Nguyễn Chí Vịnh ‘vứt hết liêm sỉ’ ca ngợi Hội nghị Thành Đô

Nguyễn Chí Vịnh

Dường như cựu thứ trưởng Quốc phòng CSVN vứt hết liêm sỉ để nói “Không có Hội nghị tại Thành Đô, liệu chúng ta có bình thường hóa được quan hệ với Trung Quốc hay không?”

Báo đảng hôm 20/9 đăng phát ngôn của Nguyễn Chí Vịnh, cựu thứ trưởng Quốc phòng, để thêm một lần nữa biện hộ cho sai lầm của CSVN tại Hội nghị Thành Đô, sự kiện đã trở thành vết nhơ của Hà Nội khi lệ thuộc Bắc Kinh.

Ông Vịnh nói: “Tôi không tham dự Hội nghị Thành Đô, nhưng tôi biết những lợi ích mà nó đem lại. Đó là dấu chấm than rất sâu đậm trong lịch sử tìm kiếm hòa bình của Việt Nam. Không có Hội nghị tại Thành Đô, liệu chúng ta có bình thường hóa được quan hệ với Trung Quốc không? Không!

Rồi sau đó liệu có bình thường hóa quan hệ với Mỹ được không? Cũng không. Có mở cửa được và đổi mới được không? Cũng không. Ngay cả Campuchia cũng phải ghi nhận Hội nghị Thành Đô vì nó đã đưa đất nước này đến kỷ nguyên hòa bình, độc lập và tự chủ.”

Những lần sang Trung Quốc công tác, có những bữa cơm thân mật với lãnh đạo Bộ Quốc phòng của họ, tôi cười nói: “Thưa đồng chí, chúng ta quý nhau như anh em. Đồng chí lớn tuổi hơn là anh, tôi ít tuổi hơn là em. Tôi chỉ hy vọng đồng chí hiểu, có hai thứ là độc lập tự chủ và chủ quyền, xin phép đồng chí một tấc không đi, một li không rời. Chết cũng không thay đổi!”.

Hội nghị Thành Đô là dấu mốc để CSVN lệ thuộc toàn phần vào Bắc Kinh

Hồi năm 2014, một cựu lãnh đạo cấp Vụ phó ở Bộ Ngoại giao Việt Nam nói với BBC rằng hậu quả của Hội nghị Thành Đô vẫn còn ‘đang tác động’ tới tâm lý của lãnh đạo, cán bộ và đường lối của Việt Nam hiện nay trong quan hệ liên quan Trung Quốc.

Theo ý kiến này, việc ông Nguyễn Cơ Thạch, khi đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Bộ trưởng Ngoại giao, bị Trung Quốc ‘gây áp lực’ với Việt Nam và đặt điều kiện phải ‘loại bỏ’ để bình thường hóa quan hệ, đã gây ra một ‘nỗi sợ’ với giới chức không chỉ trong ngạch ngoại giao của Việt Nam, suốt từ đó đến nay, trong các quan hệ, công việc của nhà nước liên quan Trung Quốc.

“Hội chứng Nguyễn Cơ Thạch là việc Trung Quốc đã khống chế toàn bộ lãnh đạo Việt Nam để dần dần thực hiện những chính sách của Trung Quốc đối với Việt Nam,” cựu Lãnh sự Việt Nam tại Thụy Sỹ, nguyên Vụ Phó Bộ Ngoại giao, ông Đặng Xương Hùng nói.

“Trong đó không chế về mặt đối ngoại, khống chế về mặt tổ chức nhân sự cũng như cơ cấu nhà nước của Việt Nam, làm sao có lợi nhất đối với Trung Quốc.”

Theo cựu quan chức ngoại giao nay đang tị nạn chính trị ở Thụy Sỹ, việc này tạo thành một hội chứng đáng kể mà theo ông:

“Bất cứ nhân vật nào lên đều không dám đụng tới Trung Quốc và không dám nói nhiều, không dám đứng ra như dạng ông Nguyễn Cơ Thạch đã đứng ra công khai chống lại việc bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc (đặt dưới các điều kiện bất lợi cho Việt Nam) thì sẽ bị ‘xử lý’.

“Nhiều nhân vật sau này, khi đụng chạm đến vấn đề Trung Quốc, khi đụng chạm giải quyết vấn đề biên giới cũng như vấn đề biên giới, cũng như những vấn đề về tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông cũng như thế, đều có những dấu hiệu của hội chứng Nguyễn Cơ Thạch.

“Tức là rất sợ những ý kiến cả nhân của mình về vấn đề quan hệ với Trung Quốc… rất sợ Trung Quốc sẽ xử lý qua việc khống chế lãnh đạo cao nhất của Việt Nam và làm ảnh hưởng đến chức vụ của mình với những quyền lợi và lợi ích của mình trong cơ cấu nhà nước.”

Hội nghị Thành Đô, hay gọi là Mật ước Thành Đô, là cuộc hội nghị thượng đỉnh Việt-Trung trong hai ngày 3-4 tháng 9 năm 1990, tại Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, giữa lãnh đạo cao cấp nhất hai Đảng CSVN và CSTQ. Cuộc họp mặt này nhằm mục đích bình thường hóa quan hệ giữa hai nước và hai Đảng.

Cho đến nay, nội dung và các thỏa thuận trong cuộc họp của đôi bên vẫn chưa được công bố.

Hiện thời chính phủ Việt Nam và báo chí nhà nước không công bố thông tin chi tiết về Hội nghị Thành Đô, đưa tới những tin đồn, chủ yếu xoay quanh những đồn đoán về sự ảnh hưởng của Trung Quốc vào hậu trường chính trị của Việt Nam.

Trong những lời đồn đó có việc Trung Quốc làm áp lực với phía Việt Nam để Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch phải rời chức vụ. Theo đài RFA, Đại tá công an Nguyễn Đăng Quang là người từng nhiều lần tiếp xúc với nguyên Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch, cho là: “Trung Quốc đưa ra một điều kiện tiên quyết đó là Việt Nam thực tâm muốn bình thường, cải thiện quan hệ ngoại giao với Trung Quốc thì việc đầu tiên là Việt Nam phải loại bỏ Bộ trưởng Thạch…”