Người gốc Việt tại Little Saigon đón nhận người tị nạn Afghanistan

Nhà hàng The Recess Room ở Fountain Valley, do anh Việt Phạm là đồng chủ nhân, là nhà hàng đầu tiên của người gốc Việt tại Orange County nhận người Afghanistan tị nạn làm nhân viên.

Từ trái, Izhar Bahah, Việt Phạm và Sulaiman Afghan trong bếp nhà hàng Recess Room. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Anh Việt Phạm nói một cách thân thiện: “Tôi mướn hai người Afghanistan là anh Izhar Bahah và anh Sulaiman Afghan vì hồi 1975, cha mẹ tôi, khi mới đến Mỹ tị nạn, được người ta nhận vào làm cho một nhà hàng.”

Cùng là tị nạn

Quan niệm của anh rất đơn giản và sòng phẳng: Gia đình mình đã được giúp đỡ thì nhiệm vụ của mình là giúp lại người khác.

Anh tiếp: “Hồi đó người khác cho cha mẹ tôi công ăn việc làm thì bây giờ, tôi giúp người khác cũng là điều tự nhiên thôi. Tôi rất vui và hãnh diện được có cơ hội này.”

Ban đầu, anh Việt nhận anh Izhar Bahah vào làm phụ bếp trước, rồi anh Izhar giới thiệu người anh họ của mình là Sulaiman Afghan vào sau.

Anh Việt nói: “Cũng may là anh Izhar giới thiệu nên tôi mới có dịp nhận anh Sulaiman chứ Sulaiman không nói được tiếng Anh thì đâu dám xin việc. Tôi sắp xếp công việc không đòi hỏi ngôn ngữ nhiều cho anh Sulaiman để anh đỡ phải bỡ ngỡ.”

Làm lại cuộc đời

Cùng là cựu quân nhân, anh Izhar là y tá quân đội trong lúc anh Sulaiman là biệt kích giúp Mỹ và đồng minh. Nếu lọt vào tay nhóm khủng bố Taliban, chắc chắn hai người bị xử bắn ngay.

Ông Sang Nguyễn (phải) cùng anh Sulaiman Afghan (trái) và gia đình anh Izhar Bahah tại phi trường John Wayne Airport. (Hình: Sang Nguyễn cung cấp)

“Tôi rất vui khi được nhóm anh Trịnh Hội bảo lãnh ra khỏi trại tị nạn ở Wisconsin sau khi ở đó bốn tháng. Vui hơn nữa là về đây chừng ba tuần, tôi được anh Việt Phạm nhận vô đây làm,” anh Izhar nói. “Tôi muốn tự lập để không trở thành gánh nặng cho người khác.”

Anh Izhar, 26 tuổi, đến đây với vợ và hai con gái, đứa lớn 2 tuổi và nhỏ 1 tuổi.
Anh Sulaiman còn độc thân, đến đây một mình.

Dĩ nhiên những ngày đầu hội nhập vào đời sống mới rất khó khăn đối với cả hai người nhưng nhờ các đồng nghiệp tại The Recess Room hết lòng tiếp đón nên họ cảm thấy bớt xa lạ.

Anh Izhar kể: “Biết tôi có con nhỏ, ngày đầu tiên họ đã có quà cho gia đình tôi. Mấy đứa nhỏ rất thích những món quà đầu tiên ở Mỹ.”

Tất cả nhân viên tại The Recess Room đều tỏ ra rất thân thiện với hai đồng nghiệp mới nhất này.

Luật Sư Trịnh Hội (thứ sáu từ phải) và nhóm người gốc Việt đón tiếp người tị nạn Afghanistan tại phi trường John Wayne Airport. (Hình: Trịnh Hội cung cấp)

Không lạ với người tị nạn

Luật Sư Trịnh Hội, người đấu tranh giúp đỡ bao nhiêu người tị nạn trước đây, cho biết anh bảo lãnh những người Afghanistan này theo chương trình “Private Sponsorship” (bảo trợ tư nhân) do ông Nam Lộc đích thân lên Washington, DC, khởi xướng và vận động để giúp đỡ người Afghanistan tị nạn.

Luật Sư Hội nói: “Anh Nam Lộc và nhóm VOICE (Vietnamese Overseas Initiative for Conscience Empowerment) của chúng tôi từng vận động cho chương trình tương tự như vậy ở Canada với tên ‘Sponsor Circle Program’ rồi, để giúp bảo lãnh người Việt Nam còn sống lây lất ở các trại tị nạn.”

Chương trình này đòi hỏi mỗi nhóm phải có năm người thì mới được làm đơn bảo lãnh.

Sự khác nhau rõ rệt giữa hai quốc gia là ở Canada, mỗi nhóm phải có $10,000 cho mỗi người tị nạn và chịu trách nhiệm suốt 12 tháng, trong lúc ở Mỹ chỉ cần $2,500 cho cả gia đình và chỉ chịu trách nhiệm có 90 ngày thôi.

Chương trình “Private Sponsorship” này đang được thử nghiệm tại Hoa Kỳ và nếu thành công sẽ được áp dụng vào việc bảo lãnh các sắc dân tị nạn khác, dĩ nhiên trong đó có người Việt Nam.

Nhóm năm người của Luật Sư Trịnh Hội là bản thân anh, cô Nguyễn Cao Kỳ Duyên, Giáo Sư Lan Cao cùng bạn anh là vợ chồng anh Sang Nguyễn và chị Nhung.

Ông Nam Lộc, người gắn bó với các chương trình định cư cho người tị nạn tại Hoa Kỳ suốt 41 năm liên tục, nói: “Tôi rất hãnh diện về các cộng đồng gốc Việt ở Orange County, Los Angeles, California; Seattle, Washington; Ohio; và Houston, Texas đã hết lòng hưởng ứng lời kêu gọi bảo lãnh những người Afgahnistan của tôi. Tôi xin cám ơn tất cả.”

Anh Izhar Bahah khi còn là y tá quân đội ở Afghanistan. (Hình: Izhar Bahah cung cấp)

Muốn học tiếng Việt

Thấu hiểu và cảm thông cho những quy luật Hồi Giáo tế nhị của hai anh Izhar và Sulaiman, anh Việt tạo điều kiện dễ dàng để hai anh có thể cầu nguyện trong giờ làm việc.

Nhìn hai nhân viên mới nhất của nhà hàng đang lăng xăng làm việc, anh Việt mỉm cười nói nhỏ: “Pay it forward.”

“Pay It Forward” là tựa đề một cuốn phim phát hành năm 2000 nói về sự đền ơn và trao tặng sự tử tế cho người khác chứ không cần trả ơn người đã giúp mình vì chưa chắc họ đòi hỏi.

Khi hỏi nếu có thêm người Afghanistan cần việc trong lúc The Recess Room đủ người rồi thì sao, anh Việt cười: “Tôi vẫn mướn họ nhưng để họ làm bên nhà hàng Good Vibes của mẹ tôi ở Huntington Beach.”

Anh Izhar nói về nguyện vọng của mình: “Khi ổn định xong, tôi sẽ học nói tiếng Việt Nam thật giỏi để nói lời cảm ơn những người giàu lòng nhân đạo đã giúp gia đình tôi bằng tiếng mẹ đẻ của họ.”

Sau nữa, anh muốn học ngành y tá. “Xưa nay, tôi chỉ thích giúp người khác,” anh Izhar chia sẻ.

Theo Người Việt