Nhật ký tiết lộ vị trí kho báu của Đức Quốc Xã

Cuốn nhật ký thuộc sở hữu của hội Tam Điểm trong nhiều thập kỷ có thể chứa bản đồ mô tả kho báu Đức Quốc Xã cất giấu.

Cuốn nhật ký được viết cách đây 75 năm bởi một binh sĩ thuộc lực lượng vũ trang Waffen Schutzstaffel (Waffen-SS) với bí danh “Michaelis”, nêu tóm tắt kế hoạch của Heinrich Himmler, thống chế đội cận vệ của Đức Quốc Xã, nhằm che giấu những của cải, cổ vật và tác phẩm nghệ thuật vô giá cướp bóc ở châu Âu.

Nhật ký liệt kê 11 địa điểm nơi Đức Quốc Xã che giấu vàng, đồ trang sức, tranh vẽ và báu vật tôn giáo. Một địa điểm được nhắc đến là miệng giếng bỏ hoang sâu gần 60 m, nằm dưới cung điện thế kỷ 16 Hochberg ở làng Roztoka, phía tây nam Ba Lan. Vàng ở đáy giếng được cho là đến từ ngân hàng Reichsbank ở thị trấn Breslau, ngày nay là thành phố Wrocław của Ba Lan, ước tính trị giá hàng tỷ USD.

Trong nhiều thập kỷ sau Thế chiến II, nhật ký Michaelis được cất giấu ở thị trấn Quedlinburg của Đức. Cuốn nhật ký thuộc sở hữu của một hội quán Tam Điểm, tổ chức đã tồn tại hơn 1.000 năm. Những quan chức cấp cao của Đức Quốc Xã cũng là thành viên của hội. Michaelis, một thành viên hội Tam Điểm lúc đó, phụ trách mạng lưới giao thông của Đức Quốc Xã ở tây nam Ba Lan. Sau này, các thành viên của hội quán bao gồm con cháu của quan chức Đức Quốc Xã.

Nhưng năm 2019, hội quán trao lại cuốn nhật ký cho hiệp hội Silesian Bridge ở Ba Lan. Bên trong cuốn nhật ký có bản đồ đánh dấu vị trí của miệng giếng ở khuôn viên cung điện Hochberg, nơi cất kho báu của Đức Quốc Xã, theo Roman Furmaniak, đại diện hiệp hội Silesian Bridge. Tài liệu cũng cho biết sau khi cất giấu kho báu, Đức Quốc Xã đã giết những nhân chứng và phi tang xác dưới giếng, sau đó dùng thuốc nổ để bịt kín miệng giếng.

Các chuyên gia bảo tồn xác định cuốn nhật ký được viết vào Thế chiến II, nhưng Bộ Văn hóa và Di sản quốc gia Ba Lan chưa xác nhận độ tin cậy của nó, theo Magdalena Tomaszewska, phát ngôn viên của bộ. Tuy nhiên, cung điện nằm ở vùng Hạ Silesia, khu vực có nhiều hang động, hầm mỏ và đường hầm cũng như những lâu đài và cung điện với hầm rộng, cung cấp cho Đức Quốc Xã nhiều nơi để cất giấu của cải, thậm chí cả tác phẩm nghệ thuật lớn. Hiện nay, những người chủ của cung điện Hochberg đang lên kế hoạch tu sửa công trình và công tác bảo tồn sẽ bao gồm tìm kiếm chiếc giếng bị chôn vùi.

Theo Khoa học