Nguyễn Phú Trọng thừa nhận dân miền Tây ‘chỉ mới đủ ăn’ sau 47 năm

Ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư CSVN
Nghe đọc bài

Chủ đề của cuộc họp là tương lai của vùng đồng bằng sông Cửu Long nhưng những người dự sự kiện này chủ yếu là “tứ trụ” và các ủy viên Bộ Chính Trị và Ban Bí Thư.

“Vùng đất mà sau nhiều năm ‘ngủ yên,’ đã được ‘đánh thức’ vào những năm 80 của thế kỷ trước, nhưng chỉ mới ‘thức dậy’ mà chưa vươn lên mạnh mẽ. Người dân nơi đây phần lớn chỉ mới đủ ăn mà chưa khá giả, mặt bằng y tế, giáo dục chưa theo kịp cả nước.”

Báo Thanh Niên dẫn lời ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư CSVN, tại cuộc họp bàn phương hướng phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long diễn ra hôm 22/4.

Ông Trọng quả quyết rằng vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ thay hình đổi dạng nhờ một “nghị quyết” của đảng.

Theo đó, đến năm 2030, đồng bằng sông Cửu Long phải trở thành “vùng sinh thái, văn minh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hoá sông nước, là trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và thế giới.”

Tiếp đó, đến năm 2045, vùng đồng bằng sông Cửu Long phải đạt mục tiêu “là vùng phát triển toàn diện, sinh thái, văn minh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hoá sông nước; có trình độ phát triển khá so với cả nước; cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, hiện đại, phân bổ hợp lý và thích ứng với biến đổi khí hậu; kinh tế phát triển năng động…”

Tuy chủ đề của cuộc họp là tương lai của vùng đồng bằng sông Cửu Long nhưng những người dự sự kiện này chủ yếu là “tứ trụ” và các ủy viên Bộ Chính Trị và Ban Bí Thư. Do vậy, các báo chỉ có thể dẫn lời ông Trọng mà không có bất kỳ ý kiến nào khác của chuyên gia kinh tế, văn hóa, xã hội phản biện lại những lời của ông Trọng.

Theo giới quan sát, có lẽ do “chủ quan duy ý chí” và say sưa với “nghị quyết” mà Tổng Bí Thư Trọng không nhìn ra vấn đề lớn của đồng bằng sông Cửu Long là tình trạng xâm nhập mặn, mà theo báo VietnamPlus, “còn đang diễn biến phức tạp và phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mekong.”

Trong một diễn biến khác, báo Thanh Niên hôm 21 Tháng Tư đưa cảnh báo về mực nước sông Mekong “luôn ở trong tình trạng báo động đỏ, tăng giảm bất thường theo việc đóng, xả của các đập thủy điện.”

Báo này dự báo việc việc tích nước trong mùa lũ ở đồng bằng sông Cửu Long đang gây sạt lở dẫn tới tình trạng mất nhà cửa, tài sản, làm tan rã đồng bằng nhanh hơn.

Hệ lụy của việc này là nguồn lợi thủy sản tự nhiên từ mùa lũ bị sụt giảm nghiêm trọng, tác động trực tiếp đến sinh kế của rất nhiều người dân, nhất là dân nghèo ở miền Tây.

(Theo Người Việt)