Nguyễn Bắc Truyển kể chuyện đi tỵ nạn Đức

Ông Nguyễn Bắc Truyển và vợ
Nghe đọc bài

Nhà Nước Việt Nam buộc tội tôi là có “âm mưu lật đổ chính quyền”, tôi cảm thấy rất là oan sai. Bởi vì tôi không bao giờ có ý định đó. Tôi cũng không có khả năng để làm cái chuyện đó. Tôi chỉ hoạt động nhân quyền.

Tôi di chuyển từ Sài Gòn tới Berlin được sự giúp đỡ rất tận tình của Tổng Lãnh sự Đức tại Sài Gòn và đại diện của Đại sứ quán Đức tại Paris. Vì là một người bị kết án oan sai 11 năm tù và đến thời điểm tôi ra tù là hơn 6 năm, tôi cảm thấy rất là hạnh phúc.

Vào ngày 3/9/2023, đại diện Bộ công an đã vào trại giam Gia Trung để làm việc trực tiếp với tôi và đề nghị tôi hai vấn đề: Một là, điền vào đơn để cấp hộ chiếu, Hai là, làm đơn tạm hoãn thi hành án với lý do xuất cảnh định cư. Và tôi đã đáp ứng được yêu cầu thứ nhất là điền vào đơn xin cấp hộ chiếu. Tuy nhiên, đơn xin tạm hoãn thi hành án gửi Tòa án Tối cao thì tôi không làm. Bởi vì đối với bản án đã buộc tội oan sai tôi, tôi không công nhận từ khi vào trại tạm giam. Từ khi bị bắt cho tới nay thì tôi vẫn không công nhận bản án đó.

Vì thế mà tôi cũng không được giảm án tù và cho đến thời điểm đó thì tôi cảm thấy là cái đơn mà xin tạm hoãn thi hành án là không cần thiết. Cho đến ngày 4/9 thì cán bộ Bộ Công an đã trở vào một lần nữa và cũng thuyết phục tôi, đề nghị tôi làm cái đơn xin tạm hoãn thi hành án. Tôi cũng nói với họ rằng là tôi không thể làm.

Và tới ngày 7/9, họ đến phòng giam của tôi và yêu cầu tôi là chuẩn bị hành lý để rời khỏi trại giam Gia Trung đi về Sân bay Tân Sơn Nhất, sáng mai đi tiếp chuyến bay lúc 8 giờ 20. Và lúc đó vợ tôi cũng sẽ có mặt ở đó.

Tôi là một nhà hoạt động về nhân quyền, chú trọng của tôi là hoạt động về vấn đề quyền tự do tôn giáo. Tôi luôn luôn nghĩ về mục đích và trách nhiệm của mình trong vấn đề hoạt động nhân quyền. Nên khi Nhà Nước Việt Nam buộc tội tôi là có “âm mưu lật đổ chính quyền”, tôi cảm thấy rất là oan sai. Bởi vì tôi không bao giờ có ý định đó. Tôi cũng không có khả năng để làm cái chuyện đó. Tôi chỉ hoạt động nhân quyền.

Và việc tiến hành thực hiện những vấn đề bảo vệ nhân quyền ở tại Việt Nam, tôi cũng nghĩ rằng nhà nước Việt Nam phải ủng hộ tôi thay vì kết án tôi, nhà nước Việt Nam cũng đã ký kết những vấn đề nhân quyền với quốc tế, cũng nên tôn trọng và thực hiện nhân quyền để cho người dân mình có một cuộc sống tự do, hạnh phúc và thịnh vượng.

Trong tương lai thì trước mắt tôi và vợ tôi phải làm các thủ tục để được định cư lâu dài tại đây và học tiếng Đức. Sau đó là học nghề để kiếm sống.

Khi tôi ở trại giam Gia trung, tôi có nghe nói Việt Nam bị đưa vào danh sách giám sát về vấn đề về quyền tự do tôn giáo…Trong những thư tôi viết về cho gia đình hay là gặp vợ tôi tại nơi thăm gặp, tôi đều tỏ ra lo ngại về vấn đề quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam bị vi phạm. Tôi nghĩ rằng quyền tự do tôn giáo là quyền tuyệt tối trong nhân quyền và mọi người dân đều được chọn cho mình một tôn giáo hay không chọn một tôn giáo nào, đó là quyền tối thượng.

Các nhà lãnh đạo Việt Nam nên tuân thủ những cam kết quốc tế để làm sao cho người dân mình sinh hoạt tự do vì nhà nước Việt Nam luôn nói rằng người dân là trung tâm. Đây là cơ hội để nhà nước Việt Nam chứng minh cho quốc tế rằng là chúng tôi thực hiện quyền tự do tôn giáo một cách ngay thẳng, không ngụy biện, không dối trá để việc giám sát này nó không được tiến tới một bước nữa là Việt Nam bị đưa vào CPC [Quốc gia Cần quan tâm Đặc biệt]. Nếu Việt Nam bị vào CPC có thể dẫn tới hậu quả rất lớn là vấn đề cấm vận.

(Theo VOA)