Người nước ngoài nói về chống dịch Covid-19 ở Việt Nam

Nghe đọc bài

Dave – sinh ra tại thành phố biển Durban, miền đông Nam Phi và hiện là giáo viên tại một trung tâm ở Việt Nam – đã chia sẻ trải nghiệm của anh khi sống và chứng kiến cả nước Việt Nam chung tay chống dịch Covid-19.

Chia sẻ với East Coast Radio, một trong những đài phát thanh lớn nhất Nam Phi, Dave cho biết, chính phủ Việt Nam đã chủ động đưa ra các kế hoạch ngay từ khi phát hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên trong nước vào ngày 23/1.

“Cuộc sống của tôi cũng như mọi người ở đây đều thay đổi khi chính phủ áp dụng nhiều biện pháp mạnh nhằm ngăn dịch bệnh lây lan. Từ ngày 1/2 đến ngày 25/3, tôi vẫn làm việc ở trung tâm. Nhưng hiện tại, tôi làm việc ở nhà và không hề ra khỏi nhà nếu không phải mua đồ dùng cần thiết.

Việt Nam đã thực hiện cách ly toàn xã hội từ ngày 1/4. Tuy nhiên, chính phủ vẫn cho phép các cửa hàng thiết yếu mở cửa để đảm bảo an sinh cho người dân. Khi tới các cửa hàng này, người dân vẫn phải tuân thủ nghiêm ngặt việc đeo khẩu trang và sát khuẩn tay trước khi vào bên trong”, Dave nói với East Coast Radio hôm 1/4.

Cũng theo chia sẻ của Dave, Việt Nam hoàn toàn miễn phí xét nghiệm Covid-19 cho các công dân nước mình.

Trong khi đó, Stephen Janzen, công dân Canada tới Việt Nam du lịch hồi tháng 2, chia sẻ với tờ báo địa phương Abbotsford News rằng gia đình anh không quá lo lắng vì Việt Nam đã đối phó rất tốt với dịch Covid-19.

Stephen Janzen cùng vợ Leilani Janzen (gốc Philippines) và 3 con bắt đầu kỳ nghỉ kéo dài 6 tháng ở khu vực Đông Nam Á hồi tháng 11/2019. Chuyến đi của họ bắt đầu ở Philippines, nơi cha của Leilani đang sống, sau đó là Thái Lan, Malaysia và cuối cùng là Việt Nam.

 Stephen và gia đình khá yên tâm vì cho rằng Việt Nam đang đối phó với dịch Covid-19 rất tốt. Ảnh: Abbotsford News

Gia đình Stephen tới Việt Nam hôm 5/2 và dự kiến quay trở về thủ đô Manila, Philippines để bắt chuyến bay về Vancouver, Canada vào ngày 20/4.

Abbotsford News hôm 26/3 đưa tin, khi mới nghe thông báo về dịch bệnh, Stephen và gia đình không quá lo lắng. Theo công dân Canada này, Việt Nam đang làm rất tốt để kiểm soát dịch bệnh: số ca nhiễm bệnh không nhiều và không có ca tử vong. Vì vậy, Stephen cùng gia đình yên tâm ở lại, không quá gấp gáp chuyện về nước. Chỉ khi chính phủ Canada kêu gọi công dân về nước, gia đình Stephen mới quyết định trở về.

Một gia đình Mỹ, từng tới Việt Nam, cũng nói lên cảm nhận của họ về các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt của Việt Nam với báo chí Mỹ.

Paul Neville – sống ở thành phố Seattle, bang Washington, Mỹ – chia sẻ: “Ở Việt Nam, theo khuyến cáo của chính phủ, mọi người đều đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Trong các tòa nhà, doanh nghiệp, khu chung cư và không gian công cộng, đều có người kiểm tra thân nhiệt và cung cấp nước rửa tay.

Chính quyền cũng yêu cầu toàn bộ khách trên chuyến bay của chúng tôi từ TP. Hồ Chí Minh tới Đài Bắc phải đeo khẩu trang. Thậm chí cả đứa con 2 tuổi của tôi cũng không ngoại lệ. Việt Nam và các nước khác ở châu Á coi dịch Covid-19 là vấn đề rất nghiêm túc”, tờ Seattle Times dẫn lời Paul Neville.

Paul còn chia sẻ, tại Việt Nam và một số nước như Trung Quốc, Singapore, nếu một người bị phát hiện nhiễm Covid-19, chính quyền sẽ phong tỏa cả khu chung cư và cách ly khu phố. Đồ ăn được phát cho cho mọi người qua cửa sổ.

Một đội ngũ y tế sẽ truy ra lịch sử đi lại của người nhiễm bệnh và kiểm tra cả những ai đã từng tiếp xúc.

Người nước ngoài nói về chống dịch Covid-19 ở Việt Nam - 2

Gia đình Paul chụp ảnh tại sân bay ở Việt Nam trước khi bay về Mỹ hồi giữa tháng 3. Ảnh: Seattle Times

Thậm chí, Paul còn cảm thấy bị sốc khi chứng kiến việc thực hiện các biện pháp chống dịch tại quê nhà – Seattle, Mỹ.

“Khi đặt chân tới Seattle, tôi tưởng sẽ gặp những nhân viên y tế trong bộ đồ bảo hộ và máy đo thân nhiệt vì Seattle là một trong những ổ dịch của Mỹ. Tuy nhiên, trái với tưởng tượng của tôi, mọi thứ ở đây vẫn diễn ra bình thường.

Tôi đã hỏi một quan chức hải quan tại sân bay rằng sao cô ấy không đeo khẩu trang. Cô ấy bối rối nhìn tôi và nói ‘vì ở đây không có khẩu trang’. Điều này thật thảm hại. Covid-19 rất dễ lây lan. Chỉ cần 1 cú hắt hơi từ người nhiễm là đủ gây nguy hiểm cho những người xung quanh.

Vì sao các nước châu Á như Việt Nam hay Trung Quốc, họ sẵn sàng đánh đổi về kinh tế để chống dịch. Người dân luôn thể hiện tinh thần rằng họ có thể chiến thắng dịch bệnh, vậy tại sao chúng ta không thể? Chúng ta không thể bỏ cuộc. Tôi không muốn phải hối hận vì trở về Mỹ khi Việt Nam hóa ra lại là nơi an toàn hơn”, Paul chia sẻ.

Theo Bộ Y tế Việt Nam, tính tới 6h ngày 2/4, cả nước ghi nhận 222 ca mắc Covid-19. Trong đó, 63 ca nhiễm bệnh đã được điều trị khỏi. Số bệnh nhân còn lại đang được điều trị, cách ly và theo dõi tại các cơ sở y tế. Đa số trong tình trạng sức khoẻ ổn định. Hiện, chưa ghi nhận ca nhiễm bệnh tử vong nào.

Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19:– Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.- Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.- Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi.- Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác.- Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế.- Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 19003228 và 19009095.

Theo 24h