Người Việt tị nạn ở Thái Lan: thêm khó khăn và thiếu đói đợt dịch COVID 19

Dịch bệnh COVID 19 gây khó khăn chồng chất, thiếu ăn và đói kém trong những ngày tới là nỗi lo trước mắt của người tị nạn Việt tại Thái Lan, dù rằng cuộc sống của  họ trên xứ người vốn đã rất bấp bênh chật vật vì tình cảnh bất hợp pháp.

Nếu không có COVID 19 thì người tị nạn vẫn có thể bươn chải kiếm sống bằng cách đi làm chui, nhưng nay con đường mưu sinh hầu như tắc nghẽn, là lời cựu tù nhân lương tâm Đoàn Huy Chương hiện đang ẩn náu tại Bangkok:

“Lúc chưa xảy ra dịch tụi em còn đi làm chui được, còn đi làm bất hợp pháp được. Nhưng từ khi xảy ra dịch vi rút Vũ Hán thì ở đây không ai đi làm được gì hết. Kể cả người dân Thái Lan cũng bị thất nghiệp thì mình sao có việc làm, cho nên cuộc sống rất là khó khăn”.

Nói rằng khó khăn này chồng lên khó khăn khác cũng là rất chính xác đối với tập thể người tị nạn Việt Nam  tại thủ đô hay những vùng phụ cận của Thái Lan. Chính quyền sở tại đã ban hành lệnh giới nghiêm từ 10 giờ tối đến 4 giờ sáng hôm sau. Dịch bệnh khiến người tị nạn thấy mình thật trơ trọi, anh Đoàn Huy Chương nói:

“Trước tháng Mười Một năm ngoái cũng có nhiều anh chị em gởi tài chính về để giúp đồng bào gạo, mì, dầu ăn, nước mắm…Nhưng từ lúc xảy ra dịch thì không còn ai giúp đỡ. Đặc biệt từ đầu năm đến giờ không có tổ chức nào giúp người tị nạn ở đây hết”.

Nhiều người Việt cư trú trái phép ở Thái Lan thường ra đường bán hàng rong ban đêm tại những khu đông khách du lịch ở Bangkok. Nay với lệnh giới nghiêm đang có hiệu lực nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID 19, dân bán hàng rong Việt cũng đành bó tay:

“Đã không được đi làm mà tụi em còn sợ bị cảnh sát bắt nữa. Bây giờ Thái Lan ra cái luật giới nghiêm, từ 10 giờ tối đến 4 giờ sang không một người được bước ra đường kể cả người Thái. Chẳng biết thế nào bây giờ, tồn tại ngày nào thì hay ngày đó thôi”

“Anh chị em tị nạn luôn luôn chia sẻ với nhau, ví dụ người nào không có tiền đóng tiền nhà thì tụi em mỗi người góp lại một vài trăm Baht để chia sẻ với nhau. Hiện tại rất khó khăn về tài chính thì tụi em chia sẻ với nhau từng đồng, từng ký gạo, từng bó rau . Tiền nhà thì chủ Thái ở đây không bớt đâu, người Thái được giảm 50% nhưng mình là người tị nạn bất hợp pháp chủ Thái họ không giảm tiền nhà cho mình, bây giờ cũng không biết tính như thế nào”.

Chị Thảo, con gái ông Vương Văn Thả – người đang bị giam giữ tại trại tù An Phước tỉnh Bình Dương vì tội tuyên truyền chống phá Nhà Nước, cho hay bây giờ nỗi lo không tiền sinh sống đang át đi nỗi sợ bị lây nhiễm bệnh. Chị cùng chồng và con nhỏ phải chạy sang Thái Lan sau khi bố chị bị kết án tù.

Mà thực tế, vẫn theo lời chị Thảo, nhỡ có bị vướng COVID 19 thì người tị nạn ở Thái như chị cũng không biết bám víu vào đâu:

“Từ hôm dịch tới giờ  khó khăn hơn trước gấp 10 lần. Hồi trước còn được cho gạo cho này kia, giờ dịch tràn lan, riêng gia đình em có con nhỏ thì cuộc sống khó khăn hơn trước rất nhiều”.

“Tạm thời không ai giúp đỡ, không ai đi làm được thì mượn đỡ anh em, giống như  hỗ trợ lẫn nhau, mượn đỡ tiền nhà, tiền sữa… Khi nào có thì hoàn lại chứ hiện tại không biết làm thế nào. Nói chung người tị nạn ở Thái này thì khó khăn như nhau. Ra đường có giấy tờ đầy đủ, thậm chí người Thái họ còn bắt nữa huống chi người Việt không hợp pháp trên đất nước của họ. Người nào không có trẻ em, không có con nhỏ thì nó đỡ hơn xíu, còn gia đình có con nhỏ thí khó khăn hơn nhiều”.

Đó là tình cảnh bế tắc lúc này của người Việt tị nạn tại Thái, trong lúc nơi đây còn một tập thể người Thượng từ Tây Nguyên trong nước trốn sang mấy năm qua.

