Nhân sự đảng khoá XIII: vẫn là ý đảng hay thuận lòng dân?!

Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, ông Huỳnh Thanh Mẫn phát biểu trước Quốc hội hôm 20/5 rằng cử tri và nhân dân rất quan tâm đến quá trình chuẩn bị Đại hội Đảng 13, đặc biệt là nhân sự.

Theo ông Mẫn, “Cử tri, nhân dân mong muốn các cấp ủy đảng khi tổ chức đại hội cần quan tâm đến chất lượng, lựa chọn được những cán bộ tiêu biểu về phẩm chất chính trị, năng lực, trí tuệ, xứng đáng tham gia cấp ủy nhiệm kỳ mới, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ xứng tầm, đáp ứng yêu cầu hội nhập, phát triển của đất nước”

Trong thực tế, người dân Việt Nam có được tham gia ý kiến vào tiến trình chọn lựa những cán bộ quản lý đất nước không?

“Góp ý của dân không bao giờ được lắng nghe”

Ông Đặng Xương Hùng, cựu lãnh sự Việt Nam ở Geneva từ 2008 đến 2012, đã nộp đơn xin tị nạn tại Thuỵ Sỹ vào năm 2013, nhận xét rằng phát biểu vừa nêu của ông Chủ tịch MTTQ tiếp tục là những lời nói sáo rỗng, hình thức. Thực tế lâu nay, không có ý kiến của người dân nào có thể tác động được đến kết quả nhân sự của đảng, đặc biệt là tầng lớp lãnh đạo:

“Cái câu đó chỉ là giáo điều. Còn câu chuyện của lãnh đạo và ai sẽ là lãnh đạo thì do đảng sắp xếp hết.

Câu nói đó chả bao giờ sai cả, vì nhân dân bao giờ cũng mong muốn có người lãnh đạo giỏi để lãnh đạo đất nước. Tuy nhiên, chả bao giờ như thế đâu.

Làm sao người dân mà có quyền quyết định được. Chỉ có trong một bộ với nhau cũng còn tranh giành nhau đi dự Đại hội để có thể vào Trung ương.”

Hình minh hoạ. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (trái và Trưởng Ban tuyên giáo TƯ Đinh Thế Huynh (phải) tại họp báo kết thúc đại hội 12 ở Hà Nội hôm 28/1/2016

Hình minh hoạ. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (trái và Trưởng Ban tuyên giáo TƯ Đinh Thế Huynh (phải) tại họp báo kết thúc đại hội 12 ở Hà Nội hôm 28/1/2016 AFP

Ông Lê Công Giàu, nguyên Phó bí thư Thành đoàn TPHCM, cho hay trên thực tế có rất ít người quan tâm đến tình hình nhân sự, lãnh đạo của đất nước. Bởi vì, thứ nhất là người dân không được thông tin đầy đủ về các ứng viên lãnh đạo nhà nước. Thứ hai là số ít người có ý kiến thì không được lắng nghe:

“Qua những Đại hội đảng trước đây thì tác động của người dân đối với vấn đề nhân sự là rất ít. Số người có ý kiến không nhiều. Chính vì vậy cho nên Đại hội không có gì gọi là có ý kiến của người dân.

Lần này, sự quan tâm có nhiều hơn nhưng có một điểm là người dân không có thông tin. Ví dụ như hội nghị vừa rồi người ta bàn vấn đề nhân sự, thậm chí có bỏ phiếu thăm dò ý kiến coi thử ai có uy tín, cái đó người dân cũng không biết. Nếu không biết thì làm sao họ có thể thể hiện sự quan tâm được. Đó là vấn đề rất lớn trong các kỳ Đại hội, lần nào cũng thế, là không công khai.

Có những người quan tâm nhưng người ta không có thông tin nên thôi, người ta cũng bỏ qua. Những Đại hội trước người ta thấy rằng những ý kiến của người dân thì đã không tiếp thu không nghe cho nên họ cũng nản họ không muốn quan tâm nữa.”

Ông Giàu chia sẻ thêm rằng cá nhân ông khi còn làm cán bộ nhà nước cũng đã rất nhiều lần gởi thư góp ý nhưng không ai lắng nghe và trả lời nên sau này ông cũng không nói thêm nữa.

