Nhật chê tên lửa diệt hạm Mỹ quá đắt

Nhật có thể hủy kế hoạch mua tên lửa diệt hạm tầm xa do Mỹ chế tạo với lý do chi phí đội lên quá cao.

Tiêm kích F-15 trong biên chế Nhật Bản. Ảnh: Jetphotos.

Chính phủ Nhật Bản đang xem xét hủy kế hoạch mua tên lửa hành trình diệt hạm và đối đất tầm xa phóng từ máy bay do Mỹ chế tạo để trang bị cho lực lượng tiêm kích F-15 do chi phí tăng gấp nhiều lần đề xuất. Điều này có thể giúp Tokyo tiết kiệm hàng trăm triệu USD, quan chức cấp cao giấu tên trong chính phủ Nhật cho biết hôm 19/6.

Dự án mua tên lửa tầm xa của Mỹ được Bộ Quốc phòng Nhật Bản đề xuất nhằm đối phó với động thái tăng cường lực lượng của Trung Quốc quanh lãnh thổ và vùng biển gần Nhật Bản, trong đó có chuỗi đảo Ryukyu ở tây nam.

Tokyo dự kiến mua tên lửa đối đất AGM-158 JASSM và phiên bản chuyên diệt hạm AGM-158C LRASM với tầm bắn hàng trăm km. Các vũ khí này được kỳ vọng sẽ tăng khả năng chiến đấu cho phi đội tiêm kích hạng nặng F-15J, cho phép chúng tấn công nhiều mục tiêu từ ngoài tầm bắn của phòng không đối phương.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng dự kiến giảm số lượng tiêm kích F-15 được hiện đại hóa, so với 70 chiếc theo kế hoạch. Các tập đoàn quốc phòng Mỹ đã nâng chi phí hiện đại hóa số tiêm kích này lên gấp 3 lần ban đầu, từ mức hơn 700 triệu USD lên gần 2,2 tỷ USD, với lý do nguồn cung thiết bị điện tử cho chương trình đang khan hiếm.

Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản (JASDF) đang biên chế khoảng 200 tiêm kích hạng nặng F-15J một chỗ ngồi và F-15DJ hai chỗ ngồi. Chúng đóng vai trò xương sống, bảo đảm khả năng tuần tra và đánh chặn tầm xa của Tokyo.

Theo Kyodo