Nguyễn Phú Trọng chống tham nhũng ‘cho vui’

https://znews-photo.zingcdn.me/w1000/Uploaded/lce_qjlcv/2023_01_03/2.jpeg
Ghế tứ trụ là cuộc đấu đá phe phái trong nội bộ đảng CSVN
Nghe đọc bài

Ý kiến nói một chế độ mà ai cũng đã “ăn” hay ít nhiều đã “nhúng tràm” thì các biện pháp phòng chống tham nhũng xem ra chỉ là những khẩu hiệu truyền thông cho vui. Trong một cơ chế độc tài như Việt Nam, “chống tham nhũng” là không tưởng, là những lời hứa suông và không thực tế!

Những ngày này, câu chuyện nhân viên xuất nhập cảnh ở sân bay quốc tế đòi tiền “tip” của khách nước ngoài đã gây nhiều bất bình và xấu hổ cho dư luận. Nhưng nếu bình tâm, chúng ta sẽ thấy đó chỉ là “chuyện thường ngày ở huyện”, chuyện mà nhiều người Việt từ nước ngoài về vẫn bị hành hạ, đòi hỏi, xin xỏ hay quấy nhiễu.

Chưa hết, ôm mộng bá chủ thế giới về xe hơi điện, Vinfast lại chơi chiêu trò cho tiền, tổ chức đi Việt Nam cho nhà báo nước ngoài nhằm “mua” sự công tâm của ngòi bút. Vinfast nghĩ có tiền là có tất cả, để mua được những bài báo tốt về sản phẩm của họ: VF8 và VF9.

Hai sự việc, tưởng chừng nhỏ nhưng đã để lại những hình ảnh hết sức tồi tệ về Việt Nam đối với dư luận quốc tế.

Vấn nạn tham nhũng tại Việt Nam xuất hiện khắp nơi, trong mọi ngành nghề, mọi cấp bậc. Không có tham những, người ta khó lòng có được những khoảng thu nhập cao để có được một cuộc sống tốt.

Tốt về vật chất. Tốt về cái hình thức bên ngoài. Nhà cao, cửa rộng. Xe hơi sang đẹp, quyền cao chức trọng. Tất cả những gì có thể tạo điều kiện cho sự kiếm tiền dễ dãi là người ta chấp nhận, bất chấp lương tâm và đạo đức.

Con cái các quan chức hay cán bộ các sở ngành, phần lớn đều được gởi sang Mỹ hay châu Âu để du học.

Công an khu vực còn có khả năng cho con đi du học thì đối với những quan chức cao cấp khác, tiền bạc chỉ là vấn đề rất nhỏ đối với họ.

Tiền đâu mà họ kiếm ra một cách dễ dãi như thế nếu không phải là từ những phi vụ tham nhũng hối lộ, bòn rút của công, nâng giá các công trình để chia chác lợi nhuận bất chính? “Ai cũng ăn thì dại gì mình không ăn”, đó là lời trần tình của một người quen làm xây dựng trong nước. Tham ăn đến nỗi thể diện của một quốc gia cũng không từ.

Phạm Nhật Vượng và Phạm Minh Chính

Một sớm một chiều, Vinfast muốn làm “ông lớn” trong công nghệ xe hơi, đặc biệt xe điện, lĩnh vực mà các “đại gia “ quốc tế khác đã đầu tư một cách khoa học, trong R&D, từ bao năm qua, để có được các sản phẩm tốt. Đi tắt, đón đầu bằng cách mua công nghệ rồi hối lộ truyền thông nhằm gây tiếng vang là cách thức làm PR tệ nhất của một công ty vốn được xem là niềm tự hào của quốc gia!

Ai dám bảo tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng không hề tham gia vào những phi vụ tham nhũng, hối lộ khác trong và ngoài nước?

Trong các xã hội độc tài, tham nhũng là một vấn nạn có sức phá huỷ kinh hoàng mọi cơ cấu của một quốc gia. Việt Nam không là ngoại lệ.

Phạm Bình Minh ngã ngựa vì vụ chuyến bay giải cứu

Chính nạn tham nhũng, hối lộ, càng khiến cho khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng một cách nghiêm trọng. Các giai cấp thừa hưởng đặc ân từ chế độ sẽ có điều kiện để ra sức làm giàu một cách bất chính. Tầng lớp lao động nghèo khổ sẽ mãi mãi bươn chải mưu sinh, bị gạt ra bên lề một xã hội tiêu thụ, hào nhoáng nhưng bất công một cách trầm trọng.

Cho nên cái gọi là “cuộc chiến chống tham nhũng” của ông Nguyễn Phú Trọng là sự sống còn của một chế độ thối nát. Ông Trọng phải bắt đầu làm trong sạch nội tình của đảng cộng sản. Thành phần tham nhũng quan trọng nhất chính là giới quan chức chính phủ. Những “đầy tớ của dân” lại có những quan hệ hết sức mật thiết với giới tư bản đỏ tại Việt Nam. Những thành phần này đã và đang thao túng, lũng đoạn mọi sinh hoạt chính trị, tài chính và kinh tế tại Việt Nam.

Làm trong sạch nội bộ đảng không thể không tránh khỏi những cuộc đấu đá và tranh giành quyền lực. Liệu những người đứng đầu chế độ có dám cương quyết, hay đơn giản, có khả năng và quyền lực để thực hiện những lời hứa trên?

Một chế độ mà ai cũng đã “ăn” hay ít nhiều đã “nhúng tràm” thì các biện pháp phòng chống tham nhũng xem ra chỉ là những khẩu hiệu truyền thông cho vui. Các áp phích, bích trương to lớn đậm màu đỏ, vàng vô sản với những khẩu hiệu chống tham nhũng xuất hiện đầy ở các thành phố nhân dịp các ngày lễ cách mạng cho có khí thế. “Thùng rỗng kêu to”, ai tham nhũng, hối lộ thì cứ tha hồ làm!

Cho nên, trong một cơ chế độc tài như Việt Nam, “chống tham nhũng” là không tưởng, là những lời hứa suông và không thực tế!

Chỉ có một xã hội dân chủ thì tiếng nói của người dân mới chính là quyền lực quan trọng nhất. Nó thúc đẩy sự minh bạch và cạnh tranh chính trị một cách trong sạch và luôn đặt lợi ích quốc gia lên trên tất cả mọi tham vọng cá nhân hay đảng phái.

Lâm Bình Duy Nhiên