Thể hiện đảng luôn làm theo nguyện vọng người dân

Cả hai  ông Lê Công Giàu và Đặng Xương Hùng đều nêu ra thực tế  đảng dù không lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, nhưng các tổ chức được coi là “cánh tay nối dài của đảng” như MTTQ vẫn phải phát biểu như thể “Ý đảng, lòng dân” là một:

Tất cả những thứ đó chỉ như là một cái bánh vẽ để cho tất cả các cuộc bầu cử diễn ra như là theo nguyện vọng của người dân. – Đặng Xương Hùng

Ông Đặng Xương Hùng nói:

“Quốc hội là đại diện của người dân mà người dân còn chả được có tiếng nói. Quốc hội thì người ta cũng chỉ bầu những người mà đã chọn chứ có ai mà được nhân dân cử ra đâu. Tất cả những thứ đó chỉ như là một cái bánh vẽ để cho tất cả các cuộc bầu cử diễn ra như là theo nguyện vọng của người dân.

Thành lập những bộ máy như MTTQ như để đại diện của các tầng lớp nhân dân dân, có vai trò như là một trung gian để tác động đến Quốc hội, đến Đại hội đảng. Nó chỉ là một tổ chức tô vẽ thêm cho cho Đảng, cho Quốc hội thôi.”

Theo ông Lê Công Giàu, nhiệm vụ của ông chủ tịch MTTQ là phải phát biểu như vậy; nhưng thực chất thì không phải thế:

“Công việc của ông ấy, nhiệm vụ của ông ấy là phải nói như thế. MTTQ là phải gần gũi với quần chúng. Theo lý thuyết là một tổ chức phải quan hệ chặt chẽ với quần chúng và lắng nghe ý kiến của người dân. Từ đó báo cáo lên cho đảng và nhà nước. Đó là việc họ phải làm.

Còn cái việc làm đó có thực chất hay không thì lại là chuyện khác. Tôi ví dụ như là ở thành phố hay trung ương hoặc là của tỉnh có thể tổ chức những cuộc họp nhân dân để lấy ý kiến về chuyện Đại hội. Nhưng mà những thành phần được mời thì do họ lựa chọn, những người vô họp thì chỉ nói một vài lời nói chung chung, nói cho có chứ không có thực chất.

Nhưng mà sau cái đó thì ông chủ tịch MTTQ của tỉnh hoặc của trung ương phải báo cáo rằng tôi đã có họp người dân rồi và người ta quan tâm. Chứ còn thực chất thì không phải là người dân thực sự quan tâm.”

Nhân sự là kết quả của “đấu đá nội bộ”

Với kinh nghiệm là một quan chức Ngoại giao, ông Đặng Xương Hùng khẳng định với RFA rằng mỗi kỳ Đại hội đảng sắp đến là lúc để các quan chức đấu đá, tranh giành chức vụ cho nhiệm kỳ sau:

“Họ chỉ dựa vào tương quan lực lượng, đấu đá đá giữa các cá nhân, cũng như lợi ích nên phải bảo vệ đảng. Tất cả những yếu tố đó sẽ quyết định đảng chọn ai làm Tổng bí thư.”

Ông Lê Công Giàu lý giải, chính vì sự không minh bạch về công tác lựa chọn nhân sự nên đã tạo ra nhiều đồn đoán trong dư luận về những cuộc “thanh trừng” nhau trước Đại hội đảng:

“Chuyện đấu đá nội bộ dư luận người ta nói nhiều, nhưng mà tại sao người ta lại nói như thế? Bởi vì người ta thấy rằng sau khi Đại hội xong, thì trong những người được chọn, có những người không đạt được những tiêu chuẩn, và có nhiều người rất tai tiếng nhưng vẫn trúng cử.

Ở những nước khác là người ta phải công khai hết những nhân vật ra tranh cử, phải tranh luận công khai hết thì người dân theo dõi người ta mới biết ông nào được hay là không được. Còn những tiêu chuẩn mà nói trên lý thuyết thì rất là cao xa, xa vời.”

Sáng 11/5, Hội nghị Trung ương 12, khóa XII đảng cộng sản Việt Nam khai mạc tại Hà Nội và kéo dài trong 3 ngày. Đây là hội nghị bàn về công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội đảng vào đầu năm sau.

Trong bài phát biểu, ông Tổng bí thư, chủ tịch nước Nguyễn Phú trọng nhấn mạnh, nhân sự khoá mới phải chọn những người “vừa có Đức vừa có Tài, trong đó Đức là gốc”, tuyệt đối tránh tình trạng “cua cậy càng, cá cậy vây”, tự cao tự đại, coi thường người khác”.

Giới quan sát trong nước cho rằng phát biểu của ông Nguyễn Phú Trọng không có gì mới. Đó là những khẩu hiệu bị cho là sáo rỗng, nói để mà nói chứ thực tế không hề có những nhân sự lý tưởng như thế.

Theo RFA