Người Việt ở Alabama: ‘Không ngờ bão Sally mạnh như vậy’

Một số người Việt ở tiểu bang Alabama bị ảnh hưởng khi cơn bão Sally ập vào Mỹ nói với VOA nếu lường trước sức gió lớn như vậy thì họ đã di tản để khỏi lâm vào cảnh không điện, thiếu thốn thực phẩm, nước uống như bây giờ.

Vùng ven biển Alabama và dải đất hình cán của bang Florida lấn sang Alabma là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất sau khi bão Sally đổ bộ vào đất liền ngày 16/9 kèm theo mưa to gió lớn gây ngập lụt.

Ở vùng bị ảnh hưởng của cả hai tiểu bang này, cây cối gãy đổ và đường dây điện rớt xuống đất đã khiến việc đi lại trên đường sá trở nên nguy hiểm. Chính quyền địa phương đã ban hành lệnh giới nghiêm trong khi hàng trăm người đã rời bỏ nhà cửa do bị ngập lụt, theo CNN.

Ít nhất đã có một người chết và một người mất tích tại Bãi biển Cam của Alabama, thị trưởng Tony Kennon cho biết, cũng theo CNN.

‘Gió hú dữ dội’

Từ Mobile, thành phố nằm trên Vịnh Mobile nhìn ra Vịnh Mexico của bang Alabama, ông Đỗ Tuấn, người đã sống ở đây được 19 năm, nói với VOA rằng nhà ông ở khu đất cao ráo nên may mắn thoát lụt và ông cũng mới vừa lợp lại mái nhà nên không bị gió thổi trốc mái như những nhà hàng xóm xung quanh.

“Bão này chủ yếu là gió lớn nên vòng vòng trong sân vườn cây cối bị ngã hay là bị trốc rễ,” ông cho biết.

Ông kể lại vào đêm bão đổ bộ, vợ chồng ông ‘rất hồi hộp’ vì ‘lo cho con nhỏ chỉ mới có 8 tháng tuổi’. “Chúng tôi mất ngủ suốt đêm vì mất điện, lâu lâu gió lại hú lên một cái làm giật mình,” ông nói.

“Gió đêm đó cũng như còi hụ báo động khẩn cấp. Nó hú làm mình tưởng tượng như sắp bị trốc nóc nhà vậy đó,” ông kể và cho biết mưa lớn nhưng tại vì gió mạnh quá nên át cả tiếng mưa.

“Từ đó đến giờ bão vô cấp 2 cấp 3 là đã di tản rồi mà lúc đầu báo bão là cấp 1 thôi nên tôi nghĩ là sẽ không bị nặng quá nên chúng tôi mới quyết định trụ lại,” ông nói.

Ngoài ra, do đường mạng bị chập chờn nên ông không cập nhật được diễn biến của bão ra sao trong khi điện thoại bị mất sóng nên ông cũng không nhận được cảnh báo đầy đủ của chính quyền, ông giải thích.

Hiện giờ xung quanh nhà ông cây cối và cột điện ngã nhiều và vẫn chưa được dọn dẹp nên đi lại còn khó khăn, ông cho biết, và thành phố Mobile đang bị giới nghiêm từ 8 giờ tối đến 6 giờ sáng hôm sau.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của gia đình hiện giờ là ‘bị cúp điện’. “Cúp điện từ tối hôm kia, mạng bị mất, sóng điện thoại rất yếu,” ông nói.

Trong hoàn cảnh đó, gia đình ông phải dùng bếp gas mini để nấu ăn và nấu nước sôi dùng đỡ và phải ngưng việc giặt giũ.

Ông nói may mắn là các chợ xung quanh khu ông vẫn còn mở cửa nên ông vẫn có thể mua được đồ dùng, nhưng hiện giờ ‘rất thiếu thốn nước uống đóng chai và các dụng cụ dọn dẹp’.

Sống bằng mì gói

Từ Bayou La Batre cách Mobile không xa, bà Châu Huệ cho biết nhà cửa bà ‘không sao’ và bà cũng có tâm trạng chủ quan trước bão giống như ông Tuấn.

“Mình không nghĩ là bão vô vì đài nói chỉ là cấp một thôi, sau này mới nghe nói là bão vô và tăng lên cấp hai,” bà kể.

“Lúc đó mình nói thôi hồi bão Katrina mình hổng có chạy rồi nên bão này chắc cũng không đến nỗi nên thôi ở nhà,” bà Huệ phân trần.

Hiện giờ khu vực của bà đã cúp điện qua đến ngày thứ tư, bà cho biết, nên ‘mọi hoạt động hoàn toàn tê liệt’.

“Tụi tui bứt rứt chịu không nổi. Không có điện chỉ có cách dùng bình gas nhỏ nấu nước sôi ăn mì gói,” bà nói và cho biết trước bão bà có đi mua thực phẩm đông lạnh về trữ đầy hai ngăn lạnh nhưng bây giờ ‘chỉ có lấy ra bỏ thùng rác thôi’.

“Tôi thực sự không nghĩ là bão lớn như vậy nên không có trữ đồ khô,” bà giãi bày.

Bà Huệ cho hay dự trữ được mấy lốc nước đóng chai để uống và lượng mì gói. Nước uống thì ‘có thể cầm cự được thêm 5 ngày,’ còn việc giặt giũ thì ‘chịu trận’.

Nếu nhà nào đó bị hư hết đồ trong tủ lạnh và không có dự trữ đồ khô thì chỉ còn cách ‘hỏi lối xóm coi có gì không thì giúp đỡ’. “Hàng xóm chia qua chia lại mà sống,” bà Huệ cho biết thêm.

“Bây giờ chỉ mong có điện cái đã rồi mới tính chuyện dọn dẹp trong nhà trong cửa,” bà Huệ, người làm việc cho một hãng chế biến sò và đã nghỉ ở nhà từ trước khi bão Sally đổ bộ, chia sẻ

Theo VOA