Home Hải Ngoại Nhà văn Nguyễn Danh Lam kể về ‘giấc mơ Mỹ’

Nhà văn Nguyễn Danh Lam kể về ‘giấc mơ Mỹ’

Nhà văn Nguyễn Danh Lam
Nghe đọc bài

Sau bảy năm qua Mỹ, một nhà văn nói: “Khi cầm tấm hộ chiếu có hình con đại bàng trên tay, mình vô cùng xúc động, xúc động thực sự, vì đó là những ngày tháng đầy thử thách mà mình đã vượt qua, mình đã được nối bước theo những con người can trường, chăm chỉ lớp trước, đóng góp cho quốc gia vĩ đại này.”

Gần 50 tuổi, có bao giờ bạn nghĩ, mình sẽ bắt đầu bước chân vô học một… trường đại học mới? Hơn thế nữa, khi bước chân vô “trường đại học” này bạn gần như không có đường thoái lui; không được phép… thi rớt một môn nào, vì nếu rớt, có thể liên quan đến cả vận mệnh đời sống của bạn, của gia đình, con cái bạn; “trường đại học” này không chỉ “lơ mơ” ở mức học lý thuyết – rất ít lý thuyết, nó là thực tế, sống động, khắc nghiệt, ngay tức thì; bạn có thể phải bắt đầu “trường đại học” này với hai bàn tay trắng, thậm chí là con số âm, vì bạn chưa biết cả ngôn ngữ để theo học nó…

Ví von một chút cho vui, nhưng ví von này cũng đúng, khi quyết định đặt chân qua Mỹ nghĩa là bạn bước vào một trường học mới, sau 5 năm, bạn được thi quốc tịch. Và khi cầm tấm bằng quốc tịch, cầm cuốn hộ chiếu mang tên mình cùng đất nước mới, nghĩa là bạn đã tốt nghiệp.

No photo description available.
“Ở cái xứ sở này, chỉ cần làm việc đàng hoàng, sống thượng tôn pháp luật là bạn sẽ bình yên”

Hơn 7 năm trước, lúc 44 tuổi, khi mình đã có trong tay một cuộc sống, có thể coi như “ổn thỏa mọi sự” tại Việt Nam. Ở trung tâm thành phố lớn, thu nhập ổn, sự nghiệp đang trong giai đoạn có nhiều thành tựu nhất, được đi đó đi đây nhiều nơi trên thế giới… Thế mà mình quyết định, bỏ lại tất cả, để chinh phục một thử thách mới.

Đặt chân qua Mỹ, “hiện thực” ngay lập tức ập tới. Mình đã dự liệu trước bằng kinh nghiệm của một gã đã trưởng thành. Hơn thế nữa, chính mình đã có cả một tuổi thơ, tuổi mới lớn, tuổi xuân với vô vàn khốn khó, phải tự mình bươn chải để có được những thứ mình đã có. Ấy thế nhưng, hiện thực mới thậm chí còn khắc nghiệt hơn cả những gì “gã trưởng thành” có thể hình dung.

Sau vài năm đầu tiên, mình đã “cày” rất nhiều thứ “nghề” “giang hồ” nhất. Từng đi bưng phở, phụ quán ăn. Từng đu tường, leo mái nhà, bắt internet dưới cái nóng, cái lạnh khắc nghiệt của xứ sa mạc. Từng làm “phụ hồ”, “thợ đụng”, đào cống rãnh, xây tường… dưới tiết trời âm độ C, khi mà bạn cầm cây xẻng cắm xuống nước, mặt băng trên đó vỡ ra từng mảng. Từng lái xe xa nhà hơn 1 ngàn cây số, sống trong một cánh rừng hoang vu, không có điện, rất hiếm nước, để làm công việc sửa nhà sau một cơn bão. Nơi ấy, mình đã ăn, ngủ, sống, làm việc trong những chiếc container, dưới cái nóng hơn 40 độ C, cùng những anh em giang hồ, ra tù vào tội theo nghĩa đen. Những đêm ngồi uống cùng nhau, kể chuyện đời.