Hình minh hoạ. Người Thượng tị nạn tại Campuchia năm 2004

Hình minh hoạ. Người Thượng tị nạn tại Campuchia năm 2004 Reuters

Anh Beo, người dân tộc Ê Đê, nói rằng anh không được chủ kêu đi làm việc cả tháng nay rồi:

“Hồi giờ em làm một tuần được 2 ngày, đi trồng hoa trồng cây cho những người bán cây bán hoa. Từ khi có dịch bệnh thì những chổ bán hoa bán cây đó người ta đóng cửa hết rồi nên không có việc làm. Từ tháng Ba đến giờ là giai đoạn khó khăn nhất. Không chỉ riêng em mà một số gia đình khác, thường thường đi làm chui, một số đi làm xây làm hồ nhưng bây giờ chủ xây cũng cho nghĩ luôn. Xung quanh em thì bạn bè cũng nói nghĩ việc hết rồi, nhìn cảnh như vậy em cũng không biết nói sao luôn”.

“ Thức ăn, thực phẩm trước kia một số tổ chức giúp đỡ thì cũng có gạo ăn nhưng giờ không ai đến giúp, giờ em phải đi xin một số người còn gạo mới có ăn. Nếu tình trạng này mà kéo dài thì trước mắt là không có cơm ăn luôn”.

Người Việt tị nạn, được cho là lanh lợi tháo vát mà còn thua trước hoàn cảnh ngặt nghèo của dịch bệnh huống chi người Thượng vốn dĩ chậm lụt hơn, là nhận xét của cô Grace Bùi, chuyên tiếp xúc và hỗ trợ người miền núi tị nạn ở Thái. Với cô bây giờ nguồn tài trợ cho người Thượng không biết lúc nào mới có lại:

“Thực sự trong 6 năm mà Grace làm việc ở đây thì có rất nhiều người bên hải ngoại, những người bạn và những người mình không biết, vẫn liên lạc giúp đỡ người tị nạn nói chung và người Thượng nói riêng ở bên này. Nhưng hiện giờ dịch không chỉ ảnh hưởng tới người tị nạn không mà ngay cả người Việt bên Mỹ cũng thất nghiệp cũng rất khó khăn nên họ không giúp gì được nhiều trong mùa dịch này” .

Hình minh hoạ. Hàng cứu trợ của một số mạnh thường quân ở Houston, Texas, Mỹ đóng góp được đưa đến Thái Lan nhân dịp Tết năm 2020

Hình minh hoạ. Hàng cứu trợ của một số mạnh thường quân ở Houston, Texas, Mỹ đóng góp được đưa đến Thái Lan nhân dịp Tết năm 2020 Photo: RFA

Chính vì thế, cô Grace Bùi nói tiếp, hai nỗi lo kinh hoàng của người Thượng ở Thái Lan những ngày tới đây là bị đói ăn và bị đuổi ra khỏi nhà trọ. Đây cũng là xác nhận của anh Beo:

“ Thường trước kia là bên UN rồi bên BRC rồi văn phòng BPSOS còn trợ cấp những gia đình khó khăn, nhưng bây giờ trong giai đoạn dịch này thì những văn phòng đó nghỉ hết, một số không có tiền nhà trả đến nỗi là, em có chứng kiến mấy ngày nay luôn, là ông chủ đó qua nói là ông đuổi, nghĩa là ông đuổi đi luôn đó ”.

Được biết lần hỗ trợ có thể nói là duy nhất từ đầu dịch COVID 19 đến giờ là số tiền 5.000 USD đến từ tổ chức VOICE ở Hoa Kỳ. Được giao phó công việc phân phối cho người tị nạn Việt Nam ở Thái, anh Đào Huy Chương cho biết thêm:

“Cách đây khoảng 3 tuần coi như VOICE có một mạnh thường quân giúp 5.000 Đô. Tụi em đã chọn ra 50 gia đình khó khăn nhất, con đông và những gia đình có người già cả. VOICE đã chi hết 5.000 Đô đó, gởi đến 50 gia đình,  mỗi  gia đình 100 Đô. Tụi em không được nhận cái gói đó vì tụi em dành ưu tiên  cho những gia đình khó khăn hơn tụi em”.

Được giúp đỡ lúc này thì quá quí, anh Đoàn Huy Chương bày tỏ tiếp, thế nhưng trong bối cảnh COVID 19 dầu sôi lửa bỏng này thì tất cả hầu như không xuể mà chỉ như muối bỏ biển khi người tị nạn mất đi kế sinh nhai hàng ngày của mình.

Còn theo cô Grace Bùi, càng nghĩ về tập thể người Thượng tị nạn nheo nhóc trên đất Thái lúc này cô càng thấy bất lực hơn lúc nào hết. Chưa bao giờ người tị nạn Việt Nam trên đất Thái khốn khổ như lúc này, cô Grace Bùi kết luận.

Theo RFA