Nhật chi 1,6 tỷ USD mua tên lửa Tomahawk

Tên lửa Tomahawk được phóng từ một tàu khu trục của Mỹ

Bên cạnh việc mua tên lửa hành trình Tomahawk, Nhật Bản cũng sẽ bỏ ra 1,08 tỷ USD để củng cố năng lực tấn công tầm xa thông qua việc mua 8 máy bay chiến đấu tàng hình có khả năng hạ cánh thẳng đứng F-35B của Mỹ để biên chế cho các tàu sân bay trực thăng Kaga và Izumo của nước này.

Khoản kinh phí 1,6 tỷ USD dùng để mua tên lửa hành trình Tomahawk là một phần trong gói ngân sách quốc phòng kỷ lục vừa được nội các Nhật Bản công bố ngày 23/12.

Theo Al Jazeera, bên cạnh khoản kinh phí 1,6 tỷ USD để mua tên lửa hành trình Tomahawk từ Mỹ, Tokyo phải bỏ ra thêm 830 triệu USD để mua lại công nghệ và phần mềm cần thiết để vận hành và duy trì loại vũ khí này.

Theo nhà sản xuất Raytheon, với tầm bắn trên 1.500 km cùng khả năng bay tầm thấp để tránh sự phát hiện của radar, tên lửa hành trình Tomahawk là vũ khí được quân đội Mỹ và các nước đồng minh sử dụng trong nhiều cuộc xung đột.

Khoản kinh phí dùng để mua sắm tên lửa hành trình Tomahawk là một phần của gói ngân sách quốc phòng kỷ lục trị giá 55 tỷ USD vừa được nội các Nhật Bản công bố vào ngày 23/12, cao hơn 20% so với ngân sách quốc phòng của nước này vào năm 2022.

Khoản kinh phí dành cho quốc phòng được công bố ngày 23/12 là một phần của gói ngân sách trị giá 863 tỷ USD vừa được nội các của Thủ tướng Fumio Kishida thông qua và bắt đầu được áp dụng từ tháng 4/2023.

Sau khi được nội các Nhật Bản chấp thuận, khoản ngân sách trên sẽ cần được Quốc hội của nước này phê chuẩn.

Bên cạnh việc mua tên lửa hành trình Tomahawk, Nhật Bản cũng sẽ bỏ ra 1,08 tỷ USD để củng cố năng lực tấn công tầm xa thông qua việc mua 8 máy bay chiến đấu tàng hình có khả năng hạ cánh thẳng đứng F-35B của Mỹ để biên chế cho các tàu sân bay trực thăng Kaga và Izumo của nước này.

Ngoài ra, một phần trong ngân sách quốc phòng năm 2023 của Nhật Bản sẽ được dùng cho dự án phát triển vũ khí thế hệ tiếp theo của nước này như tên lửa siêu vượt âm và chiến đấu cơ tàng hình.

Việc tăng ngân sách quốc phòng lên mức cao kỷ lục là một phần của Chiến lược An ninh Quốc gia mới của Tokyo, với mục tiêu tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng của Nhật Bản lên mức 2% GDP của nước này vào năm 2027.

Theo đó, kế hoạch này sẽ đưa mức chi tiêu quốc phòng của Nhật Bản lên mức 73 tỷ USD vào năm 2023, trở thành quốc gia có ngân sách quốc phòng lớn thứ 3 thế giới, sau Mỹ và Trung Quốc.