trong sử dụng đất tại những khu đất có giá trị cao. Cụ thể, các khu đất vàng có khi giao rồi nhưng vẫn để đấy không được sử dụng. Thậm chí có nhiều trường hợp sử dụng sai mục đích tức dự án đằng này nhưng lại làm cái khác, hoặc có thể tên một doanh nghiệp nhưng một doanh nghiệp khác làm.

dat-vang-2-0830

Trong khi đó, với quan điểm cá nhân, ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ truởng Vụ Nghiên cứu, Ban Dân Vận Trung ương cho rằng tình trạng đất công còn bị bỏ hoang lãng phí đang phổ biến khắp nước chứ không riêng Hà Nội.

“Hà Nội có, Sài Gòn có với nhiều nguyên nhân. Chung quy lại là sự tham mà cậy quyền, dốt vì không biết quy hoạch thế nào. Tham thì có ở nhiều chuyện trong đó bao gồm đi giành cho riêng quân, phe của mình mà không đủ tiền làm mà phải bỏ hoang. Thường thì là do nguyên nhân như vậy nhưng chung quy lại là do thể chế.”

Truyền thông trong nước khi đăng tải về nội dung thu hồi đất công bị bỏ hoang cũng nhận định rằng sở dĩ tình trạng này vẫn còn lan tràn như hiện nay là do chính quyền chưa quyết liệt trong vấn đề xử lý. Thậm chí có ý kiến cho rằng lãnh đạo chỉ đang ‘giơ cao đánh khẽ’.

Giải thích rõ hơn về quy định pháp luật đối với vụ việc đất nhà nước bị lãng phí, Giáo sư Đặng Hùng Võ cho hay:

“Pháp luật hiện nay đã quy định cụ thể theo Luật Đất đai 2013 là nếu trong 12 tháng không đưa đất vào sử dụng hoặc trong 24 tháng sử dụng đất không đúng tiến độ đã được phê duyệt thì được phép gia hạn 24 tháng nữa. Hết 24 tháng gia hạn mà vẫn chưa đưa đất vào sử dụng hay chưa sử dụng đất đúng tiến độ đặt ra thì nhà nước sẽ thu hồi đất và cả tài sản đã đầu tư trên đất. Pháp luật đã quy định thì không lý gì không thực hiện.”

Tuy nhiên, ông cũng cho biết trong thực tế có những công trình bị chậm 5-7 năm chứ không chỉ tính riêng bằng tháng theo như luật định nhưng đến nay tất cả những dự án đó đều chưa bị nhà nước thu hồi và tịch thu toàn bộ tài sản trên đất. Ông bày tỏ băn khoăn:

“Tôi không hiểu vướng cái gì mà ý kiến vẫn đưa ra là đang bị vướng và không thực hiện được. Tôi chỉ cho rằng chỉ có một lý do là câu chuyện giao đất trước đây có vấn đề gì liên quan đến yếu tố tham nhũng hay không? Nếu có liên quan thì mới khó xử lý, còn không liên quan đến tham nhũng thì chắc chắn thì chắc chắn xử lý không khó.”

Ngoài ra, với kinh nghiệm chuyên môn, Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng những nội dung được quy định trong Luật Đất đai 2013 không phải cách thức hiệu quả với cơ chế thị trường. Ông cho rằng cần phải thay đổi:

“Tôi đề xuất từ lâu là đưa ra cơ chế xử phạt tài chính sẽ hợp lý hơn. Muộn 1 năm thì phạt ví dụ 5% giá trị đất đai, 2 năm thì nâng lên 10%, 3 năm thì 15%… Như vậy tự khắc những người được giao đất sẽ phải cân nhắc và sẽ tích cực trong suy nghĩ nếu mình không sử dụng được sẽ chuyển nhượng cho người khác.”

Còn theo ông Nguyễn Khắc Mai, để xử lý tình trạng lãng phí đất công như hiện nay, chính phủ Hà Nội cần phải có sự thay đổi cơ bản và quyết liệt. Nhưng ông cho rằng việc này không hề dễ dàng:

“Lực lượng cầm quyền hiện nay thì vừa tham, vừa dốt, vừa cậy quyền thì làm sao làm chuyện cho tử tế được. Đây được gọi là vấn nạn, có thể gọi là khúc quanh tai nạn của dân tộc chưa thoát ra khỏi.”

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung khi phát biểu tại cuộc họp ngày 7/7 cho biết Hội đồng Nhân dân thành phố trước đây rà soát có 383 dự án chậm triển khai, một năm vừa qua đã giải quyết khó khăn cho 64 dự án.

Ngoài ra, Hội đồng Nhân dân thành phố cũng giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì rà soát đối với 295 dự án đã được giao đất hoặc được Sở Tài nguyên và Môi trường thanh tra xử lý về đất đai; đồng thời Sở này cũng phải đề xuất phương án xử lý 88 dự án chưa được giao đất, cho thuê đất.

Theo RFA