Người Duy Ngô Nhĩ tại Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại nguy cơ bị dẫn độ về Trung Quốc

Chính quyền Ankara và Quốc Hội cố trấn an cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ sống tại Thổ Nhĩ Kỳ trước ngày phê chuẩn hiệp định dẫn độ song phương đã được Ankara và Bắc Kinh ký kết từ năm 2017. Từ một tuần qua, gần như mỗi ngày, cộng động người Duy Ngô Nhĩ tại Istanbul tập hợp trước tòa lãnh sự Trung Quốc đòi được cung cấp thông tin về những người thân bị mất tích.

Thông tín viên đài RFI tại chỗ Cerise Sudry Le Du có dịp tiếp xúc trực tiếp với những người này:

Nào là anh em, nào là những người mẹ, hay chú bác bị mất tích…  . Có khoảng gần ba chục người tụ tập trước tòa lãnh sự Trung Quốc tại Istanbul. nhưng mỗi câu chuyện của họ là một tấn bi kịch. Trong số này, Medine cho biết từ 4 năm nay, cô không có tin tức gì của người chị là Mesude. Cô nói : « Vì sức khỏe của mẹ tôi suy yếu, chị gái tôi đã phải sang Trung Quốc. Và từ đó chị tôi không bao giờ trở lại. Chị còn sống hay không ? Khỏe mạnh hay đau ốm thế nào ? Chị có bị chính quyền Trung Quốc lấy nội tạng hay không ? Mẹ tôi mất đã ba tháng nay rồi, và tôi không có tin tức gì của chị ».

Cho dù hai chị em cô đều có quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ sau nhiều năm du học tại Istanbul, chính quyền Trung Quốc không cung cấp bất kỳ một thông tin gì về Mesude, kể cả tòa đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Trung Quốc cũng vậy. Không ai biết thân phận Mesude và đứa con gái nay đã 4 tuổi của cô ra sao.

Medine kể tiếp : một lần, cô được một người bạn gửi cho tấm ảnh, nhưng mọi liên lạc hai chiều đều bị chính quyền Trung Quốc chận lại.

Medine đang mở một quán bán các món ăn truyền thống tại Istanbul, nên không thể trở về Trung Quốc. Cô gái không loại trừ khả năng Trung Quốc lập một danh sách yêu cầu Ankara cho dẫn độ những người Duy Ngô Nhĩ đang sống tại đây. Theo cô, có những người bị Trung Quốc kết án chỉ vì họ đã theo học ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Quốc Hội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ họp vào ngày 26/01/2021. Trước mắt, không thể biết liệu hiệp định dẫn độ hai chiều có được đưa vào chương trình nghị sự của kỳ họp này hay không.

Theo RFI