Những câu chuyện của Sài Gòn hôm nay

Cần nghiêm cấm kéo cuộn kẽm gai rào dậu đường sá, hẻm hóc. Nó chọc thẳng vào trạng thái căng thẳng, đau đớn của người Sài Gòn.

Bác sĩ ngoại khoa tim mạch Chu Trọng Hiệp của bệnh viện Tâm Đức, kể: “Sáng trên đường đi làm thấy người dân vẫn buôn bán lén lút trên đường Phạm Hùng, họ biết là phạm luật, họ biết là nguy hiểm và dễ lây lan dịch nhưng nếu không ra đường buôn bán thì lấy đâu ra tiền mà mua gạo, rau chứ đừng nghỉ đến thịt cá…họ có nghĩ đến họ đâu họ lo cho con cái và cha mẹ già của họ.

Bắt họ đi rồi quay lưng thấm nước mắt, vì họ cũng như mẹ, như chị của mình.

Trong khu dân cư tôi ở, có mấy chị rỗi hơi, suốt ngày đi đọc trên mạng xã hội thấy có trường hợp nào cần hỗ trợ là kêu gào mọi người chung tay, vậy mà biết bao nhiêu em sinh viên, biết bao gia đình nhập cư có gạo , mì gói, nhu yếu phẩm…. Để sống sót qua mùa dịch.

Giờ mới thấm câu của lãnh đạo thành phố “lấy sức dân để lo cho dân” đúng quá đi chứ, chuyện gì khó thì cứ đẩy hết cho dân, dân chịu đựng quen rồi mà.

Hôm qua trời mưa, mưa rất lớn, ai có một mái ấm gia đình là điều may mắn, ai ở trong căn nhà dột cũng may mắn hơn những bệnh nhân giờ phải che tạm áo mưa để được điều trị trong sân bệnh viện, giờ này có một chỗ để thở oxy cũng không phải dễ!

Rồi ngày lại qua ngày, cuộc sống vốn vô thường, nhiều người thân, họ hàng, bệnh nhân đã ra đi… Thôi cố gắng lên, gắng sống cho đẹp như câu hát nghêu ngao của Trịnh hồi nào: Sống trong đời sống cần có một tấm lòng/ Để làm gì em biết không?/ Để gió cuốn đi!…”.

Một chuyện khác của dáng dấp thuyết âm mưu về ‘tham nhũng y tế’, khi có người ngờ rằng nhập kit thử về nhiều quá rồi, giờ phải cố để mà… ‘giải ngân’ thôi.

Số là đầu tháng 7-2021, theo lệnh của bề trên, chính quyền TP.HCM đã tổ chức xét nghiệm trên diện rộng đến độ phía ông chủ tư nhân Vingroup nghe đâu đã đưa đến 4.000 nhân sự từ miền Bắc vào đây để ‘phụ’.

Tầm soát nửa chừng thì dịch đã bùng tới nay. Giờ lại xét nghiệm trên diện rộng đợt nữa, xem chừng để lan dịch và gây tốn kém cho ngân sách, chứ khó tác dụng gi trong bối cảnh hiện tại. Bởi lẽ, mọi bệnh viện dã chiến đều quá tải, các F0 nhiều nơi được test dương rồi, thế nhưng cả tuần lễ sau chả thấy ai tới test tiếp cho gia đình ấy, thậm chí ngay cả F0 đó đã tử vong ngay tại nhà.

Và các F0 hiện nay điều trị ở nhà theo hướng dẫn trên báo chí, chứ chưa có đủ bác sĩ hướng dẫn từng gia đình có F0.

Như vậy, nếu xét nghiệm toàn thành phố, tiếp tục phát hiện ra nhiều F0 thì chính quyền sẽ làm gì, làm như thế nào khi tất cả y tế đã quá tải?.

Bác sĩ chuyên khoa nhiễm Trương Hữu Khanh của bệnh viện Nhi Đồng 1, ý kiến: “Nếu cho rằng dùng xét nghiệm quét ào ào như những lần trước rồi phân vùng xanh là chưa hiểu chủng delta. Mục tiêu bây giờ là bằng mọi cách bảo vệ nhóm nguy cơ”.

Giờ là chuyện của ‘sức dân giúp dân’.

Ông bạn Đan Nam của người viết là dân gốc Trà Vinh, sống ở Sài Gòn, vốn có tài nấu nướng kể bằng giọng tưng tửng rặt xứ Nam bộ: Có mấy cha thợ hồ dân xứ Quảng bị kẹt lại ở công trình trong xóm, mà xóm bị giăng dây hết rồi, thấy ngày nào mấy cha cũng ăn mì gói, nhìn cũng tội mà hong có kệ được.

Nay nấu chút cơm, mần miếng đồ ăn đem qua cho mấy chả, nói, tui hỏng có gì chỉ có bữa cơm bình dân ăn cho qua bữa nghen. Có cái anh, chắc già nhất đám, nhìn xửng cá khoai chưng trứng mới hấp còn nóng hổi, thốt lên, “Chu choa, món gì mà nhìn lạ rứa bây, nhìn thôi là thấy ngon rồi đó em”.

“Cá khoai chưng trứng đó cha, món miền Tây đó, ăn đi cho biết”.

Khỏi mời lần hai, mấy cha cám ơn ríu rít rồi xà vô ăn, cứ luôn miệng ngon quá ngon quá, nào giờ mới biết cá khoai làm món ni đó.

Tui cười, hỏng lẽ nói, ngon quá tại cả tháng rồi mấy ông đâu có ăn cơm, toàn mì gói chơi tới bến luôn mà. Lại muối mặt qua nhà nhỏ kia xin canh, nhà hết rau cỏ nên hỏng có nấu canh, nhỏ ủng hộ một nồi canh mướp, mà mấy chả ăn gần hết rồi.

Mùa ôn dịch thấy ai cũng khổ, chia được gì thì chia, sẻ được gì thì sẻ, mà mớ cá khoai với trứng cũng bạn bè cứu bồ chứ đâu ra.

Thằng nho nhỏ nó nói câu mà tui ngớ người hong hiểu nó nói gì, cái cha kia dịch lại, nó nói cơm anh nấu ngon quá à, phải chi ngày nào cũng được ăn.

Thằng nhỏ cười, giơ một ngón tay, rồi nói em cảm ơn.

Đậu má, giờ mới nghe ra được câu cảm ơn, còn mấy câu hồi nãy chim hót chứ có phải nó nói đâu.

Nghe nó nói tự nhiên tui muốn lên tăng xông…

Theo VNTB