Nguyễn Xuân Phúc công khai chế độ công an trị, nhắc công an ‘còn Đảng còn mình’

Thủ tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Công an Trung ương diễn ra ở Hà Nội hôm 12/10/2020. Courtesy of Zing
Nghe đọc bài

Việc người đứng đầu Chính phủ CSVN đưa phát ngôn chỉ đạo ngành công an “phải thấm nhuần nhận thức còn Đảng là còn mình” cho thấy nhà cầm quyền nay không còn che đậy về chế độ công an trị và chủ trương dùng công an để duy trì sự tồn tại Đảng, trấn áp mọi tiếng nói đối lập.

Hôm 12/10/2020, nhiều báo nhà nước cùng dẫn phát ngôn của Thủ tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Công an Trung ương diễn ra ở Hà Nội: “Cán bộ, chiến sĩ công an phải thấm nhuần nhận thức còn Đảng là còn mình. Trong bất cứ hoàn cảnh, điều kiện nào, lực lượng công an phải kiên định nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp, toàn diện về mọi mặt đối với công an nhân dân.”

Nguyễn Xuân Phúc ‘nắm’ công an

Tại sự kiện, ông Phúc cũng khen ngợi ngành công an “đã đấu tranh quyết liệt với mọi hoạt động của các thế lực thù địch, phản động, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hoạt động khủng bố, xử lý nhiều vụ kích động chống phá, biểu tình gây rối an ninh trật tự, xử lý nhiều đối tượng chống đối phản động trong nước, ngăn chặn nhiều âm mưu của các phản động lưu vong…”

Tương phản với phần tường thuật trên báo đảng, giới trí thức trên mạng đặt vấn đề rằng phải chăng nhà cầm quyền CSVN nay không còn che đậy chế độ công an trị.

Luật sư Luân Lê bình luận trên trang cá nhân: “Vậy nhân dân ở đâu trong mệnh đề này? Chúng ta chỉ có danh từ ‘công an nhân dân’ và ‘Luật Công an nhân dân’. Công an từ nhân dân mà ra và vì nhân dân mà phục vụ, vì nhận quyền lực của dân và nhận lương của dân. Không có tổ chức nào được đứng trên hay cần thiết hơn nhân dân.”

Tổng bí thư, Chủ tịch nước CSVN Nguyễn Phú Trọng thường xuyên chỉ đạo ngành công an. Courtesy of Thanh Nien

Ông Mạc Văn Trang, nhà quan sát nay sống ở Sài Gòn, đặt câu hỏi: “Thủ tướng Phúc nói toẹt ra rồi nhé! Vậy là từ nay đảng trả lương cho công an?”

Ông Trang dẫn lại trường hợp cảnh sát chống bạo động ở Ukraine, Đông Âu, từng phải quỳ gối xin lỗi dân vì trấn áp người biểu tình và bình luận: “Đảng cầm quyền và chính quyền sụp đổ, chính quyền mới lên thay. Công an lập tức quỳ gối xin lỗi dân và lại tiếp tục phục vụ chính quyền mới. Quân đội và công an đều như vậy thôi. Làm gì có chuyện còn đảng còn mình?” 

Việc ông Phúc đứng ra chỉ đạo Đại hội đại biểu Đảng bộ Công an Trung ương cho thấy ông đang “nắm” ngành công an, chứ không phải Tổng bí thư, Chủ tịch nước CSVN Nguyễn Phú Trọng. Trong khi mới hồi trung tuần Tháng Chín, 2020, ông Trọng còn là người chỉ đạo Đảng ủy Công an trung ương “xây dựng lực lượng trong sạch vững mạnh, tuyệt đối trung thành với Đảng…”

Bao giờ công an ở Việt Nam “phi đảng phái”?

Đáng lưu ý, phát ngôn của ông Phúc được đưa ra trong bối cảnh ngành do ông Tô Lâm đứng đầu đang được “vẽ” hàng loạt dự án tiêu tốn hàng triệu đô la từ tiền thuế dân. Trong số đó, đáng kể là dự án đồi thẻ căn cước gắn chip, giành quyền sát hạch và cấp phép lái xe, thống nhất quản lý các lực lượng bán vũ trang cơ sở, nhận quản lý an ninh khu vực biên giới… 

Các chỉ dấu này cho thấy quyền lực của ngành công an đang lấn át các lĩnh vực dân sự, hành chính và ngay cả quân sự.

Giới quan sát e ngại rằng, với những động thái nêu trên, Bộ trưởng Công An Tô Lâm đang thâu tóm và phô trương quyền lực. Thậm chí, từ hình ảnh ông Lâm và Thủ tướng Phúc là “cặp bài trùng”, liên tục xuất hiện tại nhiều sự kiện thời sự, có suy đoán cho rằng người đứng đầu Bộ Công an CSVN nhiều khả năng đã chắc suất tứ trụ tại Đại hội 13.

Cảnh sát đặc nhiệm luyện tập bảo vệ Đại hội 13. Courtesy of Zing

Một số ý kiến giải thích việc ông Lâm được đảng CSVN “tín nhiệm cao” là nhờ “chiến công” bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh từ Đức về “xử tội” và tuyên phạt tù chung thân trong hai vụ án. Tiếp đó là vụ ông này tổ chức cuộc tấn công võ trang tại Đồng Tâm hôm 9/1/2020, giết chết ông Lê Đình Kình.

Ngoài ra, có suy đoán cho rằng, vụ ông Nguyễn Đức Chung “ngã ngựa” hồi trung tuần tháng 8/2020, là do ông Phúc và ông Lâm bắt tay nhau để đưa ông Chu Ngọc Anh vào ghế chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội.

Viết trên trang cá nhân về “Việt Nam trong tương lai mà mình muốn sống”, nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh: “Cấm sinh hoạt đảng phái trong bộ máy hành chính, tòa án, quân đội, công an, trường học, bệnh viện và mọi tổ chức công khác. Toàn bộ hệ thống công quyền và công lập hoạt động trên nguyên tắc phi đảng phái, trung lập về mặt chính trị, phụng sự tổ quốc và nhân dân, dưới sự điều hành của một chính quyền dân cử đích thực.” 

Dường như những điều đó “không thể chấp nhận” và “cấm kỵ” trong bối cảnh ngành công an cho tới nay luôn được báo nhà nước mô tả là “thanh bảo kiếm bảo vệ Đảng, Nhà nước”. 

Một bài đăng trên báo Công An Nhân Dân hồi giữa tháng 8/2020 viết: “Công an và quân đội là hai cánh tay của Đảng, của Chính phủ, của chuyên chính vô sản, trong bất cứ tình huống nào và ở bất cứ đâu, luôn xứng đáng là người chiến sĩ tiền phong, bảo vệ sinh mệnh của Đảng và bảo vệ vững chắc chế độ, vì tự do và hạnh phúc của nhân dân.”

Với tư duy của nhà cầm quyền, việc ngành công an bảo vệ “hạnh phúc của nhân dân” luôn là khái niệm xếp sau ưu tiên “bảo vệ sinh mệnh của Đảng và bảo vệ vững chắc chế độ”. Và như vậy, khả năng ngành công an ở Việt Nam “phi đảng phái” khó có cơ may xảy ra trong một nhà nước độc đảng và chuyên quyền, thậm chí còn mạnh miệng tuyên bố rằng “Việt Nam không cần và không chấp nhận đa đảng.” 

Định Tường