Ngưng lải nhải ‘đàn ông phải thế’ với con trai mình nếu không muốn con trở nên phụ thuộc

Kể cả khi cha mẹ đang có ý tốt muốn bảo con trai, nhưng khi quá bận tâm với việc dạy các cậu bé những bài học về việc trở thành đàn ông, điều đó vô tình lại khiến con trai của họ giảm bớt khả năng tư duy và bỏ qua cá tính để phù hợp với khuôn mẫu truyền thống rằng con trai phải thế này thế kia.

Tiến sĩ Michael C. Re Richt, tác giả cuốn How To Raise A Boy, đã chỉ ra một số bài học quan trọng mà bố mẹ nên chú ý để giúp con mình phá vỡ khuôn mẫu có sẵn, phát huy được thế mạnh và cái tôi cá nhân.

Bài học 1: Ủng hộ suy nghĩ và sở thích của con trai

Đối với hầu hết các bé trai, có vẻ như chúng phải đương đầu với áp lực xã hội ngay từ lúc còn nhỏ, đơn giản như khi đứa trẻ ngượng ngùng vì khóc, bố mẹ hay ông bà thường bảo “là con trai sao phải khóc”. Nếu cậu bé chơi với búp bê hoặc những đồ chơi được gắn mác nữ tính, cậu sẽ bị nhắc nhở hoặc thậm chí cảm thấy xấu hổ vì những lời trêu chọc.

Sau này, trong các trận đấu thể thao hoặc trên sân chơi trường học, áp lực khiến các cậu bé phải tuân theo những kỳ vọng rập khuôn: yêu thích sự cạnh tranh, cam chịu những cơn đau thể chất hoặc là tìm kiếm sự thống trị cho ra dáng vẻ đàn ông.

Là cha mẹ, trước tiên phải để cho các cậu bé của mình hiểu được mối đe dọa gây ra bởi áp lực xã hội mà chúng sẽ phải đối mặt. Chúng ta nên đưa ra những đánh giá chiến lược và ghi nhớ mục tiêu lớn hơn: ủng hộ con đứng lên trước áp lực và tìm kiếm sự giúp đỡ khi con thấy cần thiết.

Bố mẹ nên trở thành đồng minh tốt cho các cậu bé, nghĩa là luôn chào đón mọi nỗ lực và mong muốn của các cậu bé kể cả khi thấy hơi khác biệt bởi vì trong đó còn ẩn chứa những kỳ vọng của các bé trai về việc tìm ra một hướng đi mới cho chính mình.

Bài học 2: Khen ngợi và khuyến khích con biểu lộ cảm xúc

Các cậu bé chỉ chia sẻ cảm xúc khi không cảm thấy sự xấu hổ hay cảm thấy được bảo vệ để không phải đối diện với những phán xét vô căn cứ. Khi các rào cản và mối đe dọa được gỡ bỏ, các bé sẽ không giữ kín trong lòng, chúng mong muốn được kể câu chuyện của mình ra để giải tỏa.

Thực tế, kỹ năng lắng nghe của cha mẹ với cảm xúc của các cậu bé vừa đơn giản nhưng cũng đầy thách thức. Những căng thẳng trong công việc và cuộc sống mà cha mẹ phải chịu đựng có thể khiến họ vô tâm, cáu kỉnh và nổi khùng lên khi con trai họ cư xử không hợp lý. Nhưng đó cũng là lúc cha mẹ vuột mất cơ hội để hiểu rõ những gì ẩn chứa đằng sau hành vi của các bé trai.

Vì vậy, tốt hơn là cha mẹ đừng bao giờ đưa ra lời khuyên những lúc con trai chia sẻ cảm xúc của mình. Hầu hết các cậu bé, đặc biệt là khi chúng lớn lên, khăng khăng được tự do tạo ra suy nghĩ của riêng mình và sẵn sàng từ bỏ các cuộc nói chuyện hoàn toàn để tránh bị đoán trước hoặc phải nghe lời giáo huấn áp đặt từ cha mẹ.

Thay vào đó, cha mẹ nên khuyến khích con chủ động nói chuyện  bằng cách hỏi con nhiều hơn về những chuyện thường ngày xảy ra ở trường cũng như trong mối quan hệ với bạn bè. Khi con hỏi ý kiến về vấn đề gì đó, cha mẹ không nên áp đặt suy nghĩ của mình mà hướng dẫn để cọn tự lựa chọn cách giải quyết.

Bài 3: Thúc đẩy quyền tự chủ

Cha mẹ phải đồng hành cùng con trai vượt qua các thử thách thay vì tự động can thiệp thô bạo khi con mắc lỗi hay chùn bước trước khó khăn. Giống như một huấn luyện viên giỏi, cha mẹ nên khích lệ sự tự tin và là chỗ dựa an toàn con con khi các con thất bại hoặc phát sinh cảm xúc tiêu cực.

Trong bất kỳ mối quan hệ nào, những xung đột rõ ràng thường biến mất khi sự tôn trọng, lắng nghe và giãi bày những cảm xúc căng thẳng được khích  lệ.

Để đảm bảo được sự cân bằng giữa việc duy trì sự kết nối và việc để cho con trai thỏa mãn mong muốn được tự do, chủ động trong mọi vấn đề, cha mẹ thường xuyên phải xem xét những hành vi tự chủ đó xảy ra như thế nào trong gia đình, có ảnh hưởng đến đạo lý, lễ nghi hay phép tắc trong gia đình không và có mang lại những điều tốt đẹp cho mối quan hệ với con trai của mình hay không.

Theo Sức khỏe