Những mảnh đời… kinh dị nhất, xuyên quốc gia, không có bất cứ nhà văn nào có thể hình dung bằng trí tưởng tượng. Những mối quan hệ “đồng sự”, “chủ tớ”, những va chạm nghiệt ngã. Một chuyến đi thăm thẳm không biết ngày về. Tối tối gọi cho con gái, nó khóc nói nhớ bố. Thế là tối thứ Bảy, sau khi ăn vội một gói mì, mình quyết định lái xe xuyên đêm, hơn 1 ngàn cây số về nhà, chỉ để chơi cùng con đúng 1 buổi chiều, để gần tối hôm sau lại lái xe hơn 1 ngàn cây số quay lại chỗ làm.

Và ra công trường ngay lập tức khi đến nơi. Qua những ngày tháng ấy, mình có thể tự tin, trong những người viết văn xuôi của VN, hiếm người nào có được những thực tế “sát rạt” như mình nơi đất Mỹ. Và mình “để đó”, ít năm nữa sẽ phải quay lại cầm bút.

Sau 7 năm, mình đã “giang hồ” qua khoảng 40 tiểu bang trên đất Mỹ bằng đường bộ. Sống nhiều cuộc đời, nhiều cung bậc khác nhau, gặp vô vàn sự kiện, chân dung con người… Mình tự hào, tự tin với mọi công việc mình đã làm. Không có bất cứ nghề nào là “hạ cấp”. Qua chính nó, mình đã có ngày hôm nay, an nhiên, vui vẻ, yêu thương con người. Mọi thử thách đều… nhẹ bẫng.

Một phần thôi thúc mình phải vượt qua tất cả, chính là những mẫu người can trường đã tạo dựng nên đất nước vĩ đại này. Dân tộc nào, quốc gia nào cũng có những tự hào về mình. Nhưng khách quan nhất, có lẽ chính là những người từ muôn phương lưu lạc, hay tìm đến mảnh đất bao la, khắc nghiệt này. Và tạo dựng nên một đất nước vĩ đại bậc nhất, được cả thế giới thừa nhận hôm nay. Họ vừa can trường, vừa quả cảm, nhưng cũng đầy lòng nhân ái, bao dung. Họ làm việc như chiến binh và sống như Kinh Thánh. Và hơn cả, họ đã chọn một con đường đúng, biết thừa nhận và sửa sai trong những sai lầm, để mọi việc mình làm đều gặt hái được những thành quả mà ai cũng phải thừa nhận.

Hiện mình đã có một cuộc sống… tạm ổn. Được đi làm, đóng thuế đầy đủ, tuân thủ luật pháp nơi quốc gia mới của mình. Và được quốc gia này bao bọc trong lòng nó, cũng như khi đi đến mọi nơi trên thế giới. Mình vẫn “cày bừa” chăm chỉ, ngày đi làm; đêm đi học, đi tập thể thao kín 6/7 ngày trong tuần.

Càng đọc nhiều, sống nhiều, tìm hiểu tận nơi, mình càng yêu cái quốc gia mà mình đã trở thành một phần của nó. Khi cầm tấm hộ chiếu có hình con đại bàng trên tay, mình vô cùng xúc động, xúc động thực sự, vì đó là những ngày tháng đầy thử thách mà mình đã vượt qua, mình đã được nối bước theo những con người can trường, chăm chỉ lớp trước, đóng góp cho quốc gia vĩ đại này.

Nhân ngày 4 tháng 7, sinh nhật nước Mỹ, mình gõ những dòng này trong tiếng pháo bông nổ tưng bừng khắp nơi. Pháo bông do chính người dân tự bắn. Những là cờ rực rỡ trước nhà do chính người dân tự treo. Họ yêu quốc gia này, tự hào về quốc khánh của quốc gia này một cách đầy tự nguyện. Họ cũng như mình, là nước Mỹ, là người Mỹ.

Nguyễn Danh Lam

Exit mobile version