Những dấu hiệu cho thấy hệ miễn dịch suy yếu, virus dễ dàng xâm nhập

Nghe đọc bài

Những dấu hiệu cho thấy hệ miễn dịch suy yếu:

Nhức đầu, sương mù não

Đây là các triệu chứng có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của con người. Những dấu hiệu này liên quan đến căng thẳng hoặc thiếu ngủ. Nhưng đồng thời, chúng cũng cảnh báo chức năng trong hệ thống miễn dịch bị rối loạn, chẳng hạn như bệnh lupus hoặc thiếu máu.

Các vấn đề về da

Làn da là hàng rào đầu tiên của cơ thể chống lại vi trùng, vi khuẩn. Vẻ ngoài của nó có thể phản ánh hệ thống miễn dịch có hoạt động tốt hay không. Mụn trứng cá, phát ban, vẩy nến, viêm da, chàm… có thể là những dấu hiệu của bệnh thiếu máu, hội chứng máu không đông và các rối loạn khác liên quan đến hệ tạo máu và miễn dịch.

Đau cơ, khớp

Cơ bắp yếu và đau có thể làm cho các hoạt động hàng ngày như đi lên cầu thang hoặc mang vác vất vả hơn. Những triệu chứng này có thể cảnh báo bệnh viêm gan tự miễn, bệnh vẩy nến, viêm khớp dạng thấp. Bạn có thể nhận thấy triệu chứng đau này tồi tệ hơn vào buổi sáng.

Mệt mỏi

Cảm thấy vô cùng mệt mỏi, giống như khi bạn bị cúm, có nghĩa là điều gì đó đang xảy ra với sự phòng vệ của cơ thể. Đặc biệt ngủ đủ giấc cũng không làm giảm mệt mỏi.

Vết thương chậm lành

Có thể bạn chưa biết, khả năng miễn dịch tỉ lệ thuận với tốc độ chữa lành vết thương. Nếu vết thương của bạn đã trải qua nhiều ngày mà vẫn không thể lành hoặc lành rồi lại bị nhiềm trùng, điều đó cho thấy khả năng miễn dịch đang suy giảm, làm khả năng tự hồi phục kém đi.

Dễ bị dị ứng, phát ban

Hệ miễn dịch kém sẽ khiến cơ thể dễ gặp tình trạng dị ứng hoặc phát ban.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, tình trạng di ứng có thể xuất phát từ việc hệ thống miễn dịch siêu nhạy và khi đó dị ứng là dấu hiệu cho thấy hệ miễn dịch đang bảo vệ cơ thể bạn.

Các vấn đề về tiêu hóa

Nhiều người thường không để ý tới các vấn đề liên quan đến tiêu hóa như co thắt dạ dày, đầy hơi, chướng bụng, tiêu chảy, táo bón. Tuy nhiên, chúng cũng có thể là dấu hiệu của chứng rối loạn chức năng hệ miễn dịch như bệnh celiac, viêm loét đại tràng, rối loạn tuyến giáp.

Tăng hoặc giảm cân không lý do

Một số bệnh rối loạn miễn dịch ảnh hưởng đến tuyến giáp. Cơ quan này kiểm soát rất nhiều quá trình trao đổi chất trong cơ thể. Nếu nó bắt đầu sản xuất quá nhiều hormone hoặc không sản xuất đủ hormone, bạn có thể bị giảm hoặc tăng cân đột ngột.

Mũi thường bị khô

Nhờ các chất nhầy trong mũi, virus bị giữ lại và loại bỏ ra khỏi cơ thể. Vì thế, khi mũi quá khô, đặc biệt trong những ngày lạnh, vi khuẩn sẽ dễ dàng xâm nhập hơn.

Trong trường hợp tình trạng mũi khô chỉ diễn ra tạm thời, có thể rửa mũi bằng nước muối hoặc sử dụng máy tạo hơi ẩm. Nếu mũi khô mãn tính, tốt nhất hãy gặp bác sĩ để xác định nguyên nhân và có cách điều trị thích hợp.

Thường xuyên căng thẳng

Không phải ngẫu nhiên mà mọi người dễ bị cảm hơn khi bị áp lực công việc đè nặng. Báo cáo do Hiệp hội Tâm lý Học Mỹ cho hay, căng thẳng kéo dài làm hệ miễn dịch hoạt động yếu đi. Ngoài ra, “nếu nhiễm cúm khi đang stress, các triệu chứng sẽ ngày càng trở nặng”, theo Tiến sĩ Philip Tierno, trưởng khoa vi sinh học và miễn dịch học, ĐH New York (Mỹ).

Làm thế nào để tăng cường hệ miễn dịch:

– Không hút thuốc lá.

– Có một chế độ ăn uống nhiều trái cây và rau quả.

– Tập thể dục thường xuyên.

– Duy trì cân nặng khỏe mạnh.

– Nếu uống rượu, chỉ uống chừng mực.

– Ngủ đủ giấc.

– Tránh nhiễm khuẩn như rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc nước sát khuẩn và nấu thịt chín kỹ.

– Cố gắng giảm thiểu căng thẳng.

– Bổ sung các chất dinh dưỡng sau vào thực đơn hằng ngày: 

Chất đạm đóng một vai trò trong hệ miễn dịch của cơ thể, đặc biệt là để chữa bệnh và phục hồi cơ thể. Ăn nhiều loại thực phẩm giàu chất đạm như hải sản, thịt nạc, thịt gia cầm, trứng, các loại đậu, các chế phẩm từ đậu nành và các loại hạt không ướp muối.

Vitamin A giúp điều chỉnh các tế bào miễn dịch và bảo vệ chống nhiễm trùng bằng cách giữ cho da và các mô trong miệng, dạ dày, ruột và hệ hô hấp khỏe mạnh. Bổ sung vitamin A từ các thực phẩm như khoai lang, cà rốt, bông cải xanh, cải bó xôi, ớt chuông đỏ, quả mơ, trứng hoặc thực phẩm có tăng cường vitamin A như sữa hoặc một số loại ngũ cốc.

Theo Sức khỏe