Người đàn ông đi tìm công bằng cho tê tê

Hình ảnh mẹ con tê tê bị bóc vảy, chết trong tiếng kêu vô vọng in sâu trong tâm trí khiến anh Nguyễn Văn Thái suốt 16 năm qua gắn bó với loài này.

Công việc quen thuộc hàng ngày của anh Thái (39 tuổi) – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Động vật hoang dã Save Vietnam Wildlife (SVW) là chăm sóc những con tê tê giải cứu từ những cuộc mua bán trái phép, trong nhà hàng hoặc bị mắc bẫy trong rừng. Anh kể, những con tê tê được cứu, ngoài chữa vết thương trên cơ thể, chúng cũng cần được chăm sóc để không thấy sợ hãi, sau đó mới có thể thả về tự nhiên.

Nhắc lại cơ duyên gắn với loài động vật hoang dã này, anh Thái chưa quên câu chuyện khi đang học lớp 9 đã tận mắt chứng kiến cảnh vài người dân trong làng xúm lại bóc vảy, giết thịt mẹ con tê tê săn được ở trên rừng. Tiếng kêu vang lên giống như một lời kêu cứu trong vô vọng của tê tê nhưng anh không thể ngăn chặn được việc này. Chàng trai 15 tuổi tự nhủ rằng sẽ đòi lại công bằng cho loài tê tê khi có thể.

Lên đại học, anh chọn theo học Đại học Lâm Nghiệp và may mắn xin được suất thực tập tại Cúc Phương. Thái có cơ hội tiếp xúc nhiều tài liệu về bảo tồn loài tê tê. “Cuộc nói chuyện với nhà sáng lập người Đức của Trung tâm cứu hộ linh trưởng ở Việt Nam đã truyền cảm hứng rất nhiều cho tôi về công việc bảo tồn động vật sau này”, anh nói. Hết kỳ thực tập, anh xin về làm việc tại trung tâm bảo tồn thú ăn thịt và tê tê tại Vườn quốc gia Cúc Phương.

Khi đó, trung tâm triển khai dự án cứu hộ và phục hồi tê tê từ hoạt động buôn bán trái phép lần đầu tiên tại Việt Nam. Tận dụng cơ hội này, anh trực tiếp chăm sóc tê tê, từ việc vào rừng bắt kiến, mối đến theo dõi quá trình sinh hoạt của loài này và dành thời gian nghiên cứu về chúng.

Anh chia sẻ, tê tê giúp kiểm soát các loài kiến, mối trong tự nhiên nhưng việc tìm hiểu sâu về cá thể này là một thách thức lớn vì chúng rất nhạy cảm, dễ bị căng thẳng, kén ăn và khó sống sót trong điều kiện nuôi nhốt. “Việc ít khả năng quan sát tê tê trong môi trường tự nhiên ở Việt Nam dẫn đến dữ liệu về hoạt động sinh sản và tuổi thọ của chúng không có nhiều, vì thế khó có thể dự đoán số lượng tê tê còn lại ngoài tự nhiên”, anh nói.

Muốn học hỏi kinh nghiệm từ các nước khác, anh Thái quyết định du học một năm tại Anh để chuyên sâu về bảo tồn và cứu hộ động vật và hai năm học Thạc sỹ tại Australia về lĩnh vực môi trường. Ba năm học tập kết hợp với kinh nghiệm làm việc thực tế giúp anh có kiến thức sâu hơn về loài động vật này.

Trở về Việt Nam một thời gian, năm 2014, anh Thái thành lập Save Vietnam’s Wildife, với đội ngũ là những người cùng chung đam mê và mong muốn bảo vệ động vật hoang dã.

Từ đây, anh cùng cộng sự bắt đầu những chuỗi ngày leo rừng lội suối để tìm kiếm dấu hiệu sinh sống của loài tê tê trong từng khu vực, gỡ bẫy và phá bỏ các lán trại của kẻ săn bắt. Mỗi chuyến vào rừng thường kéo dài nửa tháng, không thể liên lạc về với gia đình. Các thành viên trong nhóm dần quen với những bữa mì, giấc ngủ tạm lúc dừng chân trong rừng.

Anh Thái (bên phải) cùng cộng sự tổ chức chuyến tái thả trong rừng. Ảnh: SVW.

Anh Thái (bên phải) cùng cộng sự tổ chức chuyến tái thả trong rừng. Ảnh: SVW.

Cho rằng “không vào hang cọp sao bắt được cọp”, anh tìm cách tiếp cận với thợ săn để hiểu hơn về chuỗi cung ứng săn trộm, cách tê tê bị bắt giữ và buôn bán như thế nào.”Chúng không tụ tập một điểm mà chia thành các xe nhỏ, thường di chuyển không theo kế hoạch sẵn để đánh lạc hướng theo dõi”, anh cho biết. Kiên trì theo kẻ xấu, nhóm đã phối hợp với lực lượng quản lý thực hiện hàng trăm cuộc giải cứu tê tê, hơn 500 kẻ săn trộm bị bắt giữ và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Có tới 80% cá thể tê tê bị thương nặng, nhiễm trùng được nhóm kịp thời cứu chữa và phục hồi.

Dù biết rừng tự nhiên mới là ngôi nhà thực sự của tê tê và những loài động vật hoang dã khác, anh Thái vẫn không ngừng trăn trở về việc tái thả chúng về rừng khi nguy hiểm về những chiếc bẫy, khan hiếm nguồn thức ăn luôn rình rập. Xuất phát từ đó, năm 2019, anh và cộng sự triển khai giám sát số lượng tê tê tái thả bằng công nghệ máy bay không người lái, camera chụp trong rừng. Trường hợp cặp tê tê nào đó có thể gặp nguy hiểm khi đi vào vùng nguy hiểm, nhóm chuyên trách kết hợp với kiểm lâm để giải cứu.

Ngoài điểm nóng Vườn Quốc gia Cúc Phương, anh phối hợp với ban quản lý Vườn Quốc gia Pù Mát để thành lập nhóm Chuyên trách Bảo vệ rừng đầu tiên của Việt Nam, trang bị cho cán bộ từ kiến thức về bảo tồn động vật hoang dã, nhận dạng động vật, đến kỹ năng sử dụng GPS, võ thuật. Nhờ đó, từ năm 2014 đến năm 2020, các hoạt động săn trộm và vào rừng bất hợp pháp tại VQG Pù Mát đã giảm 80%.

Đem tiếng nói của mình lan tỏa khu vực và thế giới, anh Thái nghiên cứu các chiến lược bảo tồn toàn cầu và làm việc với cơ quan quản lý của CITES để đưa 8 loài tê tê từ Phụ lục II lên Phụ Lục I thuộc Công ước, xây dựng các quy trình đầu tiên về theo dõi và phục hồi tê tê ở Việt Nam, mở rộng phạm vi hoạt động của trung tâm cứu hộ với các loài thú ăn thịt, linh trưởng và rùa.

Những đóng góp bảo tồn loài tê tê và động vật hoang dã khác tại Việt Nam của anh được ghi nhận. Năm 2021 anh Thái là gương mặt đại diện châu Á nhận Giải thưởng Môi trường Goldman – giải “Nobel xanh” tôn vinh những cá nhân có đóng góp quan trọng trong bảo vệ môi trường và động vật hoang dã.

Nguyễn Xuân

Theo Vnexpress